Tây Nguyên quay quắt vì nắng hạn
Những năm gần đây, hạn hán ngày càng diễn ra phức tạp trên địa bàn Tây Nguyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như sản xuất của người dân. Thời điểm này, đã có hàng chục nghìn héc-ta cây trồng thiếu nước, nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng hoặc mất trắng.
Hồ chứa thủy điện Ka Nak (H. Kbang) chỉ còn khoảng 10% so với dung tích thiết kế. |
Lượng nước tích trữ ở nhiều hồ, sông suối đều thấp so với bình quân nhiều năm, nhiều nơi đang cuống cuồng tìm cách chống hạn.
“Lực bất tòng tâm”
Vùng nguyên liệu mía các huyện, thị phía đông tỉnh Gia Lai điêu đứng vì đợt nắng hạn kéo dài từ năm 2019 đến nay. Cả bạt ngàn cánh đồng mía xơ xác khi cây mía chỉ lên chưa cao quá đầu người, thiếu nước khiến cây mía còi cọc và không thể phát triển. Được đánh giá là nhà máy có công suất lớn của cả nước, niên vụ này Nhà máy đường An Khê (Cty CP đường Quảng Ngãi) đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Tại địa bàn TX An Khê – nơi nhà máy đóng chân có khoảng 3.000ha mía nhưng đa phần đều bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán.
Theo thống kê của ngành chức năng TX An Khê, những năm trước sản lượng mía của địa phương ước khoảng 60 tấn/ha thì năm nay giảm xuống 1/2 khi chỉ còn khoảng 25-30 tấn/ha. Còn theo thống kê của Nhà máy đường An Khê thì vùng nguyên liệu của nhà máy với diện tích khoảng 22.000ha thì đã có đến 7.000ha bị thiệt hại nghiêm trọng do nắng hạn khi năng suất giảm 50%, số diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng khi năng suất giảm từ 20-30%.
Ông Nguyễn Hoàng Phước - Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết: đây là năm thứ 3 liên tiếp diễn ra tình trạng mưa muộn vào tháng 6-7 và kết thúc sớm vào đầu tháng 12. “Mặc dù nhà máy cũng tuyên truyền, chính quyền địa phương và người dân cũng rất tích cực trong vấn đề chăm sóc cây mía nhưng lực bất tòng tâm. Từ năm ngoái đến vụ thu hoạch mía năm nay nắng tới 7-8 tháng ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới vấn đề sinh trưởng của mía, khiến năng suất sụt giảm lớn”.
Tại tỉnh Đắk Nông, ngành nông nghiệp tỉnh này nhận định, hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng với gần 15.000ha cây trồng bị ảnh hưởng. Trong đó, H. Cư Jút được xác định là vùng trọng điểm về hạn với khoảng 5.000ha thiếu nước tưới. Trưởng phòng NN&PTNT H. Cư Jút, ông Hồ Sơn cho biết, đây là năm thứ 4 liên tiếp hạn hán diễn ra phức tạp trên địa bàn. Nguyên nhân chính là chỉ có 15% trong 30.000ha diện tích canh tác của huyện chủ động được nước tưới từ các hồ, đập thủy lợi. “Giải pháp thì huyện cũng đã có tờ trình cho tỉnh, nhờ tỉnh và Trung ương giúp cho hệ thống bơm, lấy nước từ sông Sêrêpôk bơm lên và làm hệ thống dẫn tưới cho khoảng 5.000ha tại khu vực các xã Ea Pô, Đăk Wil, Nam Dong, Đăk Rông. Tuy nhiên, cần có nguồn vốn lớn mới thực hiện được phương án này”, ông Sơn nói.
Ngay bên cạnh, tỉnh Đắk Lắk cũng đang đối mặt với nguy cơ hạn hán trầm trọng khi theo Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk thì nhiều tháng qua trên địa bàn tỉnh không có mưa. Dòng chảy trên các sông lớn, như: Krông Ana, Krông Búk thiếu hụt từ 50-70% so với trung bình nhiều năm. Với tình hình thực trạng nguồn nước như hiện nay và đến giữa tháng 4-2020, nếu không có mưa dự kiến tỉnh Đắk Lắk sẽ có khoảng 30.000ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó có khoảng 2.000ha mất trắng.
