Thảm họa, suy thoái thách thức Thủ tướng New Zealand
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phải đối mặt với những thách thức khó nhằn khi bà tham gia cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm 2020, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, các cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ và một đất nước quay cuồng vì thảm họa, cả tự nhiên lẫn nhân tạo.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 11-12. Ảnh: Reuters |
“Còn nhiều việc phải làm”
2 năm kể từ khi trở thành nữ lãnh đạo trẻ nhất thế giới, bà Ardern, 39 tuổi, vẫn cực kỳ nổi tiếng nhờ cách xử lý nhẹ nhàng nhưng quyết đoán đối với vụ xả súng hàng loạt. Bà thường xuyên được mời đến các chương trình trò chuyện cao cấp của Mỹ để chia sẻ về khả năng vừa làm một người mẹ tốt vừa là một nhà lãnh đạo giỏi.
Nhưng thực tế có một chút khác biệt, sự ủng hộ đối với bà Ardern và đảng Lao động đã trượt dốc trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây vì các cử tri cho rằng chính phủ của bà vẫn chưa thực hiện được những lời hứa, trong đó có việc giải quyết tình trạng vô gia cư và nghèo đói ở thành thị. Tăng trưởng kinh tế chậm lại khi một dự án nhà ở của chính phủ thất bại, những hạn chế mới đối với hoạt động khai thác dầu và đầu tư nước ngoài vào bất động sản, cộng với các quy tắc nhập cư chặt chẽ hơn đã làm mất niềm tin của giới kinh doanh muốn hoạt động tại nước này. “Còn nhiều việc cần phải hoàn thành. Chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố là hoàn hảo. Chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố đã hoàn thành công việc”, bà Ardern cho biết trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại văn phòng ở Wellington.
Các học giả chính trị đang dự đoán, các cuộc trưng cầu dân ý về việc hợp pháp hóa cần sa và quyền được chết dự kiến sẽ gây chia rẽ trước cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào tháng 11-2020. Kho bạc Nhà nước hôm 11-12 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 và đánh dấu thâm hụt ngân sách khi các “cơn gió độc” trên thế giới, gồm Brexit và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ đã công bố sẽ chi 12 NZD (7,7 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng để vượt qua những trở ngại này.
Bà Ardern cho biết, New Zealand vẫn đang giữ vững thành công so với nhiều nước khác, với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong một thập kỷ và tăng trưởng tiền lương vững chắc. “Nền tảng của nền kinh tế của chúng tôi rất mạnh nên thông điệp tôi muốn gửi đến các nhà đầu tư quốc tế là chúng tôi là một nơi tốt để đầu tư, và thông điệp của tôi đối với doanh nghiệp trong nước là chúng ta đang ở một vị trí tốt, bây giờ là thời điểm tốt để phát triển”, bà Ardern cho biết.
Hai cuộc thăm dò dư luận được theo dõi chặt chẽ hồi tháng 10 vừa qua cho thấy, sự ủng hộ đối với liên minh cầm quyền của bà Ardern đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2017. Sự ủng hộ đối với bà Ardern cũng suy yếu, nhưng vẫn vượt xa các đối thủ.
Christchurch và Đảo Trắng
9 tháng kể từ sau vụ thảm sát ở thành phố Christchurch, trong đó 51 tín đồ Hồi giáo bị giết tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố phía nam, bà Ardern cho biết mình vẫn cảm thấy có lỗi. “Các nền tảng trực tuyến ngày một phát triển đã thúc đẩy hệ tư tưởng sai lệch. Chúng tôi nhận thấy vai trò của chúng tôi là cố gắng hết sức để hạn chế khả năng sử dụng công cụ đó”, bà Ardern nói, lưu ý rằng các cách thức thảm sát tương tự cách đã được sử dụng trong vụ việc ở thành phố Christchurch đã được sử dụng ở Châu Âu. Cách bà Ardern phản ứng đối với vụ thảm sát và sau đó nhanh chóng thúc đẩy Quốc hội thông qua lệnh cấm vũ khí bán tự động được ca ngợi rộng rãi.
Tuần này, núi lửa Whakaari phun trào ở White Island (Đảo Trắng) là một thách thức tiếp theo đối với chính phủ của bà Ardern. Các câu hỏi được đặt ra về lý do tại sao du khách được phép đến thăm một hòn đảo núi lửa đang hoạt động. Bà Ardern cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra, cho biết những câu hỏi quan trọng cần được trả lời, nhưng từ chối bình luận về những tác động dài hạn đối với ngành kinh tế du lịch cảm giác mạnh của New Zealand. “Lúc này, chúng tôi tập trung vào các nạn nhân và gia đình của họ. Chúng tôi chăm sóc cho những người bị thương, và tìm cách đưa những người thiệt mạng ra khỏi hòn đảo”, bà Ardern cho biết.
AN BÌNH
Quân đội New Zealand bắt đầu tìm kiếm 8 thi thể mắc kẹt trong núi lửa Ngày 13-12, các lực lượng quân đội của New Zealand sẽ bắt đầu chiến dịch với rủi ro cao trên Đảo Trắng nhằm tìm kiếm 8 thi thể bị mắc kẹt trong núi lửa còn đang hoạt động. Với sự trợ giúp của các máy bay không người lái và các phi công trực thăng từng ở gần ngọn núi lửa, nhà chức trách hiện đã xác định được vị trí của 6-8 thi thể trên Đảo Trắng. Một nhà địa chất sẽ luôn túc trực, theo dõi dữ liệu thời gian thực để xác định nguy cơ xảy ra vụ phun trào khác và quyết định thời điểm có thể hủy nhiệm vụ này. Trong một phát biểu, Phó Giám đốc Cảnh sát New Zealand Mike Clement cho biết: “Đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về kế hoạch của chúng tôi, nhưng hiện tại kế hoạch của chúng tôi đang diễn ra như mong đợi. Chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các thi thể trong vài giờ tới”. T.N |