Tây đón… Tết ta

Thứ ba, 04/02/2020 17:47

Đối với nhiều người nước ngoài, du lịch khám phá là trải nghiệm thú vị, là cơ hội để hiểu, yêu hơn những vùng đất, con người của nhiều nền văn hóa khác. Vì thế, Tết Nguyên đán của người Việt là... dịp may hiếm có. Nhớ lại Tết Kỷ Hợi 2019, anh Golo Peters (1990, quốc tịch Đức) lần đầu tiên đưa vợ con sang Hội An du lịch. Trên đường đi, Golo thấy khắp nơi không khí tưng bừng, đường phố được trang trí bắt mắt với cảnh trăm hoa khoe sắc, người người đổ xô ra đường, tụm năm tụm bảy ở các ngôi chợ, ở những điểm bán hàng... Tò mò, hỏi thăm Golo mới biết người dân Việt Nam đang chuẩn bị Tết cổ truyền của dân tộc. Vui cùng niềm vui của mọi người, anh cũng chọn cho mình những cành hoa đẹp mang về cho vợ trang trí căn phòng. Gặp chúng tôi, anh Golo và vợ là chị Julia Bolzek, cho hay: gia đình đang rất háo hức đón Tết cổ truyền của Việt Nam lần đầu tiên trong đời. Vì, ở Đức, kỳ nghỉ có thể bắt đầu từ Lễ Giáng sinh đến ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Không có Tết cổ truyền như ở Việt Nam. Những ngày đó, đa số vẫn đi làm, không như ở Việt Nam mọi người đều được nghỉ để đón Tết. Khi nghe giới thiệu Tết này ở TP Hội An sẽ tổ chức nhiều lễ hội và nhiều hoạt động văn hóa khác phục vụ người dân và du khách, vợ chồng anh Golo tỏ ra rất hào hứng.

Người Tây trải nghiệm Tết Việt.

Một cặp vợ chồng khác thường xuyên đón Tết tại Hội An là vợ chồng ông Roy Erle Hornsby (1949, quốc tịch Úc) và chị Phan Thu Lan (1970), quê Q. 1, TPHCM. May mắn hơn vợ chồng chị Julia Bolzek, vợ chồng ông Roy đã có 5 năm sống và làm việc tại Hội An. Roy kể: Năm 1968, ông từng tham gia tại chiến trường Việt Nam và đóng quân tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Năm 1972, Hiệp định Paris được ký kết, Roy về nước. Sống ở quê hương nhưng Roy vẫn luôn nhớ về một đất nước tươi đẹp ở bên bờ Thái Bình Dương nên năm 1998 ông sang Việt Nam du lịch để tìm lại chốn cũ. Thời gian sau, với công việc thiết kế các trang web Roy chuyển đến sống, làm việc tại TPHCM rồi làm quen và nên duyên vợ chồng cùng chị Lan. Thay vì chọn Sài Gòn phồn hoa đô hội họ đưa nhau về Hội An (Quảng Nam) mua đất, dựng căn nhà nhỏ tại địa chỉ 199/1-Nguyễn Duy Hiệu bên dòng sông Đò thuộc P. Cẩm Châu làm nơi sinh sống. Lý giải nguyên nhân chọn Hội An làm quê hương thứ hai, Roy bảo: vì Hội An yên bình, môi trường sống trong lành, con người giản dị, thân thiện, mến khách... Mỗi độ Xuân về, gia đình Roy mua hoa, bánh chưng, thịt heo... để đón Tết cổ truyền. Ngày Tết, Roy cũng sang nhà những người hàng xóm chúc, mừng tuổi cho các cháu nhỏ. Bàn về ẩm thực, Roy thích thú: người Việt có nhiều món ngon, bổ dưỡng và rẻ hơn so với nước Úc nhưng món mà Roy thích nhất là cơm gà và thịt kho hột vịt.

Còn anh Rinna, một người Đức lại cảm thấy thật thú vị khi tận mắt thấy người Việt gói bánh chưng. “Chiếc bánh chưng của các bạn chứa đựng rất nhiều tình yêu vào đó. Tôi học cách gói món bánh này để khi trở về quê hương sẽ làm để mời người thân, bạn bè cùng thưởng thức. Tôi sẽ kể cho họ nghe về cái Tết thật thân thương cùng ý nghĩa của chiếc bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền của người Việt”, Rinna nói.

Trao đổi về công tác chuẩn bị đón Tết cho người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại địa phương, ông Võ Nễ - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hội An, cho biết: Vào dịp cuối năm, lãnh đạo Hội An tổ chức gặp mặt kiều bào, người nước ngoài đang sống trên địa bàn. Ngoài việc chúc Tết, đây là dịp để chính quyền lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ nhằm động viên, khích lệ những đối tượng này đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển KT-XH... của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An trao đổi: Từ lâu, chính quyền và người dân Hội An đã “quen” với hình ảnh cũng như tập tính sinh hoạt của hơn 50 gia đình có quốc tịch nước ngoài đang định cư tại địa phương. Họ là những người có việc làm ổn định, có mối quan hệ xã hội trong sáng... nên Hội An xem đây là một thành phần mới, làm đa dạng thêm bức tranh văn hóa tại địa phương. Thông qua họ, bạn bè khắp năm châu sẽ biết, hiểu rõ về đất và người Hội An nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung. Hy vọng, qua “kênh thông tin” này sẽ thu hút du khách đến với Hội An ngày càng đông, để tạo ra động lực cho nền công nghiệp không khói của chúng ta phát triển.

Những tia nắng xuân ấm áp ngập tràn cũng là lúc sự lo toan của cuộc sống trên những khuôn mặt tạm khép lại khiến cho Tết Việt trở nên gần gũi, ấm áp hơn để những người nước ngoài cảm nhận và thoải mái như đang sống trên quê hương, xứ sở của mình.

MINH TRÍ