Thách thức thật sự đang chờ đón NLD
(Cadn.com.vn) - Ngày 16-11, Ủy ban Bầu cử Myanmar (UEC) công bố kết quả bầu cử lịch sử ở nước này, trong đó cho thấy, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập của bà Suu Kyi giành được 880 ghế trong các cơ quan lập pháp Trung ương và địa phương, tương đương 77,3% trong tổng số 1.139 ghế Quốc hội.
Theo Reuters, trong số này có 254 ghế Hạ viện, 135 ghế Thượng viện, 474 ghế trong nghị viện bang và cấp vùng và 17 đại diện sắc tộc trong nghị viện bang và cấp vùng. Với việc chắc chắn giành được 389 ghế, chiếm đa số quá bán trong Quốc hội lưỡng viện, NLD một mặt giành quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện, một mặt thừa đủ điều kiện để giành quyền thành lập chính phủ mới độc lập theo Hiến pháp. Tức là khi Quốc hội mới triệu tập phiên họp đầu tiên trong năm tiếp theo, NLD có quyền đề cử tổng thống của họ.
Chiến thắng của NLD dù nằm trong vòng dự đoán nhưng rõ ràng đến thật dễ dàng hơn rất nhiều so với dự kiến. Với việc quân đội tự động được phân bổ 25% số ghế tại Quốc hội, NLD cần phải giành chiến thắng 2/3 số ghế để có thể giành thế đa số. Và NLD đã giành chiến thắng dễ dàng. Tuy nhiên, việc sẽ chèo lái con thuyền quốc gia này như thế nào mới là thử thách quan trọng đối với vị nữ chính trị gia từng đoạt giải Nobel Hòa bình này.
Myanmar nằm dưới sự cai trị quân sự giai đoạn 1962-2011 trước khi phe được quân đội hậu thuẫn là đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) lên nắm quyền sau cuộc bầu cử vào năm 2010 vốn bị NLD tẩy chay. “Người dân sẽ cảm nhận như thế nào sau khi bà Suu Kyi buộc phải thỏa hiệp với những người chơi chính trị dù không thích hoặc không tin tưởng?”, một giảng viên về chính trị Đông Nam Á tại Đại học London đặt ra câu hỏi. Nhiều người cho rằng, liệu bà sẽ thay đổi như thế nào khi đã nắm quyền?”. Chẳng hạn như, dù giới công nhân nhà máy là những người ủng hộ trung thành của bà, nhưng vị nữ chính trị gia này có thể xem việc xoa dịu giới chủ nhà máy là quan trọng hơn rất nhiều để giữ vững nền kinh tế. Động thái này có thể lại làm nảy sinh những bất đồng sâu sắc trong lòng cử tri ở tầng lớp thấp.
Ngoài ra, bà Suu Kyi phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan khác khi giải quyết tình trạng chia rẽ dân tộc sâu sắc và kéo dài. Hàng chục nhóm dân tộc thiểu số trong nhiều thập kỷ qua đã lập đội quân du kích, nổi dậy và cố gắng giành chiến thắng để tìm kiếm tự chủ. Có thể, đảng của bà Suu Kyi sẽ xem nhiều nhóm dân tộc thiểu số này như là đồng minh, trên cơ sở khái niệm “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Nhưng thách thức khác là đối phó với xung đột sắc tộc và tôn giáo liên quan dân tộc thiểu số Rohingya và người Hồi giáo khác. Bạo động trong vài năm qua đã khiến hàng trăm người chết và 140.000 rơi vào tình trạng vô gia cư.
Thanh Văn