Tây Giang -“Chợ Đo Đo” trong phim “Mắt biếc”

Thứ hai, 27/01/2025 09:51

Chợ Tây Giang (ở thôn Tây Giang, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được dựng thành bối cảnh “Chợ Đo đo” trong phim Mắt biếc - tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những địa danh như chợ Tây Giang, Lăng Bà, cây sợp, nhà đình, hiệu thuốc Nghĩa Hòa Đường... bên sông Trường Giang trở thành nơi lưu dấu văn hóa, lịch sử cách mạng, tình cảm và tâm hồn của đất và người xã Bình Sa nói riêng, huyện Thăng Bình nói chung.

Lăng Bà bên bến sông Trường Giang.
Chợ Tây Giang và di tích nhà thốc Nghĩa Hòa Đường (treo cờ)

Dấu xưa Tây Giang

Đến Tây Giang cuối chiều. Gió sông Trường Giang thổi xào xạc trên tán lá sợp cổ thụ sát bên sông. Ông Hoàng Minh Đặng cùng các lão niên ở thôn Tây Giang đưa tôi ra bến sông. Bến cũng vắng, lau lách phất phơ, vài chiếc thuyền nhỏ dập dềnh theo sóng nước... Không thể hình dung bến sông - bến chợ Tây Giang nổi tiếng hàng trăm năm trước, tấp nập ghe thuyền và khách thương hồ. “Nằm sát sông Trường Giang về hướng tây nên địa danh Tây Giang ra đời”, ông Đặng lý giải tên làng, như thông tin tôi đã đọc đâu đó.

Trục thẳng từ dòng Trường Giang vào làng là bến sông, Lăng Bà, cây sợp, chợ Tây Giang và nhà đình, còn gọi là “Võ ca” (nhà hát tuồng). Hai bên trục này là nhà dân, nghe nói trước kia là các ki-ốt góp phần làm chợ Tây Giang sầm uất một thời.

Ngay sát bến sông vào chợ Tây Giang là lăng Bà, một lăng thờ nhỏ. Những bậc cao niên cho biết, lăng thờ vị Thần nữ linh ứng che chở, phù hộ dân làng. Tấm bảng đá trên cửa gian thờ Bà ghi: Người hiển linh thành lập chợ Tây Giang và tổ chức ngày hội đua thuyền hằng năm vào ngày mồng 8 tháng Giêng trên sông Trường Giang ngang qua làng. Năm 1858, Bà qua đời. Tưởng nhớ công lao to lớn của Bà, dân làng Tây Giang lập lăng thờ. Nhân dân và những người con quê hương Tây Giang xa gần đã góp công sức, tiền của trùng tu lại Lăng Bà vào ngày 26-6 năm Canh Dần 2010. “Bà linh lắm. Trước kia, những người thường xuyên xuôi ngược Trường Giang bằng thuyền hay đến chợ Tây Giang buôn bán đều sắm lễ vật, hương khói dâng Bà. Từ xưa đến nay, hằng năm đến ngày hội đua thuyền truyền thống Tây Giang, dân làng tổ chức lễ tế Bà và cầu quốc thái dân an”, ông Đặng nói.

Vị trí thuận lợi, bến sông - bến chợ nên hàng trăm năm trước chợ Tây Giang là nơi dừng chân của các thuyền giao thương, buôn bán giữa Hội An qua Thăng Bình đến Cửa Lở, An Hòa - Núi Thành hoặc từ Trường Giang ngược lên vùng cao xứ Quảng. Đường giao thông thủy bộ, nơi tập trung dân cư để trao đổi, mua bán nên Tây Giang trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là địa bàn hoạt động của cách mạng, tạo tiền đề cho sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên của vùng đất Thăng Bình.

Cây sợp cổ thụ ở Tây Giang.

Hiệu thuốc Nghĩa Hòa Đường

Nghĩa Hòa Đường trước đây còn dấu tích là căn nhà cấp 4 cũ, nằm bên phải, hướng qua cổng chợ Tây Giang. Ông Hoàng Ngọc Phương - Bi thư Chi bộ thôn Tây Giang cho biết, đây là ngôi nhà của ông Trịnh Phương, một người dân định cư lâu đời trong làng. Ngôi nhà này giờ con cháu của ông Phương quản lý, thường ít mở cửa. “Căn nhà của ông Trịnh Phương là địa điểm thành lập Chi bộ Tây Giang - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thăng Bình, được UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 2256 ngày 9-8-2021 xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh”, ông Phương thông tin.