Vụ mía năm nay tại các huyện, thị phía Đông tỉnh Gia Lai giảm năng suất khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. |
Thủy điện “đói” nước
Cùng với nông nghiệp, khô hạn kéo dài cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất công nghiệp ở Tây Nguyên. Tại lưu vực sông Ba, dòng sông lớn nhất khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước. Hiện hồ chứa thủy điện Ka Nak (H. Kbang, Gia Lai) dung tích chỉ đạt từ 35-40 triệu m3 nước, chỉ hơn 10% so với dung tích thiết kế. Đây được xem là mực hạn kỷ lục từ khi hồ chứa đưa vào hoạt động gần 10 năm nay.
Ông Đặng Văn Tuần - Giám đốc Cty thủy điện An Khê - Ka Nak (BQL DA thủy điện 7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho hay, tổ máy thủy điện Ka Nak bắt đầu dừng phát điện từ cuối năm 2019, chỉ hoạt động đột xuất một số thời điểm để có nước cứu hạn cho H. Tây Sơn (Bình Định). Còn tại tổ máy An Khê hoạt động cầm chừng để xả về hạ du phục vụ nhu cầu nước sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ du lưu vực sông Ba trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tổng sản lượng điện từ đầu năm đến đầu tháng 3-2020 của Cty chỉ đạt khoảng 4 triệu Kwh, tương đương với một ngày phát điện mùa nước dâng bình thường.
Các thủy điện trên lưu vực sông Sêrêpôk qua 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng chung số phận khi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì khô hạn kéo dài từ năm 2019 đến nay. Ông Nguyễn Đức - Phó Giám đốc Cty Thủy điện Buôn Kuốp (thuộc Tổng Cty phát điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) thông tin: Cty quản lý tổ hợp 3 công trình thủy điện lớn nhất trên dòng Sêrêpôk là Thủy điện Buôn Tua Srah, Thủy điện Buôn Kuốp và Thủy điện Sêrêpôk 3. Tuy nhiên, lưu lượng thủy văn đổ về hồ điều tiết Buôn Tua Srah ở phía thượng nguồn quá thấp với lưu lượng chỉ khoảng 20m3/s khiến hoạt động của cả thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê của Cty, cả 3 thủy điện chỉ sản xuất đạt khoảng 225 triệu Kwh, thấp hơn nhiều so với sản lượng điện của riêng tháng 1-2019 là hơn 240 triệu Kwh. Thế nhưng, thời điểm này, cả 3 thủy điện đang phải hoạt động cầm chừng, chủ yếu để đảm bảo xả nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở phía hạ du.
Tại các lưu vực sông lớn nguồn nước thiếu hụt ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh thì các thủy điện nằm trên các sông suối nhỏ trong khu vực Tây Nguyên lại càng khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Tại tỉnh Đắk Lắk, hiện có 24 thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 970MW. Tuy nhiên, hiện các thủy điện đều lâm vào tình cảnh khó khăn, đã có ít nhất 2 thủy điện thông báo dừng hoạt động trong tháng 3 do nước ở các hồ bắt đầu cạn kiệt là thủy điện Ea Đrăng 2 (6MW) và thủy điện Ea Tul 4 (6MW). Ước sản lượng điện toàn tỉnh này giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng chảy trên các sông ở Tây Nguyên đều ở mức thấp hơn so với trung bình cùng kỳ năm trước. Trong đó, các sông ở khu vực Bắc Tây Nguyên đều ở mức thấp 25-65%. Nhiều khu vực phía Đông, Đông Nam tỉnh Gia Lai trong nhiều tháng qua không hề có giọt mưa nào. Điều đó đang dự báo một mùa khô khốc liệt và thiệt hại càng lớn hơn.
M.T