“Tê liệt” giữa đường vào hiện trường sạt lở Phước Sơn, điều động thêm xe cơ giới ủi đất tiếp lương thực

Thứ sáu, 30/10/2020 16:19

Sau 5 giờ đồng hồ bươn từng mét đường, cắt từng quả đồi dốc thẳng đứng, lực lượng của Sở chỉ huy tiền phương thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở tại thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam mới chỉ tiếp cận được tới nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Đắk Mi 2, nơi có hàng chục công nhân đang bị chia cắt nhiều ngày qua.

Đường đi trơn trượt do đất rưng ngậm nước lâu ngày. Ảnh Công Khanh

Vị trí này cách trụ sở UBND xã Phước Công, H. P. Phước Sơn nơi dự kiến đặt Sở chỉ huy tiền phương khoảng 10km theo đường chim bay nhưng đường đi duy nhất qua nhiều nhiều đồi núi, bị sạt lở nặng, đất đá trộn lẫn bùn non

Một trong hàng trăm điểm sạt lở đứt gãy của đường DH3 từ xã Phước Công lên xã Phước Lộc. Ảnh Công Khanh

 

 

Nhiều đoạn đồi, đoàn công tác phải bám sát để nhích từng bước. Ảnh Công Khanh

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng ban Nội chính tỉnh Quảng Nam, người trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn tại thực địa cho biết, hiện 5 người dân được tìm thấy thi thể đã được địa phương mai táng theo phong tục. Để vào hiện trường vụ sạt lở còn 6 người dân thôn 6, và 2 cán bộ xã Phước Lộc mất tích do lũ quét, sạt lở đất, sẽ mất hàng tuần nếu thời tiết thuận lợi, dùng xe cơ giới. Còn nếu trời mưa thì có thể phải mất cả tháng. “Điều này nghĩa là chưa thể triển khai lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp, trong khi đó việc tìm kiếm thủ công do người dân, chính quyền địa phương thực hiện là không khả thi vì đất đá quá dày”, ông Hà cho hay.

Một ngôi nhà nằm chênh vênh bên hố sạt lở . Ảnh Công Khanh

Trường ban Nội chính tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, với sự vào cuộc của dân quân, thanh niên xung kích các xã Phước Công, Phước Lộc, Phước Thành, đến thời điểm hiện tại đã có thêm một số lương thực, thực phẩm cấp thiết hỗ trợ chính quyền địa phương và bà con duy trì qua ngày. Tuy nhiên vấn đề nhà ở, đất ở và cuộc sống những ngày sắp tới sẽ rất khó khăn nếu không thể thông đường.

Ngôi nhà này của một đơn vị thi công dự án, suýt bị cuốn phăng vào chiều 28-10. Hàng chục công nhân cũng may mắn thoát khỏi miệng lũ. Ảnh Công Khanh

Liên quan đến 217 công nhân thủy điện Đắk Mi 2 bị cô lập ở phía thân đập của công trình này nhiều ngày qua, trao đổi qua điện thoại, ông Lê Xuân Tuấn -  Tổng giám đốc Cty CP Năng Lượng Agrita Quảng Nam, chủ đầu tư công trình cho biết, đích thân ông đang có mặt tại hiện trường để động viên anh em.

Đoàn công tác khảo sát địa hình tại nhà điều hành thủy điện Đắk Mi 2 để triển khai các phương án cứu hộ. Ảnh Công Khanh

 

 

Câu cầu dùng cho công nhân đi lại đã bị lũ đánh sập vào chiều 28-10. Ảnh Công Khanh

 

 

Lũ ngập sâu, cuốn phăng nhiều hạng mục của nhà điều hành thủy điện. Ảnh Công Khanh

 

Ông Nguyễn Mạnh Hà trực tiếp dẫn lực lượng xuống hiện trường để nắm thông tin vụ hàng chục công nhân còn mắc kẹt khu vực nguy hiểm. Ông Hà yêu cầu chủ đầu tư phải báo cáo thường xuyên và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công nhân.

 

 

Công nhân đã thoát ra vùng nguy hiểm tìm cách tiếp lương thực cho những người còn bị chia cắt. Đoạn sông này tuy ngắn nhưng nước chảy rất xiết. Ảnh Công Khanh

Trong buổi chiều 29, sáng ngày 30-10, một lượng lớn công nhân đã di chuyển ra ngoài nhà điều hành, dùng dây cáp băng qua sông đến nơi an toàn. Ở phía ngoài, công tác tiếp lương thực cũng được vận chuyển bằng dây rồi trung chuyển vào phía thân đập phục vụ nhu cầu của những người đang mắc kẹt tại đây. “Qua kiểm tra, rà soát thì chỉ còn gần 100 người còn ở lại, tất cả đều an toàn. Lương thực giờ tạm ổn, có thể sử dụng khoảng một tuần”, ông Tuấn cho hay.

Đoạn đường bắt đầu từ nhà điều hành thủy điện lên xã Phước Lộc bị cắt đứt hoàn toàn. Ảnh Công Khanh

Từ nhà điều hành thủy điện Đắk Mi 2 còn khoảng hơn 20km nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, sẽ cần nhiều thời gian để huy động phương tiện ủi đường. Trong điều kiện thuận lợi phải mất hành tuần, nếu có mưa có thể cả tháng. Hiện tại phương an sử dụng trực thăng cũng khó thực hiện do thời tiết Phước Sơn nhiều mây mù, khu vực hiện trường núi non hiểm trở. “Trước mắt chiều nay chúng tôi đề nghị UBND tỉnh điều thêm 2 xe ủi cơ giới từ Tam Kỳ lên để ủi đường. Trong thời gian này phải nhờ dân quân địa phương, thanh niên xung kích cắt núi gùi nhu yếu phẩm cho bà con đang bị cô lập”, ông Hà cho biết.

Công Khanh