Tên anh sừng sững Ngũ Hành
Ta tiến công với sức mạnh thánh thần/ Của những Phan Hành Sơn đánh tung núi Ngũ Hành diệt Mỹ/ Ôi, ta biết cảm ơn ai đã sáng tạo cái tên người dũng sĩ/ Vang tự hào giữa thế kỷ hai mươi…” (Tố Hữu-Xuân 69)
Anh hùng Phan Hành Sơn (thứ 2, phải sang). |
Nên duyên chồng-vợ
Tôi ghé nhà Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn trên đường Ngô Quyền, P.An Hải Bắc, Q. Sơn Trà (Đà Nẵng) và đươc nghe vợ anh- chị Nguyễn Thị Thạnh- kể câu chuyện chưa có báo chí nào nói đến: việc chị với anh Phan Hành Sơn sánh duyên chồng vợ và người đặt cái tên Phan Hành Sơn. Chị bảo, trong những tháng ngày giặc giã, lửa đạn chiến tranh khốc liệt, chị tham gia làm giao liên tại xã Hòa Lân, H. Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà (nay là Đà Nẵng). Hồi đó chị đâu có biết Phan Hành Sơn là ai. Sau ngày miền Nam giải phóng, chị có ý định đi tìm mộ người anh ruột của mình là Nguyễn Vinh Tráng thuộc Tiểu đoàn 1 (R20), Tỉnh đội Quảng Đà hy sinh trong trận đánh Mỹ tại vùng Gò Nổi, Điện Bàn, song chưa có manh mối, tin tức gì. Biết nỗi lòng của chị, bà Lan, một cán bộ cách mạng hoạt động lâu năm tại địa phương ở gần đó giới thiệu cho chị tới gặp anh Kiên, người đồng đội từng chiến đấu với anh Tráng. Bà Lan còn nói với chị: “Để biết chỗ chắc chắn, mi gặp thêm thằng Phan Hiệp (tức Phan Hành Sơn) ở xã Hòa Phụng mà hỏi. Nó cũng tham gia đánh trận nớ đó”. Được anh Kiên mô tả khá chi tiết chỗ chôn cất anh Tráng nhưng lại chưa có điều kiện gặp được Phan Hành Sơn, vì sau giải phóng, anh từ miền Bắc chuyển thẳng vào Đà Lạt (Lâm Đồng) tiếp tục học tập.
Chừng giữa năm 1975, anh Sơn được nhà trường cho nghỉ mấy ngày phép về thăm quê. Hay tin Sơn về, chị Thạnh tìm tới hỏi nơi anh Tráng đang nằm có trùng hợp với sự chỉ dẫn của anh Kiên không. Tuổi trẻ của Phan Hành Sơn cũng như bao chàng trai khác ở vào cái ngưỡng khao khát tình yêu nhất thì phải lăn xả ra trận mạc, đội bom, hứng đạn để đánh đuổi giặc thù chứ mấy ai có chút thầm kín riêng tư. Trước nhan sắc trời phú của cô thôn nữ trẻ trung đang hừng hực sức xuân, dẫu chưa một lần biết tên, gặp mặt thế mà trái tim Phan Hành Sơn lại chộn rộn, lòng bồi hồi, xao xuyến. Kể từ giây phút lưu luyến ấy, anh chị trao gửi bao tình cảm yêu thương cho nhau.
Khoảng nửa năm 1976, anh Sơn học xong, được điều động về Quân khu 5 công tác và họ quyết định đám cưới. Ngày cưới đã cận kề mà anh chị cứ loay hoay mãi vẫn chưa biết nhờ cậy ai đứng ra lo liệu khâu tổ chức. Biết được chuyện này nên ông Đặng Văn Khá, người cùng quê, nguyên Trưởng ban An ninh Q. 3, Đà Nẵng lúc đó đang là Bí thư Đảng ủy P. An Hải Tây đành phải làm đại diện cho hai bên cơ quan, gia đình. Đám cưới của họ diễn ra tại quê nhà rất đơn sơ, bình dị mà ăm ắp niềm vui và ngập tràn hạnh phúc. 44 năm trôi qua, hoa trái của tình yêu ấy là 3 người con đều đã trưởng thành. Người con trai đầu đang là sĩ quan quân đội, tiếp bước truyền thống anh dũng, kiên cường của người cha anh hùng.
