Thái Lan xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp

Thứ ba, 21/01/2014 11:20

(Cadn.com.vn) - Giới chức Thái Lan đang “rất nghiêm túc” xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp sau ngày cuối tuần bạo lực ở thủ đô.

Ngày 20-1, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattantabutr cho biết, việc ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp là cần thiết sau một tuần bạo lực gây đổ máu ở thủ đô Bangkok, nơi phe đối lập vẫn biểu tình yêu cầu Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.

“Chúng tôi sẵn sàng sử dụng lệnh tình trạng khẩn cấp... Tất cả mọi người liên quan bao gồm cảnh sát, quân đội và chính phủ đang xem xét lựa chọn này nhưng vẫn chưa đi đến thỏa thuận”, ông Pattantabutr nói với Reuters sau cuộc gặp với bà Yingluck. “Những người biểu tình cho biết sẽ đóng cửa các văn phòng chính phủ khác. Tuy nhiên, cho đến nay, việc đóng cửa của họ chỉ mang tính tượng trưng. Họ đi đến văn phòng chính phủ và sau đó rời đi. Nhưng nếu họ thay đổi chiến thuật, tức là họ đóng cửa các ngân hàng hoặc văn phòng chính phủ lâu dài, tình trạng bất ổn sẽ tăng lên và chúng tôi sẽ phải tuyên bố lệnh này”, ông nói thêm.

Hiện trường vụ đánh bom ở Bangkok hôm 17-1. Ảnh: AFP

Theo ông Paradorn, việc phong trào biểu tình lên kế hoạch đóng cửa tất cả các cơ quan chính quyền ở miền Nam từ đầu tuần tới sẽ tạo tiền lệ cho những người ủng hộ tại các tỉnh thành khác làm theo. Vì thế, chính quyền từng bước tiến hành các hoạt động theo dõi và sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn nhằm bảo vệ người dân và ngăn chặn những vụ việc không mong muốn. Hiện chính phủ Thủ tướng Yingluck vẫn sử dụng luật an ninh nội địa để đối phó với tình hình.

Lệnh tình trạng khẩn cấp trao cho các cơ quan an ninh quyền hạn to lớn như áp đặt các lệnh giới nghiêm, bắt giữ các đối tượng tình nghi mà không cần cáo trạng, kiểm duyệt truyền thông, cấm tụ tập trên 5 người vì mục đích chính trị và tuyên bố lệnh cấm đối với nhiều khu vực trên cả nước.

Theo giới phân tích, lệnh tình trạng khẩn cấp là cần thiết cho Bangkok hiện nay. Trên thực tế, mặc dù quy mô giảm đi từng ngày khi nhiều người lần lượt trở về để tiếp tục công việc của họ, nhưng phe biểu tình vẫn nỗ lực đóng cửa một số văn phòng chính phủ, buộc Thủ tướng Yingluck chuyển nơi làm việc và gây hỗn loạn giao thông ở Bangkok.

Đó là chưa kể đến vụ một số người thiệt mạng và hơn chục người khác bị thương sau khi lựu đạn bị ném vào đám đông biểu tình chống chính phủ ở trung tâm Bangkok hôm 17-1 và 19-1. Cảnh sát Thái Lan ngày 20-1 công bố điều tra cho biết, vụ đánh bom xảy ra ngày 17-1 trong khi người biểu tình đang tuần hành trên đường phố là do một nhóm đi cùng những người biểu tình gây ra. Theo kết quả, không phải trái bom phát nổ được ném từ trên cao xuống. Sau khi vụ việc xảy ra, người ta cho rằng, trái bom phát nổ được ném từ một tòa nhà bỏ hoang trên tuyến đường người biểu tình đi qua. Ở đây, lực lượng chức năng còn tìm thấy nhiều vũ khí và các đồ dùng đang được sử dụng.

“Tôi nghĩ rằng các cuộc tấn công được tổ chức nhằm kích động quân đội phản ứng”, Paul Chambers, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai cho biết đồng thời cảnh báo nguy cơ gia tăng bạo lực trong thời gian tới. Các chuyên gia chính trị cho rằng, bạo lực dường như là không thể tránh khỏi trong bối cảnh Ủy ban bầu cử (EC) từ chối giám sát cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 2-2 sắp tới còn phe đối lập chính tuyên bố tẩy chay.

Giữa lúc bạo lực đẫm máu leo thang nhanh chóng, treo lên viễn cảnh u ám của thiên đường du lịch Đông Nam Á, Mỹ hối thúc công dân nước này tránh xa các địa điểm biểu tình. Cảnh báo về đi lại nêu rõ: “Công dân Mỹ được khuyến cáo rằng, ngay cả các cuộc biểu tình chủ trương hòa bình cũng có thể biến thành xung đột và leo thang thành bạo lực. Các bạn nên tránh xa khu vực biểu tình, tuần hành và tụ tập quy mô lớn”.

Rõ ràng, biểu tình bạo lực đang làm Thái Lan tổn thất quá nhiều. Người ta ngờ rằng, phe biểu tình cố tình gia tăng bạo lực nhằm hút cảnh sát vào cuộc cạnh tranh và điều đó tạo cớ cho thủ lĩnh biểu tình Suthep buộc tội bà Yingluck đàn áp những người biểu tình. Đó là kịch bản hoàn hảo để quân đội nhảy vảo cuộc, giải quyết bế tắc bằng một cuộc đảo chính.

Khả Anh