Thăm lại Non nước sau mùa lễ hội
Trong không khí của những ngày sắp cạn xuân, khí trời thật mát mẻ, hòa vào dòng người tham quan, tôi "nai nịt" gọn gàng cho một chuyến leo núi gần. Một cái mũ, một đôi giày thể thao có độ bám tốt để tránh bị trơn trượt, một chai nước cầm tay… Để đỡ tốn thời gian leo lên mấy trăm bậc đá đã in mòn vết chân thời gian, tôi mua vé tham quan có kèm vé thang máy.
Từ cái buồng trong veo của thang máy, loáng một cái tôi đã lên gần tới đỉnh núi. Xa xa, những ngôi nhà cao tầng dường như đang cố thu nhỏ lại, xa hơn nữa là biển trải rộng, mênh mang một màu trắng xóa; vài chiếc thuyền đang neo đậu trông như những món đồ chơi. Sau khi vào chùa Linh Ứng lễ Phật, tôi thăm động Tàng Chơn; tại cửa động du khách nào cũng muốn dừng chân, check in vách đá có in những dòng thơ bằng chữ Hán mà ngày nay gọi là Ma Nhai. Thời gian dường như muốn ngừng lại, quá khứ như mới vừa đâu đây và hiện tại đang giao hòa để lắng nghe tiếng nói của ông cha thuở xưa. Tận hưởng không khí mát lạnh trong hang đá, men theo những bậc tam cấp đã nhẵn thín bởi bước chân của bao người, nhìn những hàng chữ khắc trên vách đá, trong tôi vang vọng ý thơ của Nguyễn Đình Thi: "Nước chúng ta/ Nước của những con người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về" (Đất nước). Qua Vọng Hải Đài, từ độ cao 1000 m, đối diện với biển cả, đứng giữa vùng núi non trong tiết thanh minh, lòng lại nhớ về thi sĩ tài hoa yểu mệnh Phạm Hầu (1920-1944): "Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai?". Cảm giác vũ trụ vô cùng tận khi đứng trên đài cao Vọng Hải vừa gợi nỗi cô đơn thăm thẳm vừa thể hiện chí khí làm trai giữa thời tao loạn. Trong cái không gian tĩnh mịch khi mọi tiếng ồn ào đã dừng lại dưới kia, tôi tận hưởng bằng thị giác cái mênh mang của đại dương, nét sừng sững của dáng núi, lòng nhẹ thênh thênh và trân quý biết bao những giây phút an yên của tâm hồn.
Quay trở lại với lối lên xuống động Vân Thông, tôi gặp những đoàn khách nước ngoài: cả một đoàn khách Ấn Độ mặc đồng phục trắng, những cô gái, chàng trai với ánh mắt sâu thẳm, nước da bồ quân, chân leo thoăn thoắt trên những bậc đá; và những cặp đôi tóc vàng da trắng trung niên tay trong tay, vừa đi vừa xì xào nói chuyện…Dù đã có thang máy trợ giúp nhưng vẫn còn cả trăm bậc nếu du khách muốn tham quan tất cả những hang động chùa chiền ở ngọn Thủy Sơn. Dường như, Ban Quản lý danh thắng cố ý để cho du khách trải nghiệm, có đổ chút mồ hôi, có thở phì phò khi leo núi thì bạn mới thấy quý biết bao những hang động thâm u, mát mẻ; những hàng ghế đá xếp dọc như sẵn sàng sẻ chia những nhọc nhằn của đôi chân.
Ngũ Hành Sơn muôn đời vẫn vậy, vẫn "Núi chen sắc đá pha màu gấm/Chùa nức hơi hương khói lộn mây"(Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu), nhưng mỗi lần tôi đến với một tâm thế khác. Thuở học lớp tám, cùng bạn đi xe đạp đến thăm với nỗi hồ hởi của con trẻ lần đầu tiên khám phá một nơi để vui chơi đơn thuần. Đến lúc sinh viên, đến thăm danh thắng với tư cách là "một hướng dẫn viên" địa phương cho các bạn từ tỉnh xa về thăm thành phố cuối sông đầu biển. Thời mới chuyển trường từ quê ra, Ngũ Hành Sơn gắn cùng những chuyến dẫn học sinh tham gia ngoại khóa; lúc ấy lo quản học sinh nhiều hơn là thăm thú. Những tất bật cuốn xô khiến tôi đến rồi đi, thoáng qua rồi lặn trong kho tàng ký ức. Khi đứng tuổi, Ngũ Hành Sơn cuốn hút tôi bởi những phút tĩnh lặng, được ngồi bên đài cao Vọng Hải để nhìn ngắm và để suy tư. Thời gian đã bào mòn từng phiến đá, làm phai phôi màu tóc đến vóc dáng con người nhưng thời gian không thể làm lãng quên những kỷ niệm. Chính những hồi ức cùng giây phút tĩnh tâm đã nuôi lớn tâm hồn mỗi người.
Thăm lại Non Nước - Ngũ Hành Sơn sau mùa lễ hội, vui cùng bước chân của du khách, lòng lâng lâng về một ngày mới sẽ đến với nơi đây, một vùng đất giàu truyền thống nhưng đời sống nhân dân vẫn còn lắm lo toan. Những ngày giữa tháng ba, văng vẳng tiếng hát hò của "Hội trại sức trẻ Ngũ Hành Sơn" và tôi thầm mong quê hương tôi vững vàng như "đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt"(Bà Huyện Thanh Quan), vươn cao và vươn xa mãi mãi "rạng nét hùng văn dưới nắng mai" (Tường Linh).
Nguyễn Thị Thu Thủy