Tết Mậu Thân trong lòng dân

Thứ ba, 02/01/2018 12:19

Ký ức về cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mãi đọng lại trong lòng người dân H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng). 50 năm sau, chúng tôi có dịp gặp lại những con người từng tham gia chiến đấu, phục vụ góp phần làm nên chiến thắng lịch sử đó và nghe họ kể lại những chiến công trong niềm cảm xúc bồi hồi...

Bia chiến tích trận đánh Mỹ Tết Mậu Thân (xã Hòa Nhơn) được xây dựng từ "Ý Đảng, lòng dân".

Nặng lòng với quê hương

Cảm nhận sức sống hiện tại, khó ai nghĩ vùng đất thôn 14, xã Hòa Bình trước đây (nay là thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) cũng đã trải qua bao giai đoạn bị tàn phá, hết cuộc chiến chống Pháp đến cuộc chiến chống Mỹ. Làng quê chìm trong khói lửa chiến tranh, những tưởng người dân thôn 14 sẽ bỏ làng, bỏ xứ ra đi. Nhưng không, họ vẫn nặng lòng với quê hương và không ít người đã ngã xuống trên mảnh đất đã sinh ra mình. Thời ấy, dân làng trên trăm hộ, phần lớn là những gia đình có con em, người thân đi bộ đội, du kích. Họ bám trụ để sản xuất, giữ mối liên hệ giúp đỡ người nhà đồng thời cũng là những cơ sở cách mạng kiên trung. Ông Trần Hưởn (75 tuổi) nhớ lại, để chuẩn bị cho cuộc tiến công Tết Mậu Thân, từ tháng 7-1967, người dân trong thôn đã được cán bộ Khu ủy khu 2 Hòa Vang về vận động chuẩn bị công tác hậu cần, nhà nào, nhà nấy cũng đào từ 2-4 hầm bí mật để bộ đội về trú ẩn. Mọi người đều có kế hoạch dự trữ một phần lương thực, thực phẩm cho gia đình và ủng hộ nuôi quân. Bà con đưa gạo muối lên căn cứ và tải súng đạn về trong niềm hân hoan phấn khởi. Súng AK của bộ đội chủ lực được tháo rời giấu vào các bao than củi, các bó lá gói bánh tét; lựu đạn thủ pháo được giấu vào ruột quả bí, quả bầu, kíp nổ được giấu trong cạp quần... bằng nhiều con đường khác nhau.

Trên các bãi đất ven sông Yên, người dân các thôn La Châu (Hòa Lương, nay thuộc xã Hòa Khương), La Bông (Hòa Lợi, nay thuộc xã Hòa Tiến) phải nhọc nhằn "đấu tranh" với địch mới vun trồng được hàng khoai, luống sắn để đến đêm có chỗ ẩn náu cho lực lượng cơ sở về trụ bám theo dõi, nắm tình hình địch. Chưa bao giờ các khu căn cứ "lõm" lại tập trung một bộ phận cán bộ lãnh đạo và bộ đội đông đảo như những ngày chuẩn bị chiến dịch Tết Mậu Thân. Để phục vụ cho các trận địa pháo của bộ đội 575 chiến đấu, từ giữa tháng Chạp âm lịch, các mẹ, các chị ở các khu căn cứ "lõm" đã tham gia vào đoàn quân đấu tranh chính trị kéo xuống các đồn địch lân cận, yêu sách binh lính trong đồn giảm hành quân càn quét để người dân được tự do vui xuân đón Tết. Cùng thời điểm đó, hằng đêm, hàng chục thanh niên khỏe mạnh xung phong cắt đường rừng lên núi gùi từng bộ phận pháo tháo rời về chôn giấu, ngụy trang trong các rẫy khoai sắn che mắt địch. Đúng như kế hoạch, giờ giao thừa, các trận địa pháo đặt tại Gò Thông (La Châu), Gò Phật (La Bông) đồng loạt khai hỏa. Hòa trong tiếng súng tiến công đó, quân và dân Hòa Vang nổi dậy đánh thẳng vào các cứ điểm địch trong khu vực.

Nhiều căn hầm bí mật được gia đình ông Trần Hưởn (xã Hòa Phong) đào
trong khu vườn rậm để bộ đội trú ẩn.

Hào khí Mậu Thân

Còn trong ký ức của các cụ cao niên xã Hòa Thịnh (nay là xã Hòa Nhơn), năm 1967, vùng đất này là vành đai bảo vệ các khu quân sự của Mỹ tại Đà Nẵng. Người dân địa phương bị áp bức, đưa vào khu dồn, các cơ sở hoạt động của ta luôn bị địch theo dõi nhằm tiêu diệt. Những ngày cuối năm đó, các cơ sở trụ bám thầm lặng chuẩn bị công tác hậu cần, vận chuyển vũ khí... nhằm phục vụ tốt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Hòa Vang, chi bộ xã Hòa Thịnh đã tăng cường xây dựng các tổ chức và hoạt động vũ trang, chính trị binh vận, củng cố làng chiến đấu. Xây dựng lực lượng binh vận tiếp cận với lính nghĩa quân đóng tại địa phương làm công tác binh vận, tìm hiểu kế hoạch mai phục của địch để dẫn đường cho các đơn vị bộ đội hành quân vào vị trí tập kết an toàn. Đêm 29 tháng Chạp, hầu như mọi người dân các làng Thái Lai, Phước Thái, Thạch Nham đều không ngủ, khắp mọi nhà bà con chuẩn bị bánh tét, cơm vắt, thịt heo... trao tận tay bộ đội hành quân tấn công các khu quân sự Mỹ-ngụy. Một không khí rạo rực lan nhanh trong xã, nhân dân quên ăn, quên ngủ chờ giờ nổ súng, chờ đón nghe thơ chúc Tết Mậu Thân của Bác Hồ.

Thời điểm đó, cán bộ, du kích địa phương do ông Lê Tham - Bí thư Chi bộ xã Hòa Thịnh chỉ huy có nhiệm vụ phối hợp tác chiến với Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 để tiến đánh Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, Sân bay Đà Nẵng. Trong lúc, các lực lượng triển khai phòng thủ chờ nhận lệnh tấn công thì địch phát hiện, nổ súng. Trận đánh kéo dài hơn 1 ngày, các hướng triển khai của ta đều thuận lợi, đánh tan sự chi viện của địch từ Hòa Thượng xuống, Túy Loan qua. Pháo địch từ đồi Dương Mẹo (xã Hòa Bình), Gò Cao (xã Hòa Lương) liên tục dội đến cùng với máy bay, thiết giáp yểm trợ để 1 đại đội bộ binh Mỹ tiến vào khu vực Chỉ huy sở đặt tại đình làng Phước Thái. Được người dân trong các khu dồn phá tan hàng rào ra trợ giúp, bộ đội, du kích tăng thêm khí thế tấn công, địch nao núng trước nhiều thế lực nên đành phải rút lui. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt một lượng lớn bộ binh Mỹ, bắn cháy 2 xe M113 và thu nhiều vũ khí; song điều quan trọng hơn là làm cho quân thù khiếp sợ, giảm dần các cuộc càn quét tiêu diệt cơ sở cách mạng.

Nửa thế kỷ trôi qua, khí thế nổi dậy của quân và dân Hòa Vang trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1968 vẫn còn vang vọng mãi. Ý Đảng - lòng dân đã tạo nên một hào khí Mậu Thân, tạo một dấu son hùng tráng vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bài học "sức dân" và "lòng dân" vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hôm nay và ngày càng ngời sáng một chân lý mà Bác Hồ kính yêu đã đúc kết: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

VY HẬU