Tây Nguyên: Quyết không để dịch lây lan, sớm ổn định cuộc sống người dân

Thứ sáu, 10/07/2020 15:23

Ngày 9-7, tại tỉnh Gia Lai, đoàn công tác Bộ Y tế do quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng, chống dịch bạch hầu. Trong đó, Tây Nguyên là khu vực bệnh dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh và đang có khả năng lây lan diện rộng.

Đoàn công tác Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn kiểm tra tại điểm tiêm chủng trong lễ phát động.

Nguy cơ lây nhiễm cao

Tại buổi làm việc, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thông báo: từ đầu năm đến nay, tại khu vực Tây Nguyên đã có 4/5 tỉnh ghi nhận 72 ca dương tính với bạch hầu. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương mới nhất ghi nhận 1 ca dương tính. Tại Đắk Nông có 28 ca mắc bệnh, tỉnh Gia Lai với 16 ca và Kon Tum là 25 ca. 3 trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu, trong đó Đắk Nông 2 trường hợp, Gia Lai 1 trường hợp. Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, trong số những ca dương tính, có đến gần 50% người lành mang trùng khiến nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao.

Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo các tỉnh, ngành y tế chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch cùng nhiều biện pháp khoanh vùng ổ dịch, dập dịch, không để dịch lan rộng. Bộ Y tế cũng đã tổ chức các đoàn công tác đến vùng xảy ra dịch để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu; chỉ đạo cấp 23.000 liều vaccine Td nhỏ nhằm tiêm cho người dân trong vùng dịch. Báo cáo với đoàn công tác, các địa phương cho biết đã chủ động, nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu theo các quy định của Bộ Y tế. Các khu vực xảy ra dịch bệnh đã được cách ly, giám sát, xử lý môi trường, ổ dịch, không để lây lan. Trong đó, các địa phương đã cách ly, cho uống thuốc dự phòng hàng nghìn trường hợp tiếp xúc gần và nghi nhiễm.

Đại diện tỉnh Đắk Nông, nơi xảy ra bệnh dịch đầu tiên trên tại khu vực Tây Nguyên cho biết: trong số 28 ca dương tính với bạch hầu, hiện 21 ca đang tiến triển tốt, sức khỏe ổn định. Ngay từ khi xảy ra ca dương tính bạch hầu đầu tiên vào ngày 3-6, Đắk Nông đã triển khai quyết liệt các biện pháp, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại các địa bàn trọng điểm. Hiện Đắk Nông đã cách ly hơn 3.500 người tại các điểm và lấy 1.200 mẫu xét nghiệm, qua đó xác định 28 mẫu dương tính, hiện vẫn còn 500 mẫu chờ kết quả. Địa phương này đang có nhu cầu cần khoảng 80.000 liều vaccine Td (uốn ván, bạch hầu) để tiêm bổ sung cho người dân tại các vùng xảy ra dịch bệnh. Đối với các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lâm Đồng dù thời điểm này chưa phát hiện ca dương tính nào với bạch hầu, tuy nhiên là địa phương tiếp giáp với các tỉnh có ca nhiễm bệnh nên cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Cần kiểm soát tốt các ổ dịch

Tuy nhiên, 4 tỉnh Tây Nguyên nơi xảy ra dịch bệnh bạch hầu đều cho biết: vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bởi địa bàn rộng, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, hạn chế về kiến thức phòng, chống bệnh, tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Điều đó, khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng còn cao. Thế nên, các địa phương mong muốn các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh nói chung và dịch bệnh bạch hầu nói riêng.

Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý về vấn đề này: Nếu không kiểm soát tốt, tuyên truyền tốt thì nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt tại các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. "Tôi đề nghị các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân ở các vùng này bằng hình thức phù hợp nhất. Đồng thời, kiểm soát tốt các ổ dịch, tập huấn cho cán bộ y tế về kỹ năng tuyên truyền để người dân hiểu rõ về việc tiêm phòng, uống kháng sinh dự phòng", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Hỗ trợ 11 triệu liều vaccine ngăn bạch hầu bùng phát

Sau khi lắng nghe các địa phương, đơn vị liên quan báo cáo về công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Thanh Long đã thông báo về Chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng phòng chống bệnh, trong đó có bạch hầu trên toàn 4 tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, tất cả người dân từ trẻ 2 tháng tuổi trở lên đều được tiêm các liều vaccine 5 trong 1 (trẻ dưới 48 tháng tuổi) và vaccine Td cho trẻ trên 7 tuổi và người lớn (2 lần). Bên cạnh đó, Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám chữa bệnh thành lập 4 tổ công tác điều trị "nằm vùng" tại 4 địa phương đang xảy ra dịch và Bệnh viện Bạch Mai sẽ hỗ trợ về phác đồ điều trị, cũng như chữa trị các trường hợp bệnh nặng.

Triển khai ứng dụng phần mềm truy vết như trong truy vết dịch bệnh Covid tại 4 tỉnh Tây Nguyên nhằm phát hiện, ngăn chặn sớm các trường hợp lây lan. GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Vaccine, huyết thanh điều trị chúng ta đều chủ động được hoàn toàn và an toàn trong việc tiêm cho người dân. Sau cuộc họp này, chúng ta sẽ phát động Chiến dịch tiêm chủng. Từ đó, sang những năm sau chúng ta sẽ không còn bệnh bạch hầu và không để lây lan sang các tỉnh, thành khác. Dự kiến sẽ có khoảng 11 triệu liều vaccine để tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu cho khoảng 5 triệu người trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên".

Đồng thời, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý: Muốn thành công trong công tác phòng chống bệnh bạch hầu, phải huy động tất cả ban, ngành vào cuộc, đặc biệt là chính quyền địa phương. Trong đó, phải chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng bệnh, tiêm chủng.

M.T

Chiều 9-7, tại TT Đắk Đoa (H. Đắk Đoa, Gia Lai), Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu, để huy động sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng và phòng bệnh. Dự kiến sau buổi lễ, toàn bộ người dân ở khu vực 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ được tiêm chủng vaccine Td (uốn ván, bạch hầu).