(Cadn.com.vn) - Ngày 18-12, một đoàn binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Iraq, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến 9 năm đầy máu và nước mắt.
Đoàn quân cuối cùng gồm 100 xe bọc thép MRAP chở 500 binh sĩ Mỹ băng qua sa mạc Iraq đến lãnh thổ quốc gia láng giềng Kuwait để từ đó trở về Mỹ. “Tôi không thể chờ đợi gọi điện cho vợ và các con tôi để thông báo rằng, tôi vẫn an toàn”, binh sĩ Rodolfo Ruiz nói khi vừa đến biên giới Kuwait. Mỹ rút đi, nhưng di sản để lại cho Iraq chỉ là một đống đổ nát và hoang tàn.
Hàng trăm ngàn người Iraq, trong đó hầu hết là người dân vô tội đã bị chiến tranh cướp đi mạng sống, nhà cửa, đường sá bị tàn phá. Iraq rơi vào khủng hoảng chính trị và bất ổn an ninh. Mỹ cũng tổn thất nhiều khi hơn 4.500 binh sĩ đã bỏ mạng tại chiến trường Iraq trong khi họ đã tiêu tốn 1.000 tỷ USD tiền thuế của người dân cho cuộc chiến này. Vết thương cho người dân hai nước không biết bao giờ mới có thể chữa lành.
|
Những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi chiến trường Iraq. Ảnh: CNN |
Cuộc chiến
Iraq bắt đầu nổ ra tháng 3-2003 khi những quả tên lửa có sức công phá cực mạnh nhắm vào các khu vực trọng tâm ở thủ đô
Baghdad nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Mỹ tấn công
Iraq với cáo buộc Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Tuy nhiên, cho đến nay, khi những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi thành Baghdad, Washington vẫn không tìm thấy dấu vết hoặc bằng chứng nào cho những cáo buộc của mình.
Trong khi những nỗ lực buộc tội chính quyền Saddam Hussein sở hữu WMD kết thúc trong thất bại, thì những tiết lộ khác cho thấy, Mỹ đã sử dụng WMD tại Iraq. WMD ở đây chính là bom uranium nhẹ (DU), là sản phẩm phóng xạ phụ trong quá trình làm giàu uranium. DU được sử dụng cho các loại tên lửa phá lô cốt và đạn xe tăng và nó đã được rải xuống mảnh đất Iraq đầy đau thương.
Hiện tại, mức độ bạo lực và đánh bom tự sát ở Iraq đã giảm, nhưng lực lượng người Sunni Hồi giáo nổi dậy cứng đầu và lực lượng dân quân Shiite vẫn là một mối đe dọa hằng ngày đối với người dân Iraq. Trong khi đó, chính quyền của người Shiite do Thủ tướng Nuri al-Maliki đứng đầu, vốn vẫn đấu tranh với một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa người Shiite, người Kurd và người Sunni, lại bùng nổ một cuộc khủng hoảng mới khi ngày 17-12, khối chính trị của người Sunni tuyên bố tẩy chay quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng Maliki.
Chính quyền Baghdad tuyên bố, lực lượng an ninh của họ có thể đối phó với bạo lực nhưng họ vẫn thiếu khả năng trong các lĩnh vực phòng không và thu thập thông tin tình báo. Trong khi đó, NATO và Baghdad đã không đạt được một thỏa thuận về việc cho binh sĩ nước ngoài ở lại Iraq sau năm 2011 do Baghdad từ chối dành quyền miễn truy tố cho binh sĩ NATO. Theo dự kiến, sau ngày 31-12-2011, sẽ có từ 3.000-5.000 hướng dẫn viên Mỹ ở lại nước này để đào tạo cho quân đội Iraq. Tuy nhiên, do vấn đề miễn truy tố pháp luật ở Iraq, số lượng này có thể sẽ ít hơn nhiều. Có thông tin cho rằng, Nhà Trắng đang nghiên cứu khả năng tổ chức huấn luyện người Iraq thông qua các hợp đồng tư nhân.
Mỹ và các Cty nước ngoài sẵn sàng giúp đỡ Iraq phát triển tiềm năng của một đất nước có dự trữ dầu mỏ lớn thứ tư thế giới. Nhưng nước này cần đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, từ bệnh viện, trường học cho đến các cơ sở hạ tầng khác. Và một khi Mỹ rút lui, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ được xem là hai nhà đầu tư quan trọng cho chính quyền Iraq thời hậu 2011. Người dân Iraq hiện vẫn lo sợ đất nước sẽ một lần nữa trượt dài trong những cuộc xung đột sắc tộc vốn đã giết hàng ngàn người thời cao điểm 2006-2007, nhưng nỗi lo lớn hơn cả là việc làm, điện, nước và các nhu cầu thiết yếu khác. “Chúng tôi không nghĩ đến Mỹ... Chúng tôi chỉ nghĩ về điện, công việc, dầu mỏ và những vấn đề hằng ngày”, một nhân viên nhà nước ở Baghdad tên Abbas Jaber nói.
Đối với Tổng thống Barack Obama, việc rút quân chỉ là thực hiện theo cam kết trong chiến dịch tranh cử “mang quân đội về nhà” từ một cuộc chiến thừa hưởng của người tiền nhiệm G.W.Bush. Nhưng đối với người dân Iraq, việc này có ý nghĩa quan trọng sống còn, nó mang lại cho họ một ý thức về chủ quyền, vốn đã bị đánh cắp 9 năm qua.
Trúc Linh