Thách thức cuộc chiến "diệt tận gốc" IS

Thứ hai, 22/12/2014 11:36

Kỳ I: Khối "ung thư" cần cắt bỏ

(Cadn.com.vn) - Cuộc chiến tốn nhiều tiền của, công sức của Mỹ và liên minh chống lại tổ chức Hồi giáo cực đoan mới nổi IS vẫn chưa thể chứng minh được hiệu quả cần có. Thế giới vẫn rúng động và căm phẫn về những hành động thảm sát mà IS liên tục thực hiện qua các đoạn băng.

Sự tàn bạo của IS càng khiến Mỹ và liên minh tăng cường không kích và nhiều khả năng đang tính đến một cuộc chiến trên bộ để tiêu diệt tận gốc IS. Tuy nhiên, điều này không đơn giản. Bởi thực tế còn có quá nhiều rào cản trên con đường đi nhiều thách thức này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhấn mạnh đến việc cần tiêu diệt IS bằng tuyên bố rõ ràng: "Cần phải cắt bỏ khối ung thư IS trước khi nó di căn". Tuyên bố này cũng cho thấy sự căm phẫn và bất lực của Mỹ trong việc giải cứu các công dân của nước này đã bị IS tàn sát.

Nhưng muốn loại trừ IS cần phải có sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Bà Marie Harf, phó phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ cho biết, chính phủ Tổng thống Obama hiện đang triển khai chiến lược dài kỳ nhằm vô hiệu hóa IS, đặc biệt là cắt giảm nguồn cung cấp tài chính, vũ khí để IS tự chết giống như cách "bỏ đói" khối u ung thư từng áp dụng đối với Al-Qaela. Đó là đưa quân đến Afghanistan, khống chế địa bàn hoạt động, dựa vào tổ chức Peshmerga của người Kurd và quân đội Iraq với sự trợ giúp của các loại chiến đấu cơ F-16 và máy bay không người lái.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, phương án này giờ không còn phát huy tác dụng bởi IS ngày nay đã tiến hóa và thông minh hơn Al-Qaela gấp nhiều lần. Ngoài ra, Mỹ và liên minh đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến này. 

Các chiến binh IS vẫn đang thách thức liên minh do Mỹ dẫn đầu.

IS có lãnh thổ riêng

Chỉ trong vòng 8 tháng, IS nắm quyền kiểm soát suốt dải miền tây và miền bắc Iraq, và tiếp tục mở rộng sang miền bắc Syria. Với hàng trăm ki-lô-mét dọc sông Euphrates và sông Tigris, IS chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, kể cả địa phận nước láng giềng Jordan.

Trong khi Al-Qaeda chưa bao giờ vượt quá các trại huấn luyện và các hang động ở các vùng rừng núi hẻo lánh Afghanistan, thì IS vươn tới nhiều thành phố lớn như Mosul, Tikrit và Tal Afar ở Iraq và Raqqa ở Syria. Đặc biệt, tổ chức này còn làm chủ cả các giếng dầu, đường giao thông chính và các cửa khẩu, sở hữu nhiều vũ khí quân sự hiện đại, thậm chí còn hơn cả quân đội của một số quốc gia, nhất là sau khi nắm giữ hai kho vũ khí của quân đội Iraq và Syria.

Theo giới phân tích, IS có thể sử dụng cả lãnh thổ của Syria lẫn Iraq một cách hiệu quả hơn so với Al-Qaeda và Taliban trước đây, hai nhóm khủng bố này mới chỉ loanh quanh ở vùng rừng núi biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.

Có cả quân đội, tiền bạc lẫn vũ khí

Không giống các nhóm thánh chiến khác, IS có cả quân đội, tiền bạc lẫn vũ khí hiện đại, với nhiều máy bay chiến đấu siêu hạng. Trong  cuộc tấn công vào khu căn cứ quân sự lớn của Syria đầu tháng 8, IS sử dụng 3 vụ đánh bom liều chết và hàng chục máy bay chiến đấu được trang bị các loại vũ trang hiện đại.

Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria, chỉ trong tháng 7-2014, IS tuyển mộ hơn 6.300 thành viên, 80% trong số này là người Syria, số còn lại là người nước ngoài. Còn theo các quan chức Mỹ, số lượng quân tham chiến của IS lên đến 15.000 thành viên, còn theo đánh giá của giới phân tích quân sự Iraq, thì IS có khả năng tác chiến cao gấp 3 lần so với dự đoán của dư luận. Ngoài ra, IS còn thu nhập cả các thành viên người nước ngoài đến từ Châu Âu, Australia và Liên Xô cũ.

Để thu nạp nhiều thành viên, IS vẽ ra nhiều viễn cảnh hấp dẫn về một quốc gia Hồi giáo tự trị thông qua các chương trình tiếp xúc cộng đồng trên phương tiện truyền thông và qua ấn phẩm bằng tiếng Anh trực tuyến mang tên Dabiq. IS áp dụng kiểu chiến thuật quân sự rất lạ và có phần khác người, buộc quân đội Iraq phải phân tán, chiến đấu trên nhiều mặt trận trong cùng một lúc.

Đặc biệt IS còn kiểm soát cả cửa khẩu, cũng như tấn công ngân hàng, chiếm các cơ sở lọc dầu. Trung bình mỗi ngày IS thu về hơn 2 triệu USD thông qua việc kiểm soát các nguồn cung cấp nhiên liệu ở miền bắc Iraq, làm chủ mỏ dầu Al-Omar ở Raqqa.

Kìm chân các nhóm nổi dậy ở Syria

Một trong những cản trở lớn nhất, thách thức nhất trong việc loại trừ "di căn khối u IS" là phá tan việc IS kìm chân, tiêu diệt phe đối lập ở Syria.

Brian Fishman, người từng tham gia đội quân IS trong thời gian dài cho biết, sự hỗ trợ của SFA ngay từ đầu có thể làm giảm bớt sự bành trướng của IS, nhưng thực tế đội quân này chỉ là ô hợp, con hổ giấy, đang có chiều hướng tan rã.

Các đơn vị thuộc Mặt trận Hồi giáo chống IS cũng đang trong tình trạng tương tự, thiếu thốn vật chất, thậm chí cả Jabhat al Nusrah, các chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria, cũng đã chuyển hướng chứ không chống IS. Trong khi đó, IS lại bắt đầu chuyển hướng sang phía bắc Aleppo, mở rộng kiểm soát tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt tuyến tiếp viện của các nhóm phiến quân khác.

Với sự kìm chân các nhóm phiến quân, IS gây khó dễ cho việc cân bằng thế mạnh quân sự ở  Syria. Cách đây đúng 3 năm, Tổng thống Mỹ Obama  tuyên bố, Nhà Trắng sẽ "gây sức ép với Tổng thống Assad phải từ chức, dọn đường cho chế độ dân chủ chuyển tiếp, và ủng hộ các quyền lợi chung của người dân Syria, phù hợp với cộng đồng quốc tế".  Nhưng nay, Syria lại không hề tỏ ra tức giận mà đứng về phía Mỹ chống lại IS, điều này chắc Washington chưa từng  ngờ tới.

Để thực hiện thành công cuộc chiến bất đắc dĩ này, Mỹ đang có ý định đưa quân trở lại Iraq với số lượng ước khoảng 10.000-15.000 binh sĩ ở cả biên giới Iraq và Syria. Ngoài ra, Mỹ còn phải kiên trì và huy động sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế, kể cả các quốc gia vốn xưa nay không yêu thích Mỹ như Iran. Washington đã bắt đầu cuộc chiến trường kỳ. Nếu thành công, có thể Abu Bakr al-Baghdadid sẽ phải chịu chung số phận giống như Osama bin Laden trước đây.

(còn nữa)

     Kim Hùng (theo BBC/CNN)