Thảm họa chìm phà: Cái giá cho sự phát triển nhanh chóng
(Cadn.com.vn) - Vụ chìm phà Sewol ngày 16-4 - thảm họa hàng hải tồi tệ nhất lịch sử Hàn Quốc - khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về cái giá mà nước này phải trả cho tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Nhiều người tự đặt câu hỏi làm thế nào một chiếc phà hiện đại bị lật tại vùng biển yên tĩnh khiến 213 người thiệt mạng và 89 người mất tích, hầu hết là học sinh trung học. Cùng với sự đau buồn và tức giận, vụ việc cũng khiến mọi người nhìn lại những thành tựu lịch sử hiện đại của đất nước: phát triển nhanh chóng từ nghèo đói đến thịnh vượng.
Những dự án chớp nhoáng
Từ những năm 1960-1980, các chính phủ liên tiếp thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn và các mục tiêu sản xuất đầy tham vọng với tốc độ chớp nhoáng. Tiếp theo đó là thời gian gần như tăng trưởng kinh tế không bị gián đoạn. Sự vội vàng được minh chứng bằng những chính sách của cựu Tổng thống Park Chung-hee, vốn được coi là một thành phần không thể thiếu trong "sự phát triển kỳ diệu" của nước này.
Sau thảm kịch chìm phà, nhiều bài xã luận báo chí và các nhà bình luận đặt câu hỏi liệu sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng như vậy đã có phải là nguyên nhân dẫn đến một xã hội coi thường an toàn công cộng.
Tờ Yeongnam Ilbo, một tờ báo lớn ở nước này mô tả thảm họa Sewol là "phim truyền hình tồi tệ nhất" được tạo ra bởi nền văn hóa "Daechung Daechung" (có nghĩa là "bỏ qua các tiêu chuẩn cần thiết"). Yoon Cheol- hee, biên tập viên các vấn đề xã hội của tờ báo, viết rằng, mọi người không bao giờ được quên sự xấu hổ và hối tiếc sau bi kịch để Hàn Quốc có thể "thoát khỏi một nước kém phát triển về an toàn".
Ở một đất nước mà chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh mẽ, thảm họa mới nhất này khiến nhiều người nhớ đến những thảm họa trước đây, không chỉ trong lĩnh vực hàng hải, chẳng hạn như sự sụp đổ của một trung tâm mua sắm trong năm 1995 và một cuộc tấn công đốt phá tàu điện ngầm vào năm 2003, cả hai đều khiến hàng trăm người thiệt mạng. Cũng giống như trường hợp chìm phà Sewol, việc thiếu năng lực và sơ suất là nguyên nhân gây ra những thảm họa này.
Các học sinh sống sót sau thảm họa chìm phà Sewol đặt vòng hoa tưởng nhớ các nạn nhân hôm 30-4. |
Bỏ qua an toàn công cộng
Theo thống kê, Hàn Quốc thua các nước phát triển khác trong một số lĩnh vực an toàn công cộng. Nước này có tỷ lệ tử vong đối với người đi bộ cao nhất vào năm 2012 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, và số người tử vong đường bộ cao nhất năm 2011.
Các trường hợp tử vong liên quan đến các tập đoàn tên tuổi lớn như Samsung, cũng thường xuyên gây tranh cãi. Năm 2012, cả nước có 1.134 vụ tai nạn gây tử vong tại nơi làm việc và 730 trường hợp nhiệm bệnh gây tử vong.
Trong vụ chìm phà Sewol, danh sách các lỗi an toàn rất nhiều: thuyền trưởng và thủy thủ đoàn không sơ tán hành khách đúng cách; hầu hết các thuyền cứu sinh không hoạt động; và chiếc phà bị sửa đổi bất hợp pháp để chở thêm khách.
Tất cả 15 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có thuyền trưởng, đã bị bắt giữ về nhiều tội danh khác nhau liên quan đến việc từ bỏ nhiệm vụ của mình. Nhà điều hành của phà, Cty Chonghaejin Marine, và các Cty liên kết của nó đã bị điều tra về những vi phạm tài chính.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý đăng ký tàu và Hiệp hội Vận chuyển hàng hải Hàn Quốc, hai trong số các cơ quan quản lý an toàn hàng hải, bị cáo buộc nhận hối lộ để bỏ qua những sai sót an toàn.
"Mặc dù nhiều người biết phải làm gì để đảm bảo an toàn hàng hải, họ không thực hiện vì gánh nặng tài chính và những thói quen xấu", Hong Seung-Kweon, một chuyên gia về an toàn hàng hải tại Đại học Giao thông vận tải Hàn Quốc Giao cho biết.
Phản ứng của chính quyền đối với thảm họa cũng khiến người dân giận dữ. Sự phẫn nỗ càng tăng hơn sau khi một đoạn phim quay cảnh cứu hộ ban đầu của Cảnh sát biển được công bố. Trong đoạn băng, một tàu Cảnh sát biển luôn giữ khoảng cách với chiếc phà, trong khi gần 2 giờ sau đó, chiếc phà mới chìm hoàn toàn.
Các nhân viên cứu hộ không vào tàu để xác định vị trí người sống sót. Đáp lại những lời chỉ trích này, các quan chức Cảnh sát biển cho rằng, mối quan ngại an toàn đối với nhân viên khiến họ không thể giải cứu một số lượng lớn hành khách dù nỗ lực hết sức.
An Bình
(Theo Diplomat)