Thầm lặng sau những chiến công...
(Cadn.com.vn) - Trong lực lượng CAND, bên cạnh những đơn vị trực tiếp đánh án được nhiều người biết đến như Cảnh sát hình sự (CSHS), Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (CSMT)..., còn có một số bộ phận thầm lặng, miệt mài góp chiến công. Một trong số đó phải kể đến là lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ. Từ những tàng thư căn cước đã được bảo quản cẩn trọng, những cán bộ chiến sĩ (CBCS) làm công tác hồ sơ nghiệp vụ đã góp phần lật tẩy hành tung nhiều đối tượng tội phạm nguy hiểm. Phòng Hồ sơ nghiệp vụ CATP Đà Nẵng là một trong số những đơn vị như thế...
“Lật tẩy” những kẻ giấu mặt
Việc lưu trữ những con số, dòng chữ, bức hình… tưởng chừng như vô tri, vô giác, thế nhưng đó là những trang hồ sơ “biết nói”. Trong nhiều năm qua, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ CATP Đà Nẵng (gọi tắt là HS) đã “lật tẩy” nhiều tên tội phạm nguy hiểm ngụy trang trong các vỏ bọc khác nhau để che giấu quá khứ phạm tội của mình. Điển hình là ngày 25-8-2016, ngay sau khi nhận công văn của Phòng Kỹ thuật hình sự CATP về việc yêu cầu tra cứu dấu vết vân tay hiện trường vụ mất tài sản lớn (tổng trị giá khoảng 63 triệu đồng) xảy ra ngày 18-7-2016 tại nhà chị Trần Thị A.L, trú tại đường Trần Cao Vân (Đà Nẵng), lãnh đạo Phòng HS đã chỉ đạo CBCS tập trung tra cứu, rà soát tàng thư căn cước tội phạm đã được lưu trữ.
Tỉ mẩn so sánh, đối chiếu từng đường vân, dấu vết được lưu trữ với đường vân thu giữ tại hiện trường để lần tìm tội phạm là một trong những công việc hàng ngày của CBCS Phòng Hồ sơ CATP. |
Không lâu sau đó, dấu vết vân tay của đối tượng để lại tại hiện trường đã “hiện” lên, trùng khớp với dấu vân tay được lưu trữ có tên là Tôn Hưng Lập (1984, trú tổ 28, P. Xuân Hà, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng). Song song với tên tuổi, địa chỉ của đối tượng thì thông tin về tiền án tiền sự (TATS) của y cũng “lộ diện”. Cụ thể, ngày 1-3-2001, Lập bị CAQ Thanh Khê bắt và khởi tố về hành vi cướp tài sản, sau đó bị TAND TP Đà Nẵng xử phạt 18 tháng tù giam. Tiếp đó, ngày 4-10-2002, Lập bị CAQ Thanh Khê bắt, khởi tố về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sau đó bị TAND Q. Thanh Khê xử phạt 4 năm tù giam... Sau khi thông tin về dấu vân tay của đối tượng được xác định, CQĐT đã tiến hành bắt giữ Tôn Hưng Lập về hành vi trộm cắp tài sản nêu trên.
Ngày 15-7-2016, Phòng HS nhận công văn của Phòng Kỹ thuật hình sự yêu cầu tra cứu dấu vân tay hiện trường vụ mất tài sản xảy ra ngày 10-6-2016 tại nhà chị Nguyễn Th.Tr, trú tại đường Mai Am (Q. Hải Châu). Qua tra cứu, Phòng HS xác định dấu vân tay để lại tại hiện trường trùng khớp với dấu vân tay của Phạm Huy Cường (1989), trú tổ 9, P. Thanh Bình, Q. Hải Châu. Qua đó, thông tin về TATS của đối tượng cũng được “cập nhật” đầy đủ: Ngày 18-8-2007, Cường bị CAQ Thanh Khê bắt, khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản, sau đó TAND Q. Thanh Khê xử phạt 9 tháng tù giam. Ngày 26-6-2009, Cường bị CAQ Hải Châu bắt, khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản, TAND TP Đà Nẵng xử phạt 6 tháng tù giam. Ngày 7-7-2014, Cường tiếp tục bị CAQ.Hải Châu bắt, khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản, TAND quận xử phạt 15 tháng tù giam.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ việc cụ thể để thấy rằng, trong công tác đấu tranh chống tội phạm, lực lượng Hồ sơ CATP đã lập nên nhiều chiến công thầm lặng nhưng cao cả, kịp thời tra cứu, cung cấp hàng trăm ngàn thông tin tội phạm cho các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh triệt phá nhiều băng ổ nhóm tội phạm, điều tra khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn, truy bắt hàng ngàn lượt đối tượng nguy hiểm vi phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng và nghiêm trọng...
