Thái Lan loay hoay tìm lối thoát

Thứ ba, 20/05/2014 10:20

(Cadn.com.vn) - Chính phủ Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong đang nỗ lực hết mình để kéo Thái Lan ra khỏi vũng lầy khủng hoảng chính trị.

Ngày 19-5, Thủ tướng Niwatthamrong có cuộc gặp với Thượng viện nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài đang nhấn chìm quốc gia Chùa Vàng. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh người biểu tình chống chính phủ - phe Áo vàng - đẩy mạnh áp lực loại bỏ ông Niwatthamrong và lập chính quyền mới.

Thái Lan hiện vẫn chưa có Hạ viện kể từ khi bà Yingluck giải tán Quốc hội vào tháng 12-2013. Thượng viện, cơ quan lập pháp duy nhất còn lại, cho biết, họ có thể chọn một thủ tướng lâm thời mới, song lãnh đạo cơ quan này trước tiên muốn tham khảo ý kiến của chính phủ. Động thái này khiến lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban, người muốn loại bỏ chính phủ lâm thời ngay lập tức, nổi giận.

Phe chống chính phủ biểu tình tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok hôm 19-5. Ảnh: Reuters

KINH TẾ SUY GIẢM NGHIÊM TRỌNG

Thái Lan đang bị mắc kẹt trong nền chính trị lấp lửng sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và 9 bộ trưởng bị Tòa án Hiến pháp phế truất vì tội lạm quyền.

Ông Niwatthamrong - khi đó là Bộ trưởng Thương mại - được bổ nhiệm thay thế. Nhưng người biểu tình chống chính phủ khẳng định, ông không có địa vị pháp lý và muốn tất cả các bộ trưởng còn lại của đảng Peau Thai cầm quyền phải từ chức để nhường đường cho một chính phủ mới được bổ nhiệm nhằm thúc đẩy cải cách. “Chúng tôi muốn có sức mạnh dân chủ và giao lại cho người dân”, ông Suthep nói với những người ủng hộ. “Chính phủ đang làm còi cọc thêm nền kinh tế nước nhà”, ông Suthep, người tuyên bố sẽ đầu hàng vào ngày 27-5 tới nếu nỗ lực cuối cùng này không thành công, nhấn mạnh thêm.

Bế tắc chính trị khiến nền kinh tế quốc gia Chùa Vàng, nhất là ngành du lịch hái ra tiền, xuống dốc không phanh. Số liệu thống kê công bố ngày 19-5 cho thấy, kinh tế quý I giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Thái Lan chứng kiến cảnh suy giảm kinh tế kể từ quý IV-2011, động thái rõ ràng cho thấy, xung đột chính trị gây khủng hoảng lòng tin của người tiêu dùng và khiến du khách lo sợ.

Ủy ban phát triển xã hội và kinh tế quốc gia (NESDB) cũng cắt giảm dự đoán tăng trưởng năm 2014 của Thái Lan từ mức 3-4% xuống còn 1,5-2,5%. Ủy ban này tuyên bố, nền kinh tế Thái Lan trong năm 2014 “có khả năng tăng trưởng với tốc độ chậm do kết quả của tình trạng suy giảm trong quý I”, trong khi tình hình “bất ổn chính trị” cũng sẽ góp phần làm hạn chế tăng trưởng.

BÓNG MA “ĐÀN ÁP ĐẪM MÁU”

Thái Lan có thể sẽ mất nhiều hơn nữa nếu tình trạng bế tắc chính trị hiện nay tiếp tục kéo dài sang nửa cuối của năm nay.

Vì thế, chính phủ và những người ủng hộ xem cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 20-7 tới là giải pháp tốt nhất cho khủng hoảng dai dẳng lần này. Hàng ngàn người ủng hộ Peau Thai - phe Áo đỏ - hiện đang cắm trại ở vùng ngoại ô phía tây Bangkok phản đối bất kỳ nỗ lực bổ nhiệm một thủ tướng không được bầu và kêu gọi bầu cử “đúng thời hạn”.

Tuy nhiên, khó khăn đang chồng chất khó khăn. Trong khi đảng Dân chủ đối lập có nguy cơ tẩy chay bầu cử khi lo sợ đảng cầm quyền sẽ tiếp tục giành chiến thắng, khả năng phải hoãn bầu cử cũng đã được nhắc đến. Mâu thuẫn trong xã hội Thái Lan thậm chí len lỏi khắp mọi ngõ ngách. Hoa hậu hoàn vũ mới đăng quang của Thái Lan, Weluree Ditsayabut 22 tuổi, đã khiến phe Áo đỏ bùng nổ tức giận khi cô có nhận xét không hay về phe này trên Facebook.

Thêm “lửa” vào làn sóng giận dữ của phe Áo đỏ là sự việc ngày 19-8 đánh dấu kỷ niệm 4 năm cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào người biểu tình thuộc phe này dưới thời chính phủ mà ông Suthep làm phó thủ tướng. “Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lực nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng”, nhà lãnh đạo Áo đỏ Jatuporn Prompan cho biết trong bài phát biểu đầy lửa hôm 19-5, kêu gọi biểu tình lớn vào ngày 24-5 tới.

Nhưng bóng ma “đàn áp” lại có nguy cơ phủ bóng chính trường Thái Lan khi quân đội quyền lực, vốn cố gắng làm ngơ trong cuộc chiến này, lần đầu tiên tuyên bố sẽ có thể sử dụng “toàn lực lượng” nếu xảy ra đụng độ biểu tình.

Khả Anh