Tha hương lo Tết quê nhà

Thứ ba, 14/01/2014 09:46

(Cadn.com.vn) - Tết chỉ còn tính bằng ngày, nhưng nhiều người chấp nhận cảnh xa quê để kiếm tiền trang trải ba ngày xuân và trời không phụ họ, có người kiếm cả chục triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng. 

Liên tục 6 năm qua, cứ bước sang tháng 12 âm lịch, bà Phạm Thị Nhung, quê Tam Điệp, Ninh Bình lại “nhảy” xe khách vào Đà Nẵng giữ 5 cháu nhỏ để 2 cặp vợ chồng con trai và con gái nhẹ bước chân mưu sinh trên phố. Đang là mùa đông nên món ăn khoái khẩu của người Bắc được các gia đình chọn lựa: Khoai nướng. Anh Đông, con bà Nhung bảo rằng, món này không chỉ cánh học sinh, sinh viên, những cặp đôi trên phố ưa thích mà cả người già, trẻ nhỏ cũng hứng thú tìm mua. Nhìn cách kinh doanh hàng rong không tốn phí mặt bằng, ai cũng tưởng ít lời, nhưng thực tế người lao động kiếm ăn cũng được. Anh Đông thật lòng, thường thì mỗi củ khoai từ 8-12 ngàn đồng thì bỏ công rửa, nướng anh lời được 50%. Bình quân, mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 23 giờ đêm, vợ chồng anh bán được từ 150-200 củ, kiếm được gần 1 triệu đồng lời. Nếu không đau ốm, bệnh tật, tháng giáp Tết âm lịch mỗi năm, vợ chồng anh Đông ít nhất cũng dành dụm được hơn 20 triệu đồng.

Theo anh Đông, người làm nghề như gia đình anh ở Đà Nẵng có khoảng trên dưới 100 gia đình, chủ yếu là người vào từ Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Có gia đình ở hẳn Đà Nẵng, nhưng phần nhiều là làm thời vụ, chỉ vào bán từ 1 tháng đến tháng rưỡi rồi quay về. Địa điểm mọi người thường chọn bán hàng chủ yếu là khuôn viên trước Công viên 29-3, cổng các chợ, đầu cầu Sông Hàn. Nhiều người chịu khó thì đẩy xe quanh các tuyến đường trung tâm chào hàng.

Theo lời chỉ của anh Đông, tôi tìm đến xóm trọ ở Q. Thanh Khê. Ở đó, hàng loạt dãy trọ được những người bán khoai nướng, hạt dẻ, bắp xào thuê ở. Từ sáng sớm, mọi người tất bật rửa khoai, nhen lò rồi đưa lên xe đẩy “tăng bo” trên các cung đường cho đến nửa khuya mới trở về nhà. Nhọc nhằn trĩu nặng đôi chân, nhưng tâm lý ai cũng vui bởi đây là mùa để gia đình có một cái Tết tươm tất.

Một bà ba cháu.

Cùng nghề bán khoai nướng, cặp vợ chồng anh Nguyễn Lương và chị Mai Thoa (quê Thường Tín, Hà Nội) chỉ vào Đà Nẵng một tháng trước Tết. Không mất tiền thuê nhà do ở nhà người thân, với khoản thu nhập tương tự như bao người khác, trừ tiền ăn, tàu xe ra vào, vợ chồng anh chị năm nào cũng dư được gần 15 triệu đồng, số tiền ở quê ai cũng ước ao. Anh Lương bảo, vì kiếm ăn được nên những năm gần đây, ở quê anh có hàng chục người học theo, thậm chí có người còn ở lại bán Tết rồi ra năm mới trở về lo vụ lúa đông xuân.    

Khác với anh Đông, anh Lương, nhóm 10 người của chị Lan quê Nghệ An trước Tết năm nào cũng chọn nghề bán bóng bay để lo Tết cho gia đình. Thường thì những người này bán từ trước Tết nửa tháng cho đến ngày 5 Tết mới trở về quê vì những ngày trước và sau Tết các cháu nhỏ mới đi chơi nhiều. Theo tính toán cách bán hàng một vốn dăm bảy lời, trong vòng trên dưới nửa tháng, mỗi người cũng kiếm cả chục triệu đồng, số tiền bằng mỗi nhà nông ở quê lao động vài tháng trời. Chị Lan cho hay, cách đây vài năm, một lời đồn đến tai trăm người, cách làm ăn thời vụ như chị đang bám nghề đến nay có hàng chục người theo…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm này, hàng loạt "nghề nóng" khác cũng được người dân tứ xứ đổ về Đà Nẵng. Ngoài người bản địa, những nghề thời vụ như bán cát trắng, đánh lư đồng, quét vôi nhà cửa, bán cây cảnh... được nhiều nhóm người bắt đầu xuất phát trên phố. "Ra quân" từ ngày 8-12 (âm lịch), ngày nào anh Nguyễn Sơn Chung (quê Quảng Trị) cũng nhận được tiền công từ 5-7 bộ lư đồng (trung bình mỗi bộ 80.000 đồng). Nếu may mắn đều tay, trước khi về quê ăn Tết, anh Chung cũng kiếm được trên dưới 10 triệu đồng. Theo anh Chung, cách đây 4 năm, anh có người thân ở Đà Nẵng làm nghề này mách việc, dạy cho anh cách đánh lư đồng nên trước Tết năm nào anh cũng chạy xe máy vào làm thời vụ. Với số tiền kiếm được, ở nhà quê như anh có gia đình tiết kiệm lo được tới 2-3 cái Tết.

Ở trước chợ Cồn, vô số người theo "nghề nóng" bán cát trắng cũng đã bắt đầu nóng lên, trong đó nhiều người từ quê khác về kinh doanh "ké". Chị Thảo Lan, quê Thăng Bình (Quảng Nam) bảo rằng, trung bình mỗi ngày chị bán 150-200 lon, những ngày cận Tết thì 400-500 lon, 20 ngày trước Tết chị cũng kiếm đỡ 3 - 4 triệu đồng lo cho các con cái Tết. Nhóm anh Thành, anh Liễu, anh Sơn đến từ TT- Huế thì nhiều năm qua tính cái Tết cho gia đình bằng cách tiếp cận Đà Nẵng trước Tết Nguyên đán bằng tiền công của nghề quét vôi ve, văn phòng, tường rào cổng ngõ cho các tổ chức, cá nhân. Để có khoản tiền 7-10 triệu đồng/người như mọi năm, nhóm thợ này đang kỳ vọng những ngày "nước rút" của thềm năm mới sẽ nhận được từ 40-50 "dự án"...

Đúng là chưa bao giờ Đà Nẵng lại có nhiều người bám "nghề nóng" trước Tết mỗi năm như lúc này. Dù không thống kê được con số chính xác nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi từ những người theo các nghề kinh doanh chạy dạo như trên, ít nhất cũng phải tới trên dưới ngàn người, trong đó phần đông là người nơi khác hội về. Việc ai nấy làm, mỗi ngày trước giờ chớm xuân, họ nối đuôi nhau trên phố, bền bỉ, tăng tốc kiếm tiền lo cho gia đình ở nơi xa một cái Tết no đủ và mở ra nhiều điều may mắn, an lành trong xuân mới...

Công Hạnh