Thái Lan "khai tử" dự thảo hiến pháp mới

Thứ hai, 07/09/2015 10:10

(Cadn.com.vn) - Với tỷ lệ 135 phiếu thuận, 105 phiếu chống và 7 phiếu trắng, Hội đồng Cải cách Quốc gia Thái Lan (NRC) ngày 6-9 bác dự thảo hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo. Dự thảo hiến pháp gồm 124 trang này là một trong những dự thảo hiến pháp dài nhất thế giới, được đưa ra trong bối cảnh nước này vừa chứng kiến vụ đánh bom tồi tệ nhất lịch sử. Tại sao dự thảo hiến pháp này lại bị bác bỏ?

Ước tính, cứ 4 năm, Thái Lan có một hiến pháp mới kể từ khi kết thúc chế độ quân chủ tuyệt đối vào năm 1932. Không một quốc gia nào thay đổi quy định pháp lý cơ bản nhất của đất nước với tần số dày như vậy. Vì vậy, người Thái cũng coi sự kiện thay đổi lần này chẳng mấy quan trọng.

"Hiến pháp mới này hoàn toàn không quan tâm đến quyền của người dân Thái Lan. Nhiều quy định trái với các nguyên tắc dân chủ quốc tế và các quy định của pháp luật", đảng Peau Thai - đảng cầm quyền bị lật đổ từ cuộc đảo chính quân sự năm ngoái - tuyên bố.  Đối thủ của Peau Thai, đảng Dân chủ, cũng không mấy quan tâm đến hiến pháp mới. Lãnh đạo đảng, cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã kêu gọi NRC bác bỏ, trong khi chờ sửa đổi thêm.

Rất khó để biết người Thái nghĩ gì về hiến pháp mới. Chính phủ quân sự không cho phép thảo luận về hiến pháp mới. Các đảng có thể tổ chức hội nghị báo chí, nhưng không vận động hoặc chống lại các điều lệ. Mỗi hộ gia đình nhận được một bản sao dự thảo hiến pháp dài gần 130 trang, nhưng họ không hiểu rõ các thuật ngữ pháp lý trong đó.

Những người ủng hộ chính phủ bị lật đổ tuyên bố sẽ phản đối hiến pháp mới. Ảnh: BBC

Những thay đổi gây tranh cãi

Không có gì ngạc nhiên khi tất cả các đảng chỉ trích mạnh mẽ hiến pháp này vì nó được cho là làm suy yếu đáng kể các đảng phái chính trị. Tranh cãi nhất trong số 285 điều của dự thảo hiến pháp mới là việc thành lập Ủy ban Cải cách và Hòa giải chiến lược quốc gia (NSRRC). Nhìn bề ngoài, ủy ban gồm 23 thành viên này, trong đó bao gồm các chỉ huy của tất cả các cơ quan quân sự và cảnh sát, có nghĩa vụ phải hướng dẫn quá trình cải cách vẫn còn mơ hồ thông qua giai đoạn chuyển tiếp sau cuộc bầu cử dân chủ.

Tuy nhiên, NSRRC cũng sẽ có thẩm quyền hành pháp và quyền lập pháp trong thời kỳ khủng hoảng. Người ta so sánh NSRRC với một bộ chính trị toàn năng. Cơ quan này kéo dài trong 5 năm, nhưng có thể được gia hạn thông qua một cuộc trưng cầu. Hầu như tất cả các đảng phái chính trị hiện tại của Thái Lan lên án điểm mới này.

Hiến pháp mới cũng cho phép một người không phải là nghị sĩ có thể trở thành thủ tướng, cho phép các liên minh thương lượng để lựa chọn một người không phải là chính trị gia, thậm chí là một sĩ quan quân đội, làm ứng cử viên. Một số người cho rằng, điều này có thể cho phép đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, được quân đội hậu thuẫn, kéo dài nhiệm kỳ.

Trong khi đó, hình phạt đối với các chính trị gia cũng mạnh tay hơn. Những người đã bị luận tội, hoặc bị kết tội gian lận bầu cử, sẽ bị cấm tham gia chính trường suốt cả đời, chứ không phải 5 năm như hiện nay. Đa số phiếu trong Quốc hội là đủ để buộc tội một người nào đó.

Ngờ vực

Dự thảo hiến pháp mới làm dấy lên mối ngờ vực sâu sắc về chính trị và nền dân chủ nghị viện.

Đối với những người tin vào tính ưu việt của một Quốc hội dân cử và các đảng chính trị mạnh, hiến pháp này được xem là bước lùi. Nhưng đối với những người Thái không thích các chính trị gia được bầu, và những người lo sợ sự thống trị quá lâu của một vị thủ tướng thành công như ông Thaksin Shinawatra, người lãnh đạo Thái Lan trong 15 năm, hiến pháp được xem như là điều chỉnh cần thiết. Thực tế, mặc dù quân đội khẳng định, đảo chính là sự can thiệp trung lập trong cuộc xung đột giữa hai phe phái chính trị, hiến pháp này định hình lại gần như hoàn toàn bộ máy chính trị của Thái Lan, như những gì người biểu tình Áo vàng mong muốn.

An Bình

(Theo BBC)