Thái Lan vẫn bế tắc
* Người biểu tình treo thưởng để bắt thủ tướng
(Cadn.com.vn) - Người biểu tình vẫn xuống đường, rầm rộ hơn bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp đã có hiệu lực ở thủ đô Bangkok và một số tỉnh lân cận của Thái Lan.
Lệnh tình trạng khẩn cấp được ban hành nhằm đối phó với sự gia tăng bạo lực trong các cuộc biểu tình đường phố song xem ra quyết định này nhiều khả năng sẽ thất bại.
Là nghị định nghiêm ngặt nhất ở Thái Lan, lệnh khẩn cấp trao cho các cơ quan an ninh quyền hạn to lớn như áp đặt các lệnh giới nghiêm, bắt giữ các đối tượng tình nghi mà không cần cáo trạng... Tuy nhiên, Tân Hoa Xã dẫn lời Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Sihasak Phuanggetkeow cho biết, chỉ có một phần của lệnh khẩn cấp cho đến nay được thực hiện song không có việc cấm hoặc giải tán biểu tình; kiểm duyệt truyền thông, hạn chế tự do di chuyển hoặc áp đặt giới nghiêm.
Người biểu tình vẫn xuống đường bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp. Ảnh: AP |
Vẫn biểu tình rầm rộ
Theo các nhà phân tích chính trị, lệnh này có thể không hiệu quả hơn so với Đạo luật An ninh nội địa mà Thủ tướng Yingluck áp đặt trong vài tháng qua tại Bangkok và các khu vực xung quanh. Không có nhiều thay đổi trên đường phố Bangkok kể từ khi lệnh khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 22-1. Thậm chí, mối lo sợ rằng, lệnh này có thể làm bùng nổ bạo lực hơn đang dần trở thành hiện thực khi người biểu tình tỏ ra ngoan cố hơn.
Theo các nguồn tin, người biểu tình từ tổ chức cấp tiến “Sinh viên và nhân dân vì cải cách dân chủ ở Thái Lan” (NSPRT) treo thưởng cho người nào bắt được Thủ tướng Yingluck. Danh sách treo thưởng bắt giữ còn có Phó Giám đốc Trung tâm gìn giữ hòa bình Chalema Yubamrunga và Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quốc gia Adun Sengsingkeo - những người mà phe biểu tình cáo buộc chịu trách nhiệm về việc ban hành phi lý tình trạng khẩn cấp ở Bangkok.
Trong khi đó, giao thông ở Bangkok hôm 23-1 vẫn tê liệt do dòng người tiếp tục đổ xuống đường “dưới trướng” thủ lĩnh Suthep Thaugsuban, Thư ký Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC). Ông Suthep “mượn” lệnh khẩn cấp để kêu gọi những người ủng hộ đẩy mạnh các cuộc biểu tình và chiến đấu cho đến khi chiến thắng. Họ bao vây văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng và Thủ tướng Yingluck phải đi cửa sau. Cảnh sát chống bạo động được triển khai ở thủ đô chưa có hành động gì để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Cũng không có ai bị bắt giữ.
Trước tình hình này, Philippines nâng mức báo động, đồng thời yêu cầu công dân nước này đang ở quốc gia Chùa vàng chuẩn bị sơ tán. Singapore cũng phát cảnh báo đi lại với công dân nước này tại Thái Lan.
Do quân đội thờ ơ?
Trong nỗ lực nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung tuyên bố, Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự (CMPO) đang cân nhắc sử dụng lệnh khẩn cấp để bỏ tù các thành viên lãnh đạo PDRC. Ông Chalerm cho biết có kế hoạch đưa ra các quy định nhằm đối phó với chiến dịch “đóng cửa Bangkok” của PDRC, vốn bắt đầu từ hôm 13-1.
Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, Thái Lan ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp. Hồi tháng 4-2010, chính phủ Thủ tướng Abhisit khi đó cũng nhờ vào lệnh này, vốn trải rộng lên đến 24 tỉnh, để xử lý các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ do Mặt trận Dân chủ chống độc tài, hay còn gọi là phe Áo đỏ, thực hiện. Có chăng, cái khác nhau ở đây là chính phủ Yingluck không được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ quân đội như ông Abhisit. Bởi sau đó, ngày 19-5-2010, quân đội theo lệnh của chính phủ mở chiến dịch đàn áp đẫm máu vào phe Áo đỏ, khiến 92 người chết và hơn 2.000 người bị thương. Tất nhiên, giờ đây, bà Yingluck không thể mong đợi quân đội cũng làm như vậy.
Cho đến nay, quân đội quyền lực vẫn tuyên bố trung lập và đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài này. Nhưng Thủ tướng Yingluck đang nỗ lực để kéo quân đội vào cuộc, dù chỉ là rất nhỏ. Ngày 23-1, trong cuộc họp với Hội đồng Quốc phòng Thái Lan, nữ thủ tướng yêu cầu các tướng lĩnh quân sự chóp bu chỉ thị nhân viên kiểm tra quyền tham gia bỏ phiếu trước thềm cuộc bầu cử vào ngày 2-2 tới.
Khả Anh