Tên anh vọng mãi trong lòng dân
(Cadn.com.vn) - Hơn 50 năm ngày anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, nhưng tiếng hô "Hãy nhớ lấy lời tôi" và tư thế lẫm liệt, hiên ngang ở pháp trường của người con đất Quảng vẫn còn vang vọng mãi.
Anh Nguyễn Văn Trỗi và vợ sau ngày cưới. Ảnh: Tư liệu |
"Sẽ hát bằng giọng Quảng"
Ông Nguyễn Văn Toàn, anh trai của Nguyễn Văn Trỗi, cứ khóc hoài khi nhắc đến người em trai yêu thương của mình. Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn với cấp ủy, chính quyền thành phố Đà Nẵng đối với gia đình liệt sĩ, cấp ông mảnh đất khá rộng trên con đường đẹp để xây nhà. Một người con trai của ông được những đồng đội của anh Trỗi trước đây nhận vào làm và có thu nhập khá ổn định ở TPHCM. Ông kể: "Quê chúng tôi ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam). Sớm mồ côi mẹ, nên thương yêu, đùm bọc nhau lắm. Khi tôi ra Đà Nẵng làm công cho một hãng bánh kẹo thì kéo Trỗi từ quê ra học nghề may. Không bao lâu thì Trỗi vào Sài Gòn. Ngày đó, bến sông Hàn có tàu Nam Việt đang chuẩn bị khởi hành. Trỗi lên tàu, sau khi để lại cho tôi lá thư từ biệt lời lẽ tha thiết. Tôi đi làm về, đọc thư thì tàu đã rời bến. Tôi chạy ra gọi em đến khản cả tiếng, nhưng tàu đã ra giữa dòng.
Sau này, Trỗi có về thăm tôi mấy lần, tôi thấy em chững chạc hơn trước rất nhiều. Đám cưới Trỗi với Quyên, tôi với cha vào dự và rất vui khi vợ chồng Trỗi hạnh phúc. Về chưa được nửa tháng thì nghe tin Trỗi bị bắt. Vợ tôi bán cặp "lách" vàng là tiền tích cóp bán thuốc ở Cẩm Lệ đưa cho tôi và cha mang vào lo cho Trỗi. Về đến nhà, lại nghe thêm tin du kích Venezuela bắt cóc trung tá Mỹ Michael Smole để đàm phán, buộc chính quyền Mỹ thả Trỗi. Nghe mà mừng. Vậy mà chúng nó lật lọng đê hèn, bên bạn đã thả tên sĩ quan Mỹ, mà ở Sài Gòn chúng xử bắn em tôi. Cha tôi và thím Quyên đi tìm mộ, tiếp tục lo lót mới được chúng chỉ cho nơi chôn cất".
Ông Toàn kể tiếp: "Cha tôi rất thương thím Quyên, lo từng ly từng tí, muốn được bù đắp cho con dâu vì trước đó ông không có điều kiện chăm sóc Trỗi. Khi mới cưới, Quyên giận hờn chồng gì đó và khóc. Ông già tưởng cô ấy nhớ nhà, bảo Trỗi đưa về nhà cha mẹ ít ngày, cha con tôi trên này tự lo cơm nước. Khi Quyên từ quê về lại Sài Gòn, ông bảo tôi mua vé máy bay cho em nó đi, chứ đi xe một mình không an tâm được. Ông cũng là người ủng hộ thím Quyên tái giá, sau 9 năm ngày Trỗi hy sinh. Ngay cả chuyện sau giải phóng, gia đình muốn đưa hài cốt Trỗi về quê, cha tôi có thể quyết định được, nhưng ông tôn trọng ý nguyện của thím Quyên, nên vẫn để em tôi ở Sài Gòn, hằng năm vào hương khói".
Người vợ tuổi 20 của anh Trỗi năm nào, nay tóc đã điểm bạc, hiện ở quận 2, TPHCM. Bà Phan Thị Quyên kể về quê hương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với tình cảm thật đặc biệt. Lần về quê đầu tiên là đúng một tuần sau khi anh Trỗi hy sinh. Chưa kịp đi chào hỏi hết bà con thì trận lụt lịch sử năm Thìn ập đến. Nước dâng quá đầu người. Cả nhà kê mấy vạt giường lên gác, ăn tạm trái mít, cầm cự mấy ngày với lũ. Có ở đây, bà mới thấm thía tình quê trong tâm hồn anh Trỗi. Đã ngót nửa thế kỷ, nhưng bà vẫn nhớ như in, qua giới thiệu của người chị làm cùng ở Hãng bông Bạch Tuyết, bà và anh Trỗi quen nhau. Lần đầu đàn, hát cho bà nghe, anh Trỗi thật thà: "Anh nói giọng Sài Gòn cho Quyên dễ nghe. Nhưng anh sẽ hát bằng giọng Quảng". Ra đi từ gian khó, anh không biết nói những lời hay ý đẹp, nhưng lại quan tâm tặng bà hộp dầu khi cảm lạnh, nhắc mang theo khăn khi đi xa, đừng mải việc mà quên ăn uống. Chính vì thế mà bà yêu...
