Tây Nguyên nỗ lực giải quyết bài toán thiếu giáo viên

Thứ tư, 31/10/2018 13:32

Tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên kéo dài trong nhiều năm, được chính quyền, ngành GD&ĐT các địa phương nỗ lực giải quyết. Trong đó, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum dường như đã đạt được kết quả bước đầu, cho dù một giải pháp căn cơ vẫn đang bỏ ngỏ.

Một lớp học tại huyện IaPa, Gia Lai. Ảnh: K.M

Áp lực thiếu giáo viên

Cũng như tình hình các tỉnh khu vực Tây Nguyên, bài toán khó khăn nhất của ngành GD&ĐT tỉnh Gia Lai hiện nay là vấn đề thừa/thiếu giáo viên cục bộ. Toàn ngành GD&ĐT tỉnh Gia Lai đang còn thiếu hơn 1.900 giáo viên. Mặc dù, đầu năm học 2018-2019, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định giao cho Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ Gia Lai tổ chức xét tuyển 700 chỉ tiêu biên chế giáo viên trong năm học này, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết căn cơ tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên.

Trong khi đó, ở tỉnh kế bên, toàn ngành GD&ĐT Kon Tum vẫn còn thiếu 505 giáo viên mầm non; 513 giáo viên tiểu học... Ông Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, cho hay: Tính từ năm 2012, Bộ Nội vụ  giao biên chế cho khối sự nghiệp tỉnh Kon Tum, trong đó có biên chế ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum, thì cho đến nay tỉnh Kon Tum không được giao thêm biên chế. Nghĩa là trong 6 năm qua, tỉnh Kon Tum không được tăng biên chế trong ngành GD&ĐT. Trong khi đó, dân số tỉnh Kon Tum tăng lên mỗi năm khoảng hơn 2%, với mức tăng dân số như vậy thì số lượng học sinh các cấp đã tăng theo.

Sắp xếp lại mạng lưới trường lớp

Ông Nguyễn Tư Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho hay, thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện mạnh mẽ công tác sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp trong năm học 2017-2018. Thực hiện triển khai sắp xếp lại trường lớp học theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến năm học 2018-2019, số lượng trường lớp trên địa bàn Gia Lai giảm 56 trường (sáp nhập trường học có quy mô nhỏ để hình thành trường có quy mô lớn hơn (mầm non) hoặc trường 2 cấp học, giảm 190 điểm trường. Năm học 2018-2019, số lượng học sinh tăng gần 14.000 em, nhưng tổng số lớp học giảm 406 lớp.

Ông Nguyễn Tư Sơn, cho biết: Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đang tập trung thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tăng cường thí nghiệm, thực hành, dạy học 2 buổi/ngày; tăng cường sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại.

Tại Kon Tum, ngành GD&ĐT tỉnh này cũng đã bắt tay vào thực hiện công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp. Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Kon Tum có 140 trường mầm non, 147 trường tiểu học, 112 trường THCS, 27 trường THPT. Toàn tỉnh Kon Tum có 154.800 học sinh mầm non và phổ thông, tăng khoảng 4.000 học sinh so với năm học 2017-2018. Trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại cơ sở trường lớp học, các địa phương đã tiến hành xóa bỏ các phòng học tạm bợ, đầu tư xây dựng phòng học mới bổ sung. Mục tiêu hướng đến của công tác sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, tổ chức sát nhập trường, lớp học trên cơ sở tạo điều kiện đi lại, học tập tốt hơn cho con em học sinh, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện tốt công tác sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp sẽ giải quyết được thực trạng thiếu giáo viên lâu nay. Đây được xem là giải pháp vừa để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế giáo viên, vừa giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, vừa nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác thu gọn cơ sở trường lớp được thực hiện trên cơ sở tính toán một cách cụ thể, không thực hiện máy móc nhằm đảm bảo, tạo điều kiện cho học sinh sau khi sắp xếp lại có môi trường học tập, trải nghiệm tốt hơn. Vừa tạo thực hiện giảm số lớp, vừa giảm số lượng giáo viên", ông Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum khẳng định.

KHẢI MINH