Tây Nguyên: Cần giải pháp căn bản về di cư tự do
(Cadn.com.vn) - Ngày 28-6, tại TP Pleiku (Gia Lai), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành và 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên dự và chủ trì hội nghị.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyênphát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm, dù gặp không ít khó khăn nhưng kinh tế vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 10,3%, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hoạt động tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 31.000 hộ nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, huy động nguồn vốn đạt gần 53.000 tỷ đồng xây dựng hơn 1.000 mô hình sản xuất có hiệu quả. Đến nay, toàn vùng đã có 15 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới...
Tuy nhiên, ngoài những mặt đạt được, trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn nổi lên một số vấn đề nóng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc xử lý những tồn đọng, hạn chế tại một số thủy điện vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhiều khu tái định cư thủy điện kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, là những tác động xấu đến sản xuất, môi trường trong vùng dự án và vùng hạ du thủy điện như: việc chuyển dòng thủy điện An Khê – Ka Nak từ sông Ba sang sông Kôn khiến hàng nghìn hộ dân hạ nguồn thiếu nước trầm trọng; dự án thủy điện Thượng Kon Tum đến nay vẫn chưa hoàn thành chuyển đổi đất và triển khai xây dựng hồ điều tiết nước cho TP Kon Tum... Từ đó, khiến chính quyền địa phương cũng như người dân bức xúc.
Hiện toàn vùng còn hàng chục nghìn hộ dân di cư tự do chưa sắp xếp ổn định đời sống, có nơi hàng trăm hộ sống tạm bợ, lấn chiếm đất rừng, phá rừng trái phép hoặc tranh chấp đất đai với người dân tại chỗ gây phức tạp đến tình hình ANTT. Nhưng, đến nay vẫn chưa có các chính sách, giải pháp lâu dài để giải quyết căn bản các vấn đề dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên. Trong khi đó, hiện còn khoảng 32.000 hộ dân thiếu đất sản xuất với khoảng 20 nghìn ha. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, chiếm đất phân lô diễn ra phức tạp tại Tây Nguyên trong thời gian qua.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã biểu dương sự nỗ lực của các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp để giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc an ninh – quốc phòng trong 6 tháng cuối năm.
Liên quan đến những vấn đề đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu 5 tỉnh Tây Nguyên tập trung các giải pháp tháo gỡ, giải quyết triệt để. Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Đề nghị các Bộ ngành, cấp ủy chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cụ thể hóa thành chương trình hành động để lãnh đạo, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ và nghiêm túc những vấn đề đã thống nhất trong hội nghị hôm nay. Đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với các ban Đảng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên trong việc thực hiện, đảm bảo có kết quả những nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2014 của Ban chỉ đạo Tây Nguyên và những kết luận tại hội nghị.
Minh Tân