Thái Lan - bao giờ cho đến bầu cử

Thứ năm, 29/05/2014 12:07

(Cadn.com.vn) - Bước đầu, để củng cố quyền lực, chính quyền quân sự Thái Lan ngày 28-5 bất ngờ thuyên chuyển thêm 24 nhân vật khác của “chế độ cũ” sang các vị trí không hoạt động và không có thực quyền, đồng thời đề ra kế hoạch 8 điểm đối với chính quyền dân tộc.

Theo Tân Hoa Xã, các nhân vật cấp cao, trong đó có 8 thống đốc tỉnh và 16 sĩ quan cảnh sát, sẽ được gửi đến Bộ Nội vụ và Cảnh sát quốc gia. Việc thuyên chuyển các tỉnh trưởng, dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 2-6 tới, trong khi lệnh chuyển cảnh sát có hiệu lực ngay lập tức sau khi có tuyên bố vào đêm 27-5.

Sau đảo chính, bầu cử trở thành bài toán khó nhằn đối với chính quyền quân sự.

Thúc đẩy đoàn kết dân tộc

Cũng trong ngày 28-5, thủ lĩnh đảo chính, tướng Prayuth Chan-ocha, hiện là Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO) đề ra 8 biện pháp thúc đẩy đoàn kết dân tộc bằng cách loại bỏ những chia rẽ chính trị và xã hội theo sắc màu nhắm mục tiêu cải cách quốc gia.

Ông Winthai Suvaree - Phó Phát ngôn viên quân đội Thái Lan - nhận định, việc thúc đẩy đoàn kết dân tộc là một phần trong kế hoạch của NCPO nhằm chấm dứt xung đột chính trị trong nước và là bước đi đầu tiên trong kế hoạch kiểm soát chính quyền nhà nước.  Hiện, các nhà lãnh đạo bổ nhiệm các cố vấn là 2 tướng về hưu đầy quyền lực có các quan hệ với Hoàng cung và có quan điểm đối lập sâu sắc với cựu Thủ tướng Thaksin, nhân vật tâm điểm trong cuộc khủng hoảng kéo dài ở nước này.

Theo đó, tướng Anupong sẽ giám sát các biện pháp an ninh. Cựu Bộ trưởng Tài chính Somkid Jatusripitak nắm các vấn đề ngoại giao; cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pridiyathorn Devakula và cựu Bộ trưởng thương mại Narongchai Akrasanee sẽ tập trung vào kinh tế, trong khi cựu Tổng Thư ký nội các Wissanu Krea-ngam sẽ giám sát các vấn đề pháp lý.

12-18 tháng mới bầu cử?

Giới phân tích cho rằng, việc ban hành hiến pháp lâm thời; thành lập chính phủ tạm quyền, hội đồng cải cách và hội đồng lập pháp nằm trong số những bước đi đầu tiên, trong khi tổ chức bầu cử là bước cuối cùng.

Hiện tướng Prayuth chưa đưa ra khung thời gian bầu cử mà chỉ tuyên bố sẽ thực hiện cải cách sâu rộng trước bầu cử vì “dân chủ sẽ trở lại một khi hòa bình và trật tự được khôi phục trên cả nước”. Nhiều học giả tin rằng, một cuộc bầu cử dường như sẽ không được tổ chức trong vòng một năm. “Sẽ không có bầu cử trong vòng một năm tới... chúng tôi phải có cải cách chính trị và hiến pháp mới và điều đó sẽ mất nhiều thời gian”, một nhà phân tích nổi tiếng từ Đại học Chulalongkorn nói với Tân Hoa Xã.

Chính quyền quân sự chính thức bãi bỏ hiến pháp ngay sau đảo chính hôm 22-5. Chỉ có phần 2, trong đó nêu “Thái Lan thông qua chế độ dân chủ với nhà vua là người đứng đầu nhà nước” vẫn giữ lại. Với Thượng viện gần đây bị giải thể và Hạ viện bị giải thể vào cuối năm 2013, tướng Prayuth dự kiến sẽ sớm bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời, thành lập Hội đồng cải cách và cơ quan lập pháp như một phần trong động thái tiếp theo để đưa đất nước trở lại đúng quỹ đạo của nó. Tuy nhiên, tướng Prayuth cũng chưa đưa ra khung thời gian cụ thể, và cũng né tránh câu hỏi liệu ông có trở thành thủ tướng hay không.

Cuộc đảo chính hôm 22-5 là hệ quả của 6 tháng biểu tình đường phố vốn kéo nền kinh tế xuống mức thấp kỷ lục và làm nản lòng các nhà đầu tư. Nhưng phải nói rằng, đảo chính cũng không hề vô hại đối với nền kinh tế. Đảo chính khiến tín dụng đi xuống, gia tăng áp lực đối với nhà đầu tư vốn bị suy yếu niềm tin. Ngành du lịch cũng chịu đựng vì các cảnh báo đi lại do 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ban ra; lệnh giới nghiêm trên toàn quốc...

Nói thế để thấy rằng, dù mọi diễn biến sẽ diễn ra như thế nào, liều thuốc duy nhất cho Thái Lan hiện nay là bầu cử. Bầu cử là để người dân thật sự có tiếng nói. Nếu Thái Lan trở thành một nền dân chủ từ bầu cử, sẽ có thêm nhiều cuộc bầu cử được mong chờ khác.

Khả Anh