Ai sửa lại tên của Phan Hiệp?
Về cái tên Phan Hành Sơn, chị Thạnh kể: Tháng 5-2003, vết thương tái phát trầm trọng, anh Sơn hy sinh, một số văn nghệ sĩ quân đội đến viếng. Họ ngồi rất lâu để ôn lại những mẫu chuyện về Phan Hành Sơn. Qua những câu chuyện ấy, chị Thạnh mới biết rõ hơn xuất xứ cái tên của chồng mình. Thì ra Phan Hiệp trực tiếp chỉ huy một mũi cùng đơn vị R20 tiêu diệt tiểu đoàn biệt kích Nùng tại căn cứ quân sự Non Nước vào đêm 23-8-1968, sau đó cả đơn vị rút hết, chỉ còn một mình anh trèo lên Ngũ Hành Sơn sử dụng cùng lúc 6 loại vũ khí đánh bật cả một tiểu đoàn Mỹ - ngụy bao vây, được nhà văn Nguyễn Chí Trung - Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ viết bài báo về trận đánh lịch sử này. Cuối bài viết, nhân vật Phan Hiệp ông đề nghị đổi thành tên Phan Hành Sơn để gắn với ngọn núi nơi diễn ra trận đánh ác liệt ấy. Chỉ huy Tiểu đoàn R20 đồng ý và sau đó làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1969 cho Phan Hiệp lấy theo cái tên mới là Phan Hành Sơn. Chính vì vậy mà trong tấm Bằng vinh danh anh hùng đã mang cái tên này. Bài thơ “Phan Hành Sơn” nổi tiếng của Xuân Diệu ca ngợi chiến công của Phan Hành Sơn cũng chính là... Phan Hiệp.
Lúc anh Phan Hành Sơn làm Trưởng Ban bảo vệ dân phố P.An Hải Bắc, có lần tôi ghé lại nhà anh chơi. Thật xúc động, bởi người anh hùng một thời vào sinh ra tử, thân thể còn đầy vết đạn của chiến tranh, chân đi khập khiễng thế mà đêm đêm vẫn đeo băng đỏ, cầm gậy lặng lẽ tuần tra để bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Có lẽ những chiến công lẫy lừng của anh hùng Phan Hành Sơn khó có thể gói gém hết được trong khuôn khổ của một bài viết, bởi “Hăm mốt tuổi căm hờn/ Diệt địch gấp hai mươi lần số tuổi/ Đánh trăm trận ba năm vào bộ đội/ Núi Ngũ Hành vang dội Phan Hành Sơn... (Xuân Diệu)”, được tặng thưởng tới 28 bằng “Dũng sĩ diệt Mỹ” quả là một kỷ lục thần kỳ. Năm 1972, Phan Hành Sơn vượt Trường Sơn ra Bắc học tập. Tháng 9-1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro sang Việt Nam, anh và đoàn anh hùng miền Nam tháp tùng Chủ tịch vào tận Quảng Trị. Chủ tịch Fidel Castro có mời đoàn anh hùng sớm thăm Cuba nhưng mãi đến năm 1982 anh mới tới được quốc đảo nổi tiếng xì gà, rượu rum với tư cách Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam.
Đã 17 năm rồi AH LLVTND Phan Hành Sơn nhẹ nhàng cưỡi hạc đi xa nhưng tên anh đã khắc vào đá núi Ngũ Hành để trở thành bất tử.
THÁI MỸ