Siêu dự án trồng hơn 200.000ha mắc ca ở Lâm Đồng: Bất khả thi?

Thứ bảy, 11/04/2015 10:20

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-4, Ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng đã có cuộc họp bàn về việc trồng mắc ca tại địa phương, có rất nhiều ý kiến được đặt ra là trồng với diện tích bao nhiêu cho đúng với nhu cầu thực tế. Và con số cuối cùng được Ban chỉ đạo tỉnh này đưa ra là sẽ trồng dao động quanh mức 22.000ha, tức là giảm gần 90% so với dự kiến. Vì đâu Lâm Đồng thay đổi quyết định như trên?

Trước đó hai tháng, ngày 7-2, tại Lâm Đồng, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng Cty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienviet Post Bank) tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”.

Theo “chiến lược” này, trong vòng 5 năm tới Ngân hàng Lienviet Post Bank sẽ đầu tư cho Tây Nguyên khoảng 22.000 tỷ đồng cho nông dân, từ đó phát triển khoảng 250.000ha cây mắc ca. Dự kiến sẽ có khoảng 90% diện tích là của nông dân, phần còn lại là của doanh nghiệp, trong đó diện tích trồng xen sẽ chiếm đến 67%. Tỉnh Lâm Đồng sẽ được giao trồng 200.000ha và bắt đầu triển khai cụ thể từ năm 2015.

Cây mắc ca được trồng ở Lâm Đồng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng sáng 8-4, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng, cho biết: Tỉnh Lâm Đồng chỉ  đồng ý sẽ quy hoạch vùng trồng mắc ca, trước mắt dự kiến quy hoạch 22.025 ha giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở tái canh một số cây trồng đã già cỗi, hiệu quả kinh tế kém.

Trong đó, trồng xen là 20.530 ha (chiếm 93% tổng diện tích), trồng thuần là 1.470 ha (chiếm 6% tổng diện tích) và 25ha là để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất giống (chiếm 1% tổng diện tích), chứ không thể thực hiện trồng ồ ạt 200.000ha mắc ca trong toàn tỉnh với ý định nâng diện tích mắc ca tại tỉnh, gấp đôi diện tích mắc ca toàn thế giới nhằm chiếm ưu thế chi phối thị trường nguyên liệu.

Ông Phạm S lý giải việc không thể thực hiện dự án với con số 200.000ha: “Quy hoạch đất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng khoảng 300.000ha, trong đó tổng diện tích cà-phê và chè 170.000ha. Dù có trồng xen canh vào chè, cà-phê cũng không đạt. Ưu thế sản lượng không phải là ưu thế cạnh tranh, chi phối toàn cầu. Thực tế cho thấy gạo, cà-phê của Việt Nam có sản lượng hàng đầu thế giới nhưng chỉ số cạnh tranh dưới 10%. Trồng mắc ca cần thận trọng vì quá mới và thị trường chưa rõ, chú trọng công nghệ chế biến và xây dựng thương hiệu”.

Trước quyết định của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án phát triển cây mắc ca tại Lâm Đồng ngày 8-4, ông Lê Văn Liền, Giám đốc dự án mắc ca Lâm Đồng (Tập đoàn Him Lam), lo ngại 22.000ha thì chỉ cho sản lượng khoảng 40% sản lượng toàn thế giới hiện nay, do đó không điều phối được thị trường. Ông nói: “Ít nhất cho chúng tôi thực hiện trên diện tích 150.000ha”.

Còn ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của CTCP Him Lam cho biết, mục đích của Him Lam là muốn đồng hành và giúp việc làm giàu chính đáng của bà con nông dân, dựa trên cơ sở thực tế đã chứng minh. Trong mọi trường hợp rủi ro xảy ra, nhờ có bảo hiểm nên người nông dân đều không bị thiệt, nếu không may bị mất mát thì chỉ có công ty bảo hiểm và Him Lam chịu. “Nếu địa phương nào ở Tây Nguyên còn do dự, chưa sẵn sàng triển khai và có quỹ đất phù hợp, Him Lam sẵn sàng đầu tư trồng 10.000ha nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân”, Chủ tịch Him Lam khẳng định.

Như vậy, dự án đầy tham vọng của Him Lam ở Lâm Đồng, sau những hứng khởi ban đầu, giờ đây đã bắt đầu có sự phản biện, kể cả sự do dự cần thiết, để tránh mọi khả năng rủi ro có thể xảy ra, mà nói gì đi chăng nữa, người nông dân cũng bị thiệt hại. Đây là động thái rất cần thiết của chính quyền tỉnh Lâm Đồng.

Cao Diên