Tây Nguyên: Chưa có lời giải cho bài toán mắc ca
(Cadn.com.vn) - Mắc ca có danh pháp khoa học là Macadamia có xuất xứ từ Châu Đại Dương (Australia), được đánh giá là một loại cây có giá trị thương mại cao, thời gian gần đây nông dân Tây Nguyên ồ ạt mở rộng diện tích mà không lường trước được nhiều điều...
Diện tích trồng mắc ca tăng vọt
Tỉnh Đắc Nông là nơi được chọn trồng khảo nghiệm mắc ca từ 10 năm trước. Đến nay diện tích khảo nghiệm đã cho kết quả nhưng vấn đề về năng suất, sản lượng vẫn chưa ổn định. Vì vậy chưa có một luận cứ chính xác nào để minh chứng rõ ràng mắc ca là cây trồng thích hợp với Tây Nguyên. H. Tuy Đức, nơi có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh, từ năm 2012 đưa vào trồng hơn 400 ha, hiện nay đã cho thu quả bói, và cây mắc ca thể hiện tương đối tốt về khả năng thích ứng với thổ nhưỡng và khí hậu.
Tuy nhiên cái mà nhà nông quan tâm nhất là đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán đau đầu. Vì thực tế họ chỉ biết trồng mà chưa tiên lượng trước được sẽ bán cho ai và giá cả như thế nào. Nếu như người trồng hồ tiêu và cà-phê ở đây đều có hiệp hội thì mắc ca đang “đơn thương độc mã”. Số liệu từ Sở NN&PTNT Đắc Nông cho biết, hiện nay trên toàn tỉnh có hơn 800 ha cây mắc ca, được trồng với nhiều giống ghép đã được khảo nghiệm.
Tại Đắc Lắc hiện nay có hơn 110 ha cây mắc ca, được trồng chủ yếu ở các huyện M’ Đrắc, Lắc và Krông Ana, hầu hết cây sinh trưởng tốt, ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả lại thấp. Do đó, UBND tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt nữa, tránh hậu quả về sau.
Lâm Đồng cũng là một tỉnh nằm trong vòng xoáy của mắc ca, đến thời điểm này toàn tỉnh có hơn 107ha, có nguồn gốc giống từ Mỹ, Australia, Trung Quốc. Trong đó các nơi có cây mắc ca tương đối lớn là Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc được trồng bằng hạt giống và cây ghép. Hiện nay địa bàn Lâm Đồng đang là nơi có mức tiêu thụ rất cao về sản phẩm của cây mắc ca nhưng sản phẩm thu chưa bán ra thị trường vì chủ yếu dùng trong gia đình và ươm cây giống.
Sản xuất giống mắc ca tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. |
Không phải ở đâu cũng trồng được mắc ca
Các nghiên cứu nổi bật về cây mắc ca tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho hay, qua kết quả theo dõi trồng khảo nghiệm mắc ca trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, sau 3 năm đã bắt đầu ra hoa và đậu quả, bước đầu đã chọn được một số giống triển vọng là OC, H2, A38.
Sau 9 năm trồng, sản lượng của giống H2 và OC là khoảng 8kg/cây/năm, tương đương với sản lượng trồng ở Australia và cao hơn so với Trung Quốc. Giống A38 sau 5 năm trồng đã cho năng suất 5kg/cây/năm. Trong lượng hạt và tỷ lệ nhân của các giống là khá tốt so với các vùng sản xuất mắc ca trên thế giới.
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo người dân rằng mắc ca chỉ mới là cây trồng thử nghiệm trên địa bàn Tây Nguyên, bước đầu cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, có năng suất cao. Nhưng điều đặc biệt là nó chỉ thích hợp với một số vùng có khí hậu lạnh, nên phải có quy hoạch hẳn hoi nơi nào thích hợp để trồng, nơi nào không để mang lại giá trị kinh tế cao nhất, tránh tình trạng trồng tràn lan không hiệu quả.
Một vấn đề hệ trọng liên quan lâu dài đến việc phát triển cây mắc ca là nguồn gốc giống. Hiện nay, xung quanh Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên có khoảng 100 cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống, giá dao động khoảng 60 nghìn đồng/cây. Nhiều vườn ươm không còn hàng vì lượng người mua tăng vọt.
Theo Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thì sau hơn 10 năm trồng thử nghiệm, nghiên cứu thì mắc ca là loài cây trồng khó tính. Nếu chọn được giống tốt, điều kiện tự nhiên phù hợp thì chưa chắc đã thành công vì loại cây này dễ “mẫn cảm” với điều kiện sinh thái thay đổi.
Trước tình hình cây mắc ca phát triển một cách rầm rộ như hiện nay, nhiều cơ quan ban ngành đã khuyến cáo bà con nông dân không nóng nảy chặt bỏ những cây trồng khác để đưa loại cây này vào. Vì nếu mắc ca không phù hợp thì người dân sẽ... mắc nợ!
Tứ Đức