Thách thức chờ đón tân Tổng thống Hàn Quốc
(Cadn.com.vn) - Sáng 10-5, ông Moon Jae-in đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc trong nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9-5. Tân Tổng thống đã sẵn sàng đảm nhận cương vị mới cũng như giải quyết những thách thức mà Hàn Quốc đang phải đối mặt.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Yonhap |
Kết quả kiểm phiếu do Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) công bố cho thấy, ông Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ tự do đã giành được 41,08% số phiếu bầu, bỏ xa ứng cử viên về thứ hai Hoong Joon-pyo của đảng Hàn Quốc tự do với 24,03% số phiếu ủng hộ và ứng cử viên về thứ ba Ahn Cheon-soo thuộc đảng Nhân dân theo đường lối trung tả với tỷ lệ ủng hộ là 21,41%. NEC cho biết tỉ lệ bỏ phiếu năm nay lên đến 77,2%, cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Tỉ lệ đi bầu cao kỷ lục cho thấy người dân Hàn Quốc đã sẵn sàng vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị đã dẫn đến việc phế truất tổng thống Park Geun-hye hồi tháng 3-2017.
Lễ tuyên thệ diễn ra tại tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Seoul. Ông Moon Jae-in trang trọng tuyên thệ sẽ thực thi các nhiệm vụ của tổng thống Hàn Quốc với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong nhiệm kỳ 5 năm tới đây. “Tôi sẽ trở thành tổng thống của tất cả mọi người. Tôi tuyên bố tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm của tổng thống thứ 19 của Hàn Quốc với một trái tim nhiệt huyết nhưng khiêm tốn trước lịch sử và nhân dân”, ông Moon cho biết.
Ông Moon Jae-in cũng chính thức tiếp quản quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang. Trong động thái đầu tiên, ông Moon đã nhận báo cáo qua điện thoại từ Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, Tướng Lee Sun-jin, về tình hình an ninh quốc gia và những động thái quân sự tiềm tàng của Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in bổ nhiệm các thành viên nội các. Ảnh: Yonhap |
Bổ nhiệm nội các
Ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Moon Jea-in tổ chức cuộc họp báo đầu tiên. Bước đi đầu tiên trong việc thành lập chính phủ mới là thông báo về việc bổ nhiệm các vị trí chủ chốt trong nội các. Theo đó, ông Lee Nak-yon, Tỉnh trưởng Nam Jeolla, được đề cử làm thủ tướng mới. Nếu được Quốc hội thông qua, ông Lee sẽ thay thế vị trí của ông Hwang Kyo-ah hiện nay. “Trong chiến dịch tranh cử, tôi đã cam kết sẽ chỉ định một thủ tướng mới, người có khả năng kết nối, xây dựng tình đoàn kết và hòa hợp trong dân chúng. Tôi tin rằng Tỉnh trưởng Lee Nak-yon là người phù hợp cho vị trí này dưới thời chính phủ mới”, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết. Văn phòng tổng thống cho biết, ông Lee Nak-yon đã chuẩn bị sẵn sàng cùng Tổng thống lãnh đạo đất nước.
Ông Suh Hoon, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Quốc gia, người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều, được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia. Ông Moon cũng bổ nhiệm trợ lý thân cận Im Jong-seok làm Chánh Văn phòng nội các. Ông Joo Young-hoon, cựu quan chức bộ phận an ninh tổng thống, được đề cử làm người đứng đầu cơ quan này.
Ông Moon Jae-in bắt tay người ủng hộ sau khi thắng cử. Ảnh: Reuters |
Không có “tuần trăng mật”
Theo đánh giá của giới phân tích, tân Tổng thống sẽ phải tìm cách giải quyết nhiều khó khăn và thách thức mà Hàn Quốc đang phải đối mặt, kể cả đối nội và đối ngoại trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng và sự bất bình của người dân đối với tình trạng tham nhũng tại nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á này.
Tân Tổng thống sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc giải quyết bài toán kinh tế Hàn Quốc hiện nay, như tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao và việc quá lệ thuộc vào nền kinh tế xuất khẩu khiến nước này yếu thế khi bị trả đũa kinh tế. Bên cạnh đó, nền kinh tế phục hồi mong manh, thâm hụt ngân sách lớn và nội bộ chính trường vẫn vô cùng rối ren. Ông Moon sẽ đối mặt với sự chia rẽ trên chính trường sau vụ bê bối của bà Park và sự chia rẽ trong xã hội giữa những người muốn thúc đẩy cải cách và những người ủng hộ bà Park. Trước đó, phát biểu trước những người ủng hộ tại quảng trường Gwanghwamun ở thủ đô Seoul, ông Moon Jae-in cam kết sẽ đoàn kết đất nước Hàn Quốc đang bị chia rẽ sâu sắc trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức. Ông Moon Jae-in khẳng định: “Chúng ta sẽ phải hoàn thành 2 công việc khó khăn nhất đang đặt ra với chúng ta là cải cách và đoàn kết dân tộc. Đây là điều mà người dân Hàn Quốc đang chờ đợi”.
Vấn đề đối ngoại cũng khó khăn không kém, nhất là quan hệ đồng minh Hàn Quốc-Mỹ. Trong tình cảnh bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Moon sẽ cố gắng theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập làm hài lòng cả Bắc Kinh và Washington. Ông Moon không phải là người mặn mà với việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở phía nam Seoul, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua cũng nhiều lần đòi xem xét lại thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc. Ông Moon cũng phải vượt qua những rào cản để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Seoul, nhất là sau khi Trung Quốc chỉ trích việc triển khai THAAD.
Giới phân tích nhận định, Hàn Quốc và Trung Quốc có thể sẽ khôi phục mối quan hệ vốn căng thẳng liên quan việc triển khai THAAD sau chiến thắng của ông Moon Jae-in. Giáo sư Kim Hyun-wook cũng thuộc thuộc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc nhận định, Bắc Kinh sẽ dần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Seoul liên quan việc triển khai THAAD. Giới chuyên gia cho rằng những cam kết của ông Moon đang đủ sức thuyết phục để làm nguôi đi mối quan ngại của Bắc Kinh về việc Hàn Quốc có thể đơn phương “về phe Mỹ” trong mối quan hệ đối đầu Washington-Bắc Kinh, khi mà trước đó ông Moon cam kết sẽ tìm kiếm sự thông qua của Quốc hội Hàn Quốc đối với việc triển khai THAAD.
Thách thức nhất hiện nay là mối đe dọa ngày một lớn từ Triều Tiên. Trong chiến dịch tranh cử, ông luôn nói rằng ông để ngỏ các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng và sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Moon một lần nữa nhắc lại tuyên bố này. “Nếu cần thiết, tôi sẽ bay đến Washington ngay lập tức. Tôi cũng sẽ đến Bắc Kinh và Tokyo, thậm chí là Bình Nhưỡng trong những hoàn cảnh thích hợp”, ông nói. Không giống người tiền nhiệm, ông Moon là người ủng hộ chủ trương đối thoại với Triều Tiên mặc dù tiếp tục gây sức ép. Theo đó, chính sách của ông Moon là tăng cường trao đổi với Triều Tiên thay vì liên tục siết trừng phạt Bình Nhưỡng. Ông chỉ trích chính quyền tiền nhiệm đã không thể ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông cho rằng, chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Park Geun-hye với Triều Tiên là một thất bại.
An Bình