Theo cứ liệu lịch sử và thông tin ông Hoàng Ngọc Phương cung cấp, hiệu thuốc Đông y cũng là Hội đọc sách lấy tên Nghĩa Hòa Đường là tổ chức ái hữu đầu tiên của Bình Sa tổ chức để che mắt bọn địch tiện bề hoạt động và thu hút, giác ngộ được nhiều thanh niên tiến bộ hướng đến cách mạng. Nghĩa Hòa Đường ra đời với hoạt động công khai là khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc cho nhân dân, uy tín ngày một lan rộng, nhân dân khắp nơi đến để khám chữa bệnh, trong đó có không ít là sĩ phu yêu nước. Lúc bấy giờ, chợ Tây Giang sầm uất, nhộn nhịp người buôn bán, Nghĩa Hòa Đường nằm ngay cạnh chợ với “vỏ bọc” là nhà thuốc Đông y dễ ẩn mình hoạt động...

Nghĩa Hòa Đường ra đời và hoạt động mạnh mẽ, đảm bảo đủ điều kiện để thành lập tổ chức Đảng nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Vào ngày 19-6-1936, tại nhà ông Trịnh Phương, ông Trần Học Giới - Tỉnh ủy viên quyết định thành lập Chi bộ Tây Giang, gồm Bí thư Chi bộ Nguyễn Niệm, các đồng chí Nguyễn Ngẫu và Hoàng Tánh. Chi bộ Tây Giang là chi bộ Đảng đầu tiên tại Thăng Bình, có ảnh hưởng đến các vùng đông nam huyện Thăng Bình và một số địa phương giáp Tam Kỳ, đóng góp tích cực vào phong trào của huyện trong những năm 1936 - 1939.

Lăng Bà bên bến sông Trường Giang.

“Chợ Đo Đo” trong phim “Mắt biếc”

Những ai xem phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ, tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ truyện dài cùng tên nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sẽ thấy bối cảnh “Chợ Đo Đo” với những nét chợ quê xưa “làm nền” cho câu chuyện tình lãng mạn và trớ trêu của Ngạn và cô gái Hà Lan. Chợ Tây Giang chính là bối cảnh để đoàn làm phim dựng phim trường “Chợ Đo Đo” trong phim.

Ông Hoàng Tấn An, nhà bên phải ngay sát chợ Tây Giang hào hứng khi nhắc đến chuyện đoàn làm phim lần đầu tiên đến làng mình quay phim, và cũng lần đầu tiên chợ Tây Giang của làng trở thành phim trường. Theo ông An, đoàn làm phim “Mắt biếc” đến dựng phim trường và quay trong tháng 5-2019 nhưng từ trước Tết đã có người đi tiền trạm khảo sát, liên hệ nhờ dựng bối cảnh, thuê người giúp đoàn. “Bộ phận làm dựng phim trường của đoàn làm phim làm rất nhanh, chuyên nghiệp lắm. Ngoài bối cảnh “Chợ Đo Đo” trung tâm là chợ Tây Giang, các nhà dân quanh chợ đều che rèm tre, nền chợ và khu vực xung quanh đều được đổ cát. Đoàn làm phim “Mắt biếc” đến Tây Giang quay phim và ở lại 20 ngày, nhờ dân nấu ăn trưa và tối chứ không ngủ lại. Khi quay xong bối cảnh, nhiều đạo cụ liên quan đến “Chợ Đo Đo” được đoàn làm phim gửi tặng lại cho dân xung quanh chợ”, ông An nói.

Ông An cho biết mình và nhiều người dân quanh chợ Tây Giang được đoàn làm phim mời đóng vai quần chúng, như buôn bán, khách đi chợ... nên ai cũng vui. Riêng ông được thuê gánh gà vịt ra chợ bán nên nhà có 5 con vịt và mấy con gà đều được đoàn làm phim “trưng dụng”. Dân quanh vùng Bình Hải, Bình Đào, Bình Triều nghe tin có đoàn quay phim ở chợ Tây Giang nên đưa thuyền sang xem, cả ngày lẫn đêm làm cho không khí chợ Tây Giang thêm chộn rộn. “Mỗi lần xem họ quay mà mình xúc động lắm. Có múa lân, hàng quán bày biện giống hệt ký ức chợ Tây Giang của tôi lúc nhỏ. Những người chọn vào vai quần chúng tóc không được nhuộm, tạo kiểu mà phải đúng chuẩn nông dân, ăn mặc các bộ quần áo giống thời xưa. Rồi không được dùng thuyền máy, mà dùng chèo tay, mọi người đốt đuốc sáng rực cả góc sông. Đoàn làm phim rất thân thiện nên người dân ở đây ai cũng mừng, cũng quý”, ông An nhớ lại.

THẠCH HÀ