Ở Thanh Quýt năm đó, có nhiều du kích địa phương đến thăm bà, đề nghị sẽ móc nối để bà lên cứ. Nhưng ông già Thoàng không chịu, bảo phải viết thư xin phép cha mẹ trong ấy, đồng ý mới đi, vì ông đã hứa với thông gia chỉ đưa Quyên ra mấy ngày. Bà viết thư và chờ không thấy cha mẹ trả lời, nên vào lại Sài Gòn, sau đó thì được ra Bắc. Trong câu chuyện với bà, chúng tôi bày tỏ quan tâm, liệu gia đình có đưa hài cốt anh Trỗi về Điện Bàn, bởi hiện nay Nhà Lưu niệm anh bên Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn đã được đầu tư, sửa sang rất khang trang. Nghe chúng tôi hỏi vậy, giọng bà bỗng chùng xuống, nghèn nghẹn: "Cháu thấy đó, anh Trỗi hy sinh, cũng đã 3 lần cất bốc. Lần đầu tiên là ở Nghĩa trang Cộng Hòa, rồi bốc về chôn ở Nghĩa trang Đô Thành; 3 năm sau, gia đình "sang cát", đưa anh về Nghĩa trang gia tộc Văn Giáp. Anh ở đây đã 48 năm, trở thành địa chỉ quen thuộc của thanh thiếu niên quận 2 và TPHCM. Mới đây, thanh niên quận 2 còn góp công làm con đường bê-tông dẫn vào mộ anh. Nghe rằng, trên sắp quy hoạch khu nghĩa trang này thành công viên. Ý nguyện của tuổi trẻ quận 2 đã trình lên trên và cũng là ý nguyện của tôi muốn để nguyên mộ anh ở đây, trong quần thể công viên.
Noi gương người anh hùng
Sau khi anh Trỗi hy sinh, xã Điện Thắng đã coi người con ưu tú của mình là anh hùng. Căm thù giặc Mỹ, những năm chiến tranh, ông Nguyễn Văn Toàn, người anh trai anh Trỗi đã chặt hai ngón chân để không bị bắt đi lính ngụy quyền. Hai người em là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Dũng đang đi học, cũng thoát ly theo cách mạng. Đức đi công an, được đưa ra Bắc học tập, nhưng nằng nặc xin về quê chiến đấu trả thù cho anh và đã hy sinh năm 1972. Cụ Thoàng, bố anh Trỗi thì kiên cường ai cũng nể. Bị đánh đập tra khảo, thường xuyên bị theo dõi mà ông vẫn đào 3 hầm bí mật trong vườn nhà, nuôi giấu du kích, là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ yên tâm đi về hoạt động. Mặc dù bọn hội đồng theo dõi rất chặt, nhưng Đảng ủy, du kích và nhân dân Điện Thắng vẫn đến thắp hương, thăm hỏi, động viên chị Quyên và gia đình. Xã phát động đợt tòng quân theo gương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi chiến đấu giải phóng quê hương. Hơn 30 thanh niên đã thoát ly vào bộ đội chủ lực. Cả xã ai cũng là du kích, ai cũng là cơ sở cách mạng khiến địch rất khiếp sợ. Tiêu biểu là trận đánh vào đồn Ngũ Giáp giữa ban ngày của du kích làng Viêm Tây trả thù cho anh Trỗi. Đến năm 1965, cả tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng rầm rộ phát động hàng chục điểm tòng quân Nguyễn Văn Trỗi, tạo khí thế sâu rộng chưa từng có trong thanh niên lúc bấy giờ.
Ngày 15-10-2014, kỷ niệm 50 năm ngày anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, UBND thị xã Điện Bàn đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh Quảng Nam có nhiều hoạt động lớn. Ngoài lễ tưởng niệm, dâng hương trang trọng, tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, Đoàn thanh niên mở cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; phát động phong trào thi đua trong tuổi trẻ và công nhân viên chức. Mới đây, ngày 24-7-2015, tại Quảng Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam, UBND thị xã Điện Bàn và Chi hội nhà văn Việt Nam tại TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình giao lưu "Sáng mãi những tên người bất tử" nhằm tri ân, tôn vinh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ và Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2015). Người thợ điện yêu nước đã nằm xuống, nhưng tên tuổi anh vẫn vọng mãi trong lòng nhân dân.
Hồng Vân