Tây Sơn huyền sử (3)

Thứ bảy, 22/10/2016 11:00

Bài cuối: NGÔI LÀNG ĐẶC BIỆT

(Cadn.com.vn) - Trong ngôi làng ấy có 3 di tích quốc gia, nhà nào cũng thờ tượng bán thân vua Quang Trung, đất của làng được gọi là đất vua, ruộng của làng được gọi ruộng vua, 7 nghề truyền thống có từ thời Tây Sơn vẫn được duy trì.

Dù đã trải qua hơn 200 năm, song khí thế hùng thiêng của phong trào áo vải khởi nghĩa Tây Sơn ngày nào dường như vẫn phảng phất trên đất làng Kiên Mỹ (TT.Phú Phong- H.Tây Sơn) hôm nay. Đứng trên Di tích quốc gia bến Trường Trầu, nơi dòng sông Kôn vắt ngang qua làng như mường tượng được khung cảnh tấp nập hơn 200 năm trước, khi Nguyễn Nhạc đương buôn trầu và được dân gian lưu truyền với cái tên thân thuộc anh Hai Trầu. Cách đó không xa là ngôi nhà của ông bà Hồ Phi Phúc, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ ba anh em Tây Sơn. Trong vườn nhà hiện vẫn còn giếng nước cổ cùng cây me hơn 250 tuổi, được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Dưới gốc me này xưa kia ba anh em Tây Sơn thường ôn văn luyện võ, bàn việc quân cơ. Anh Đỗ Thanh Minh, nhân viên bảo tàng Quang Trung phụ trách việc chăm sóc cây me cổ kể, cây me do chính cụ Hồ Phi Phúc trồng. Nó có sức sống bền bỉ, dáng thế vững chãi giống như khí phách của người quân tử. Ngoài giá trị thẩm mỹ, cây me còn có ý nghĩa biểu tượng cho sự trường tồn trong lòng dân tộc Việt Nam của phong trào Tây Sơn.  Nhiều người cho rằng cây me mang khí phách hùng thiêng của người anh hùng áo vải Quang Trung nên hàng ngàn người dân từ Bắc chí Nam đã tới mua giống về trồng. Bên cạnh cây me cổ là giếng nước nhà Tây Sơn mà người dân quen gọi “giếng thiêng”. Họ tin rằng khi bị bệnh tới Điện Tây Sơn thắp hương xin nước giếng uống thì sẽ khỏi bệnh.

 Dưới gốc me cổ hơn 200 năm trước ba anh em Tây Sơn thường ôn văn luyện võ.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho biết, Di tích quốc gia Điện Tây Sơn hiện nay được xây trên nền đình Kiên Mỹ  xưa và đó cũng là nền nhà cũ anh em Tây Sơn. Khi khởi nghĩa Tây Sơn bước đầu thắng lợi, Nguyễn Nhạc đóng đô ở thành Đồ Bàn, ngôi nhà của ba anh em Tây Sơn được nhân dân góp công của tu sửa lại thờ ông bà Hồ Phi Phúc. Sau khi Nguyễn Ánh giành lại ngôi vua đã tìm mọi thủ đoạn để trả thù phong trào Tây Sơn, Từ đường họ Hồ cũng bị phá hủy. Để tưởng niệm những vị anh hùng dân tộc, dân địa phương lại dựng lên ở đó một ngôi đình làng bề thế gọi là đình Kiên Mỹ. Tiếng là thờ Thành hoàng nhưng những sắc phong Thành hoàng của các vua Nguyễn ban cho nhân dân lại đem ra thờ ở một ngôi miếu khác còn đình Kiên Mỹ, nhân dân bí mật ngụy trang để thờ ba anh em Tây Sơn. Hằng năm vào dịp Tết cơm mới, dân làng bí mật tổ chức lễ giỗ ba Ngài Tây Sơn. Ruộng đất của gia đình Tây Sơn bị nhà Nguyễn tịch thu, dân làng định ước với nhau hàng năm cho đấu giá để dùng vào việc cúng đình, vì thế số ruộng đất này được gọi là ruộng đất của vua.

Điều đặc biệt ở Kiên Mỹ không chỉ có những di tích quốc gia gắn với nhà Tây Sơn mà còn có nhiều giai thoại, truyền thuyết đã đi sâu vào đời sống người dân. Đơn cử trong tín ngưỡng dân gian cũng mang một nét rất riêng, ấy là tín ngưỡng sùng bái nhà Tây Sơn khi các lãnh tụ của phong trào áo vải khởi nghĩa Tây Sơn được thần thánh hóa. Bởi vậy chẳng ngạc nhiên khi tới đất này chứng kiến từ đứa trẻ chăn trâu hay lão nông tri điền vẫn có thể kể vanh vách nhiều truyền thuyết về nhà Tây Sơn. Trong nhà người dân ở Kiên Mỹ, tượng bán thân vua Quang Trung cùng các mô hình di vật triều Tây Sơn luôn được bố trí ở những vị trí trang trọng nhất. Đặc biệt hơn, những nghề truyền thống có từ thời Tây Sơn vẫn luôn được người dân gìn giữ tới nay. Đơn cử như xóm Rèn chuyên rèn nông cụ, xóm Bún chuyên làm bún, bánh hỏi, xóm Ươm chuyên trồng dâu, kéo sợi, xóm Trầu chuyên buôn bán trầu cau…

Khu đất trên nền cũ nhà Tây Sơn cùng cây me cổ, giếng nước thiêng giờ là Bảo tàng Quang Trung.

Phong trào áo vải khởi nghĩa Tây Sơn đã trôi qua hơn 200 năm, nhưng trên mảnh đất hùng thiêng này, dấu tích của một thời oanh liệt vẫn còn in đậm trên bến sông, mảnh vườn, giếng nước, trong những câu chuyện truyền thuyết và trong lòng người dân. Đất Tam Kiệt nay nhiều đổi thay, nhưng đứng giữa không gian tĩnh lặng trên nền cũ nhà Tây Sơn mà lắng lòng, cảm như đâu đó vọng về tiếng trống trận, tiếng voi gầm, ngựa hý từ Gò Đá Đen. Và đâu đây, hình ảnh Hoàng đế Quang Trung bước lên đỉnh gò cao, giương kiếm cất lời hiệu triệu: Đánh để dài tóc, đánh để đen răng, đánh cho chích luân bất phản, cho phiến giáp bất hoàn, cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…

Hải Quỳnh