Thấm đẫm tình ruột thịt anh em Việt - Lào

Thứ hai, 18/11/2019 11:40

Ngược dòng lịch sử, quay về những năm 1945-1950, khi cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 Việt Nam giành thắng lợi và cùng thời điểm này, nhân dân các bộ tộc Lào cũng tiến hành đấu tranh giành chính quyền tại một số thành phố, thị xã (Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xa Vẳn Na Khệt...). Sau khi liên quân Việt - Lào được thành lập vào 30-10-1945 nhằm giúp đỡ lẫn nhau về mặt quân sự để chống kẻ thù chung, ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được tổ chức thành hệ thống riêng và được gọi là quân tình nguyện.

Ông Hồ Kỳ Minh trao tặng kỷ niệm chương và quà lưu niệm cho ông Viengxay Phommachanh (giữa), Tổng Lãnh sự nước CHDCND Lào tại Đà Nẵng.

“Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng hình ảnh về những chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, về sự sát cánh Liên quân Lào - Việt, và về sự gắn kết quân nhân hai nước Việt - Lào vẫn luôn khắc sâu trong ký ức và tâm khảm của mỗi người dân chúng tôi”, ông Viengxay Phommachanh - Tổng Lãnh sự nước CHDCND Lào tại Đà Nẵng đã phát biểu trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào, được tổ chức ngày 16-11. Ông Viengxay Phommachanh tri ân: Đón nhận sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào, những người lính xa quê ấy đã xem người dân Lào như người Mẹ, người chị, người anh em ruột thịt, họ luôn sẵn sàng lao vào giúp đỡ người dân bản làng trong sinh hoạt, lao động hàng ngày từ giã gạo, nấu cơm, trồng rau, đến hướng dẫn vệ sinh, xem bệnh.

Mồ hôi và xương máu của hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã hòa quyện cùng xương máu của “người anh em” Lào, đã viết lên trang sử hào hùng của cả hai dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có trên 50 vạn người con của dân tộc Việt Nam tham gia quân tình nguyện, phối hợp và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận của đất nước Lào. Chiến tranh kết thúc, những người lính tình nguyện trở về quê hương với đầy ắp kỷ niệm và nỗi nhớ dành cho các bà mẹ, cô gái và đồng đội Lào. Nhưng cũng không ít người trong số họ đã nằm lại trên mặt đất Triệu Voi thân yêu. “Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân các Bộ tộc Lào, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam anh em, đặc biệt là các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã dành sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu cho Đất nước và nhân dân các bộ tộc Lào”, ông Viengxay Phommachanh nhấn mạnh.

Cũng tại buổi giao lưu, gặp mặt, ông Hồ Kỳ Minh, UVBTVTW, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Việt - Lào thành phố cho biết nhiệm vụ chính của quân tình nguyện Việt Nam là giúp Lào xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và các căn cứ cách mạng, phát triển chiến tranh nhân dân đáp ứng yêu cầu kháng chiến. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện “ba cùng” với dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Ba mươi năm kháng chiến trường kỳ khép lại, Việt Nam và Lào đã trở thành hai nước độc lập, thống nhất, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đất nước hòa bình chưa lâu, vào cuối năm 1976 đầu năm 1977, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào lại đứng trước tình hình an ninh chính trị, chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa.

Trước tình thế đó, theo yêu cầu chính thức của Lào, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam một lần nữa đã trở lại giúp bạn. Gần đây nhất, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta, hai bên một lần nữa khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Ông Hồ Kỳ Minh đã vô cùng xúc động khi thấy nhiều bác, nhiều chú, nhiều anh mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn rất tâm huyết, gắn bó với đất nước Lào anh em, vẫn nhiệt tâm tham gia công tác xã hội tại địa phương, và là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo. “Đặc biệt, công tác của Hội Hữu nghị Việt Lào vẫn được các bác, chú, anh tham gia tích cực, truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp xây đắp tình hữu nghị gắn bó keo sơn. Điều đó vô cùng đáng quý và đáng tự hào”, ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ.

LÊ ANH TUẤN