Thái Lan giải bài toán bầu cử
(Cadn.com.vn) - Ủy ban bầu cử (EC) Thái Lan đang nỗ lực giải quyết bài toán hậu bầu cử vốn bị người biểu tình chống chính phủ phá hoại.
Cuộc bầu cử hôm 2-2 đã không giúp khôi phục trật tự cũng như giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Chùa Vàng. Đảng Dân chủ đối lập đã từ chối tham gia trong khi những người biểu tình cố tình phá hoại khi chặn người dân đến các điểm bỏ phiếu.
Nông dân xuống đường đòi chính phủ trả các khoản chậm thanh toán trong chương trình thu mua gạo. Ảnh: Reuters |
VẪN CỨ HỌP
Vì vậy, các quan chức EC đã tổ chức họp khẩn trong 2 giờ hôm 6-2. Tuy nhiên, vẫn không có tiến bộ nào đạt được nhằm giải quyết bài toán bầu cử lần này.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, quan chức EC Somchai Srisutthiyakorn cho biết, kết luận duy nhất được đưa ra là, những ai chưa thể bỏ phiếu vào ngày 26-1 và 2-2 đều không bị mất quyền bầu cử. Các quan chức này sẽ họp lại vào hôm nay (7-2) vì một số “vấn đề pháp lý” cần được làm rõ. Trong khi đó, EC đang điều tra những dấu hiệu bất thường về các chiến dịch vận động tranh cử trong cuộc xung đột chính trị không có dấu hiệu chấm dứt. Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử này có khả năng sẽ đưa Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra lên nắm quyền nếu không bị bãi bỏ theo như yêu cầu của đảng Dân chủ và người biểu tình.
Tuy nhiên, cho dù kết quả như thế nào, nó cũng sẽ không làm thay đổi hiện trạng phân cực sâu sắc sau 8 năm bất ổn ở Thái Lan. Kết quả khảo sát được công bố hôm 6-2 cho biết, niềm tin tiêu dùng, trong đó phản ánh quan điểm về nền kinh tế, cơ hội việc làm và thu nhập trong tương lai, chạm mức thấp nhất trong 26 tháng liên tiếp. Biểu tình tác động mạnh đến nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch khi khách đến Bangkok giảm mạnh. “Mọi người đang rất lo lắng về tương lai đất nước vì nền kinh tế vẫn chưa chạm đáy”, Thanavath Phonvichai, giáo sư kinh tế tại trường Đại học Thương mại Thái Lan, nhận định.
MỐI LO NGẠI MỚI
Mặc dù Bộ trưởng Lao động Thái Lan Chalerm Yoobamrung ngày 6-2 cho biết, lực lượng chuyên trách gồm 12 thành viên sẽ được thành lập để bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, song người biểu tình vẫn xuống đường.
Mặc dù Bangkok vẫn khá yên bình kể từ sau bầu cử, nhưng theo các nguồn tin, người biểu tình đang “ấp ủ” kế hoạch tuần hành lớn hơn nữa để phản đối cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, mối lo lớn hơn đối với bà Yingluck hiện nay là chương trình thu mua gạo đang gây tranh cãi. Ngày 6-2, hàng ngàn nông dân – vốn ủng hộ bà Yingluck - phong tỏa các tuyến đường chính ở các tỉnh thành để đòi chính phủ chi trả các khoản chậm thanh toán. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng tức giận trong công chúng đối với chính phủ đang gặp nhiều sóng gió của nước này.
Chương trình mua gạo nằm trong số các chính sách dân túy do anh trai của bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đề xướng. Và các khoản trợ cấp khổng lồ cho nông dân là trọng tâm cương lĩnh tranh cử giúp bà Yingluck giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2011. Tuy nhiên, chính sách này khiến Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị chỉ trích nhiều vì cho rằng kế hoạch này khuyến khích tham nhũng, bòn rút tiền công và đẩy đất nước vào tình trạng ứ đọng gạo không bán được cùng với chồng hóa đơn khó thanh toán. Chính sách mua gạo từ những người trồng lúa với mức giá cao hơn thị trường làm thua lỗ ít nhất 200 tỷ baht (6 tỷ USD)/năm. Hôm 5-2, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban “mượn” chương trình thu mua gạo này để chỉ trích chính phủ. “Bà Yingluck lấy gạo của các nông dân từ hơn 7 tháng trước mà không trả tiền... Một số nông dân phải tự tử...”, ông Suthep nói.
Hiện, Thủ tướng Yingluck và chính phủ của bà đang bị điều tra về những cáo buộc sai phạm trong kế hoạch thu mua gạo. Chương trình này cũng có nguy cơ phá sản sau khi 1 Cty quốc doanh Trung Quốc hủy hợp đồng mua 1,2 triệu tấn gạo của Thái Lan do vụ điều tra chính phủ Bangkok trợ giá cho nông dân. Tuy nhiên, bà Yingluck cho rằng, “chính phủ đã làm hết khả năng để tiết chế tiền tệ... tất cả chúng tôi đều thông cảm với những nông dân và đều muốn giúp đỡ người dân”.
Khả Anh