Tên lửa Pukguksong-2 - Lá bài của Triều Tiên
(Cadn.com.vn) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un ngày 22-5 ra lệnh triển khai tác chiến tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thử thành công loại tên lửa này trước đó một ngày. Các chuyên gia cho rằng, động thái này đánh dấu việc Triều Tiên đã sở hữu loại tên lửa có thể “thay đổi cuộc chơi” ở khu vực Đông Á.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin: nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã theo dõi tiến trình phóng tên lửa đất đối đất Pukguksong-2 hôm 21-5. Sau đó, ông ra lệnh sản xuất đại trà tên lửa này để triển khai cho các hoạt động quân sự.
Theo KCNA, vụ phóng thử trên nhằm kiểm tra độ tin cậy và tính chính xác của chức năng động cơ sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa Pukguksong-2, khả năng tách các tầng tên lửa và dẫn hướng đầu đạn hạt nhân ở giai đoạn cuối. “Triều Tiên thật tự hào khi có thể nói rằng tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của tên lửa là rất cao và Pukguksong-2 là một loại vũ khí chiến lược thành công. Lãnh đạo Kim Jong-Un đã chuẩn thuận triển khai vũ khí này cho các hoạt động quân sự”, KCNA cho hay.
Giới chức quân đội Hàn Quốc cũng xác nhận tên lửa tầm trung Pukguksong-2 (còn được gọi là KN-15) sử dụng nhiên liệu rắn. Đây là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1. Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, tên lửa bay cao 560km và đạt tầm xa khoảng 500km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 ngày 21-5. Ảnh: Yonhap |
Điểm mạnh của Pukguksong-2
Chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên trước đây dựa chủ yếu vào tên lửa tầm trung Musudan, nhưng loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng này bộc lộ điểm yếu sau loạt vụ phóng thử thất bại hồi năm ngoái.
Những vụ phát nổ của tên lửa Musudan ngay sau khi phóng thể hiện mức độ rủi ro của loại nhiên liệu lỏng này. Chuỗi phóng tên lửa thất bại đó chỉ chấm dứt khi Bình Nhưỡng chuyển sang phát triển Pukguksong-2. Điểm khác biệt của Pukguksong-2 so với Musudan là nó sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, giúp tên lửa ổn định hơn, giảm thiểu thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng. “Đó là loại vũ khí “thay đổi cuộc chơi”, bởi tên lửa nhiên liệu rắn có thể được bảo quản ở nhiệt độ môi trường trước khi phóng, thời gian chuẩn bị cho vụ phóng cũng rất ngắn”, ông Lance Gatling, chuyên gia quốc phòng kiêm Chủ tịch Tập đoàn Nghiên cứu Nexial ở Tokyo, Nhật Bản cho biết.
Tên lửa Pukguksong-2 sử dụng nhiên liệu rắn, nên nó không cần các xe bồn chứa nhiên liệu lỏng đi theo để nạp nhiên liệu. Vì vậy, vệ tinh và các loại radar của Mỹ và đồng minh rất khó phát hiện.
Tiến tới ICBM
Triều Tiên đang nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Mỹ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un hồi tháng 1 từng tuyên bố Triều Tiên đang bước vào giai đoạn cuối chuẩn bị phóng đi một ICBM.
Sau vụ phóng lần này, Bình Nhưỡng cũng công bố 58 bức ảnh màu về Trái Đất được chụp từ không gian vũ trụ bằng máy ảnh lắp trên Pukguksong-2, động thái này được cho nhằm chứng minh họ đã sở hữu công nghệ đưa tên lửa quay trở lại tầng khí quyển. Công nghệ cho phép “trở lại tầng khí quyển” là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển một ICBM vì tên lửa cần phải chịu được sức nóng và áp lực khi nó đi vào bầu khí quyển từ không gian.
Theo ông Kim Dong-yub, giáo sư tại Viện nghiên cứu Viễn Đông ở Đại học Kyungnam, thông qua vụ thử này, Bình Nhưỡng có thể đang kiểm nghiệm động cơ cùng các thành tố khác để có thể phát triển ICBM sử dụng nhiên liệu rắn có thể bắn tới Mỹ. Loại ICBM này nhiều khả năng sẽ được đẩy bằng cụm nhiều động cơ của tên lửa Pukguksong-2.
Người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc Roh Jae-cheon cho biết, Triều Tiên dường như thu được “dữ liệu có ý nghĩa” từ vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất của nước này. Theo ông, cần phải có thêm bằng chứng để xác minh liệu Bình Nhưỡng đã “làm chủ” được công nghệ then chốt để phát triển ICBM, đó là đưa tên lửa “quay trở lại khí quyển” Trái Đất hay chưa.
An Bình