Tết Việt xa xứ

Thứ ba, 04/02/2020 17:40

Tết của người Việt xa xứ giản đơn nhưng chan chứa tình quê. Khi thời khắc giao thừa đến cũng là lúc triệu trái tim Việt từ khắp nơi trên thế giới hướng về đất mẹ lòng tràn ngập ước vọng.

Tết cổ truyền là dịp gia đình chị Thanh Duyên có cơ hội đi tham quan tại Nhật. 

Khu chợ của người Việt ở thành phố Brno (Cộng hòa Séc) mỗi dịp giáp Tết cổ truyền lại rực rỡ đào, quất. Những chuyến hàng chuyên chở “đặc sản” của Tết Việt được thương lái vượt hàng chục ngàn ki-lô-mét đưa sang. Cộng đồng người Việt sinh sống tại Brno khá đông đúc, nhiều gia đình không có dịp về quê ăn Tết cổ truyền cũng tranh thủ mua sắm hàng Tết, trang trí nhà cửa để chuẩn bị tổ chức Tết chu đáo, ấm cúng. Chị Hoàng Thúy Nga, người có gần 20 năm sinh sống tại Brno chia sẻ, dù công việc tất bật song mỗi dịp Tết đến, kiều bào tại đây luôn dành thời gian để gặp gỡ, chia sẻ đầu Xuân trong không khí của đào, quất, bánh, mứt y như quê nhà. Chị Nga nói, những người ở Brno ăn Tết thường sum vầy cùng nhau làm các món ăn truyền thống, sau đó tổ chức gặp mặt cùng giao lưu, hàn huyên công việc sau một năm cũng như chia sẻ

cơ hội, dự định năm tới cho nhau. Việc duy trì Tết Việt giữa châu Âu cũng để lưu giữ, giáo dục cho thế hệ thứ 2, thứ 3 biết về nét văn hóa cội nguồn dân tộc. Chị Nguyễn Hiền Lương thì kể, Tết nào cũng vậy, người Việt tại Brno thường gặp nhau một lần, cùng hát những bài nhạc xuân chào đón năm mới. Nhiều bạn trẻ tham gia cùng cha mẹ tỏ ra rất hào hứng với Tết Việt xa xứ. Ông Trần Ngọc Dũng- Chủ tịch CLB Âu Cơ tại Brno chia sẻ, Tết Việt là dịp để mọi thành viên trong cộng đồng sum họp sau một năm làm việc vất vả. Đây cũng là cơ hội để người Việt chia sẻ, động viên nhau sau một năm làm việc, cùng quyết tâm trong năm mới, hướng về quê hương, nỗ lực đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp.

Với người Việt ở Nhật Bản, Tết cổ truyền rơi vào thời điểm khá tất bật trong năm, tuy nhiên không vì thế mà bớt đi hào hứng. Chị Trịnh Thị Thanh Duyên (quê Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đã có 15 năm sinh sống tại Nhật cho biết: Ở Nhật, Tết Âm lịch lại không phải là dịp thư thả, dễ xin nghỉ để đi chơi. Thời điểm này thường rơi vào kỳ quyết toán của các công ty, các cơ sở kinh doanh gia đình; kỳ phỏng vấn quan trọng từ nhà trẻ tới đại học và cả sinh viên sắp tốt nghiệp đi làm; kỳ rục rịch cho chuyển nhà, trả phòng, tốt nghiệp, kết thúc dự án, xin tiền cho dự án mới hay học bổng... Vì lẽ đó, rất nhiều người khá lâu vẫn chưa hưởng được không khí Tết sum vầy với gia đình ở Việt Nam. Chị Duyên chia sẻ thêm: Với nhà mình, mẫu gia đình ru rú trong nhà điển hình (indoor), nếu không có kế hoạch rủ rê từ bạn bè, thì có lẽ chỉ bày đĩa xôi, trái cây, nhánh hoa mơ còn đầy nụ mua ở siêu thị, mở nhạc đón giao thừa và gọi điện về chúc mừng gia đình ở Việt Nam. Năm nay nhà mình định gói bánh chưng và giò thủ vào dịp Tết Dương lịch, nên sẽ để dành một phần bánh và giò cho Tết âm. Còn một hộp pháo hoa mùa hè, nhà mình cũng sẽ đem ra công viên đốt và nói chuyện Tết ở Việt Nam cho con trai nghe.

Nhiều người Việt ở Nhật, Tết cổ truyền cũng là dịp để tụ họp ăn uống, đi tắm nước nóng đầu năm hay lái xe về những nơi nổi tiếng. Chẳng hạn ở tỉnh Hyogo có chùa của người Việt, nhiều du khách dịp này cũng về đây thắp hương. Theo chị Thanh Duyên, những địa điểm mang tính tâm linh của người Việt vẫn chưa nhiều ở Nhật so với Úc hay Mỹ, nhưng so với tầm 10 năm trước, số lượng và chất lượng dịch vụ đã tăng lên nhiều. Giờ đây việc mua thực phẩm Việt Nam đã trở nên rất dễ dàng, các bà mẹ Việt bận rộn chỉ cần đặt hàng là có đủ bánh trái bày bàn, mở Youtube là xem được thời sự, nghe Chủ tịch nước đọc thư Chúc mừng năm mới... “Chỉ là Tết Âm lịch vẫn không được nghỉ, ai có việc thì hôm sau vẫn phải dậy đi làm, và mơ hồ nhắc nhở mình, hôm nay là Tết”- chị Duyên tâm sự.

Với nhiều du học sinh Việt khắp thế giới thì Tết cổ truyền ở phương xa cũng đọng lại nhiều ký ức đẹp. Tôn Nữ Hương Nguyên (trú địa chỉ 207b/16 đường Dũng Sĩ Thanh Khê, Đà Nẵng) đang làm điều dưỡng tại Bệnh viện Đại học Goethe Frankfurt (Đức) chia sẻ: Em đón Tết cổ truyền với nhiều bạn bè từ châu Á cũng như cộng đồng người Việt tại Frankfurt. Lần đầu sang đây, em đã có những phút giây hết sức ngỡ ngàng khi mọi người tổ chức một chương trình lễ hội cho Tết Nguyên đán và cảm thấy ấm lòng khi đón Tết xa nhà, xa gia đình, người thân và bạn bè ở Việt Nam. Hương Nguyên kể tiếp: “Vui nhất là thời gian chuẩn bị cho Tết, không khí ngập tràn trên các phố, cửa hiệu, khu vực có đông người Việt, Trung Quốc sinh sống, làm việc. Ở đó có thể mua được cả bánh chưng, bánh tét nấu sẵn hoặc lá dong, đậu xanh, thịt... để về tự nấu bánh, làm mứt Tết; mua phong bì lì xì cho nhau chúc một năm mới an khang, tốt lành. Nhớ Tết quê, bọn em cũng cố gắng mua cho mình một cây mai giả về chưng Tết”.

Dù đi bốn phương trời thì người Việt vẫn luôn hướng về quê hương. Mỗi dịp Tết cổ truyền, nếu không được sum vầy ấm cúng bên gia đình, bè bạn nơi quê nhà thì những trái tim Việt xa xứ sẽ “mang Tết Việt” đi muôn phương. Giữa lòng châu Âu lạnh giá hay xứ sở hoa anh đào, hay miền đất xa xôi Mỹ, Phi, ở đâu có người Việt, ở đó có Tết Việt.

QUỲNH LAN