Tết tha hương, nhớ thơ Nguyễn Bính…
Tết hàm nghĩa của sự đoàn tụ, là ngày để mọi người trở về với gia đình của mình. Thế nhưng trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào, cũng có những đứa con xa vì hoàn cảnh bất đắc dĩ đã không thể về sum vầy với gia đình dù trước đây chưa hề có đại dịch COVID- 19. Bởi vậy nỗi niềm Tết tha hương ở thời nào cũng có, đặc biệt nó đã in dấu vào thơ ca, trong đó tiêu biểu phải kể đến các thi phẩm của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính, một nhà thơ trời đày nặng nợ với quê.
Hoa xuân…
Đọc những vần thơ xuân của Nguyễn Bính sao nghe lòng cứ cảm thấy nao nao, xúc động để rồi mường tượng về những nếp sinh hoạt quen thuộc, gần gũi trong ngày Tết cổ truyền dân tộc phảng phất xa xưa nhưng cũng tựa hồ ở đâu đó rất gần, ta vừa mới gặp gỡ rồi đi qua: "Sáng mùng Một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi nước đậm hương" (Tết của mẹ tôi).
Ai bảo mùa xuân là mùa của uyên ương xây tổ. Bởi thế, Tết đến xuân về trong thơ Nguyễn Bính không chỉ có sắc xuân mà còn có tình xuân, phấp phỏng, phơi phới như lòng người con gái thôn dã thật đẹp đẽ, lãng mạn: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay"/ Lòng thấy giăng tơ một mối tình/ Em ngừng thoi lại giữa tay xinh/ Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ tới anh" (Mưa xuân).
Nếu cảnh xuân trong thơ Nguyễn Bính là những bức tranh giản dị, mộc mạc, sinh động thì tình xuân trong thơ ông là bản nhạc với đủ đầy các cung bậc cảm xúc: Hồi hộp, háo hức, e ấp, ngại ngùng, mong chờ, nhớ thương như sợi thoi tơ trong khung cửi, như những giọt mưa xuân trong hội chèo, như những cánh hoa xoan rụng khi xuân đã cạn ngày…
Và cũng chính bởi sắc xuân, tình xuân ấy mà nỗi niềm tha hương của tác giả gửi gắm vào thơ nhiều khi đột ngột dâng trào, nghẹn đắng. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi chính tác giả chân quê Nguyễn Bính là người trong cuộc, là người đã trải qua những năm tháng tha hương trên chính quê hương của mình. Gần hai mươi năm trời lang bạt, Tết vắng nhà khi Hà Nội, khi Huế, khi Sài thành, Nguyễn Bính đã để lại cho đời những vần thơ lắng đọng, ngậm ngùi, tủi hờn, xót xa: Anh về quê cũ: thôn Vân/ Sau khi đã biết phong trần ra sao/Từ nay lại tắm ao đào/Rượu dâu nhà cất, thuốc lào nhà phơi/Giang hồ sót lại mình tôi/Quê người đắng khói, quê người cay men. (Anh về quê cũ). Hay "Chén rượu tha hương trời: đắng lắm/ Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông/… Chao ơi, Tết đến em không được/ Trông thấy quê hương thật não nùng (Xuân tha hương).
Mặc cảm tha hương, lưu lạc đeo đẳng suốt đời thơ Nguyễn Bính. Nỗi hoài hương càng đậm nét hơn mỗi độ Tết đến xuân về. Nhà thơ Nguyễn Bính có hẳn cả chùm thơ nói lên tâm sự của những kẻ ly hương với Xuân nhớ, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Xuân về nhớ cố hương, Tết biên thùy… Đó là những vần thơ đầy tê tái, xót xa của một lữ khách nhớ quê.
Mùa xuân không có sum vầy, đoàn tụ, đầm ấm thì không còn Tết đúng nghĩa. Mặc dù có xuân hiện hữu trong đất trời, trong lòng mọi người nhưng với thi sĩ đó chỉ là Tết của người ta. Mùa xuân bơ vơ nơi xứ lạ trong không gian quán trọ chỉ còn đọng lại nỗi niềm khắc khoải đến xót xa. "Lênh đênh tóc rối cỏ bồng/ Chiều ba mươi Tết ai không nhớ nhà (Xuân về nhớ cố hương) hay: "Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió/ Xuân này em chị vẫn tha hương/ Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ/ Son sắt say hoài rượu bốn phương (Xuân vẫn tha hương).
Hãy chậm lại đọc bài thơ Tết với những câu đắng đót "Năm ngoái tết rồi/ Năm nay lại tết/Ai đi biền biệt/ Hai tết rồi đây/Buồng hương lẳng lặng/ Then chẳng thiết cài/Còn đợi chờ ai/ Biết bao tết nữa (Tết) hay "Từ độ phiêu linh mãi tới giờ/ Xuân dàn vào tết bốn năm thưa/ Bốn năm biết mấy bao gian khổ/ Thôi để xuân sau trở lại nhà/ Nhưng rồi tết ấy, tết sau qua/ Lần lữa chưa ai trở lại nhà/Quán trọ xuân này hoa lại nở/Lại ngồi xem tết, tết người ta". (Quán trọ); "Chiều ba mươi hết năm rồi/ Nhà tôi riêng một mình tôi vắng nhà/ Tôi còn lận đận phương xa/ Để ăn cái tết thật là vô duyên" (Xuân về nhớ cố hương) - Bài viết tại Sài Gòn, 1944…"Tha hương chẳng gặp người tri kỷ/ Một cánh hoa tươi đỡ lạnh lòng… Chị ơi tết đến em mua rượu/ Em uống cho say đến não nùng/Uống say cười vỡ ba gian gác/ Ném cái chung tình xuống đáy sông". (Xuân tha hương- Bài này Nguyễn Bính viết ở Huế, tháng chạp năm Nhâm Ngọ 1942- bản in lần đầu trong Mười hai bến nước (1942) dài 100 câu, nhưng bản in trong Nước giếng thơi (1957) được rút gọn còn 46 câu).
Những vần thơ tha hương của thi sĩ Nguyễn Bính vừa ẩn chứa nỗi niềm buồn tủi, day dứt của một người con xa quê nhưng hơn hết nó còn là khát vọng, tình yêu tha thiết với quê nhà. Bởi nếu không có tình yêu ấy đâu dễ gì có được những vần thơ ấy.
Với Nguyễn Bính mùa xuân và Tết là nguồn thi hứng và cũng là những ám ảnh khôn nguôi, duyên nợ, định mệnh của người thi sĩ tài hoa ấy. Nguyễn Bính rời gác trọ trần gian vào chiều 29 Tết Bính Ngọ 1966 ở tuổi còn phơi phới sức xuân. Và chắc chắn một điều người thi sĩ ấy ra đi nhưng nỗi niềm Tết tha hương trong những vần thơ của ông như là một mẫu số chung cho biết bao tấm lòng để cùng đồng điệu, cảm thông, chia sẻ với cả hậu thế hôm nay và mai sau mỗi khi Tết đến xuân về.
Võ Văn Trường
Tam Kỳ đêm ngày 7-1-2022