Có thể kể đến những tên tội phạm khét tiếng bị lực lượng HS “lật tẩy” thời gian qua là vụ Nguyễn Quỳnh Anh giả danh phóng viên nhà báo để lừa đảo; vụ băng cướp trên Quốc lộ 1A do Đỗ Thái Bình cầm đầu; vụ Phan Hoài Linh nhiều lần hiếp dâm trẻ vị thành niên; vụ Phan Trung Phước ở Khánh Hòa can tội giết người, cướp giật tại Khánh Hòa và TPHCM trốn trại có quyết định truy nã, ra Đà Nẵng thay tên đổi họ tiếp tục gây án; vụ Trần Đức Hoan trộm cắp tài sản; vụ Nguyễn Văn Hùng cướp tiệm vàng Thanh Nhàn tại Đà Nẵng... Và gần đây nhất là phục vụ đấu tranh phá thành công chuyên án 138C làm rõ nguyên hình “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân; chuyên án 122T đầu xuân Nhâm Thìn đấu tranh làm rõ “siêu trộm công sở” Nguyễn Tuấn Vũ đã thực hiện hàng loạt các vụ trộm tài sản với số lượng lớn tại các công sở, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước và đã thúc thủ bởi lực lượng CATP Đà Nẵng...
Ngoài công tác chuyên môn, CBCS Phòng Hồ sơ CATP còn tích cực chăm lo công tác xã hội - từ thiện. (Trong ảnh: Phát cháo miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu thành phố). |
Lặng thầm góp chiến công
Ra đời và đồng hành cùng với lực lượng An ninh Quảng Nam - Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành đơn vị độc lập từ tháng 2-1977, đến nay, Phòng HS CATP Đà Nẵng không ngừng phát triển và trưởng thành. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, từ một tổ công tác chỉ có vài cán bộ, đến nay Phòng có đầy đủ các bộ phận công tác nghiệp vụ chuyên sâu về công tác HS nghiệp vụ an ninh, HS nghiệp vụ cảnh sát, công tác tàng thư căn cước can phạm, căn cước công dân (từ giữa năm 2012, đội CCCD sát nhập về Phòng CSQLHCVTTXH theo quyết định của Giám đốc), đặc biệt là đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm thông tin tội phạm từ năm 2009 đến nay. Ngoài lực lượng HS chuyên trách của Phòng HS được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, pháp luật, tin học, ngoại ngữ..., đảm đương nhiệm vụ ở các lĩnh vực công tác chuyên môn, còn có lực lượng HS chuyên trách ở CA các quận, huyện, trại tạm giam và lực lượng HS bán chuyên trách ở các đơn vị nghiệp vụ thuộc lực lượng ANND và CSND...
Thượng tá Nguyễn Tấn Thăng - Phó trưởng Phòng HS CATP cho biết: Một trong những điểm sáng nổi bật của lực lượng HS là công tác nghiên cứu ứng dụng CNTT trong công tác hồ sơ, tàng thư thông tin nghiệp vụ. Nhờ triển khai ứng dụng CNTT mà các hệ thống thông tin thủ công, HS lưu trữ được củng cố, hoàn thiện, nhiều hệ thống thông tin đã được điện tử hóa thành các cơ sở dữ liệu liên kết thành Trung tâm thông tin tội phạm và triển khai kết nối với các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố. Tháng 10-2009, Phòng HS đã triển khai thành lập Trung tâm thông tin tội phạm, đưa vào quản lý trên máy vi tính các hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ; đặc biệt đang tổ chức phát triển Hệ thống nhận dạng vân tay tự động (Vafis) phục vụ nhận dạng tài liệu vân tay và vân tay hiện trường các vụ án. “Đến nay, công tác này đã phát huy hiệu quả rất tốt, cung cấp cho cơ quan điều tra khám phá thành công nhiều vụ án, chuyên án lớn. Công tác ứng dụng tin học vào công tác hồ sơ ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố”, Thượng tá Thăng cho biết...
Phòng HS CATP ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác HS, chủ động tham mưu ngày càng chất lượng hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, công tác nghiệp vụ cơ bản và đấu tranh phòng, chống tội phạm, được lãnh đạo CATP và các đơn vị, địa phương ghi nhận.
Doãn Hùng