Thâm nhập bãi vàng trái phép nơi thượng nguồn sông Vàng

Thứ sáu, 18/11/2022 08:00
Thời gian qua, một số đối tượng ngang nhiên đưa phương tiện cơ giới, thiết bị vào khu vực rừng đầu nguồn sông Vàng (thuộc thôn Ga Doong, xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam) để đào xới, khai thác vàng sa khoáng trái phép. Tiếp nhận thông tin, nhóm phóng viên chúng tôi đã vượt qua quãng đường đầy khó khăn, nguy hiểm để đến hiện trường đang bị “vàng tặc” cày xới tan hoang. 
Một số phách gỗ được các đối tượng giấu dưới sông Pà Nan.
Một đoạn thượng nguồn sông Vàng bị “vàng tặc” cày xới nham nhở.

Để thâm nhập bãi vàng trái phép trên, ngày 15-11, nhóm phóng viên vượt quãng đường dài từ Đà Nẵng theo tuyến QL14G để lên địa phận xã Tư (H. Đông Giang). Tuy nhiên, khi đến khu vực cầu Vầu (xã Ba)- cây cầu độc đạo dẫn vào xã Tư bị gẫy, các phương tiện và người không thể qua lại, chúng tôi đành ngược lại QL14G tìm đường vào con đường định canh định cư Dốc Kiền để vào xã Tư. Trên con đường trơn trượt đầy đất đỏ nhão nhoẹt, với chiều dài vài ki-lô-mét nhưng chúng tôi phải di chuyển gần cả giờ đồng hồ. Sau những cung đường đầy khó khăn, vượt qua nhiều ngầm, suối, cuối cùng chúng tôi cũng vào được khu vực đầu nguồn sông Pà Nan, một nhánh chảy ra sông Vàng, khu vực này giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.

Tại hiện trường, cả đoạn sông đầu nguồn dài hàng ki-lô-mét với những hố sâu như vừa bị thả bom, dòng sông đang bị bức tử nghiêm trọng. 2 chiếc xe múc đang cặm cụi hoạt động hết công suất để múc đất đổ lên máng lọc đãi vàng. Cạnh đó, những hố sâu nham nhở do “vàng tặc” vừa mới đào bới khiến đất đá sạt lở đổ ầm ầm xuống nước. Khi thấy người lạ, nhóm làm vàng 4 người tắt máy, dừng công việc khai thác lẩn vào rừng. Một người còn lại đến gặp chúng tôi và cho rằng, khu vực này thuộc rẫy của dân địa phương, được người dân thuê để san lấp mặt bằng thuận tiện cho việc trồng keo, trong quá trình san lấp đó có tận dụng để làm vàng sa khoáng. Gần đó, những lán trại được dựng tạm bợ để người khai thác vàng trái phép nghỉ ngơi. Một người đàn ông phục vụ nấu ăn cho biết, ông được thuê đến đây làm việc hơn hai tháng qua, mỗi ngày lo cơm nước cho 5 người đào vàng với tiền công 200.000 đồng ngày.

Máy móc, phương tiện cơ giới được sử dụng cho việc đào đãi vàng trái phép.

Tiếp tục mở rộng phạm vi tác nghiệp, cách khu vực trên khoảng 1km về phía hạ lưu, chúng tôi còn phát hiện một số phách gỗ mà lâm tặc mới vừa đốn hạ trong rừng, xẻ thành phách, dùng trâu kéo ra khỏi bìa rừng. Tại đây gỗ được buộc giấu dưới dòng sông Pà Nan, số còn lại giấu trong bìa rừng để chờ thời cơ thuận lợi sẽ đưa đi tiêu thụ. Cạnh đó, một số con trâu nằm nghỉ ven đường bên những chiếc cáng có gắn bánh xe để kéo gỗ…

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên, ông A Vô Tô Phương- Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỏ ra bất ngờ khi nhận được thông tin trên. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ông Phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện thành lập tổ liên ngành khẩn trương xuống hiện trường kiểm tra, xử lý. “Trên địa bàn huyện địa phương không cấp phép hoạt động cho bất cứ mỏ vàng nào. Ở xã Tư, lực lượng chức năng đã nhiều lần truy quét, nhưng sau đó vàng tặc tiếp tục trở lại. Huyện đã chỉ đạo nhiều lần nhưng cấp dưới chưa làm quyết liệt mới dẫn đến tình trạng trên”, ông Phương nói.

Một số phách gỗ được các đối tượng giấu dưới sông Pà Nan.

Trong khi đó, ông Vũ Phúc Thịnh- Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đông Giang cho hay, khu vực mà phóng viên phản ánh thuộc quy hoạch 3 loại rừng do xã quản lý. “Sau khi tiếp nhận thông tin có hoạt động vàng trái phép tại khu vực trên, thực hiện chỉ đạo của chủ tịch huyện, chúng tôi đã cử cán bộ tham gia cùng với đoàn liên ngành để xác minh, làm rõ vụ việc. Qua kiểm tra cho thấy, khu vực này thuộc đất rẫy của dân, do xã quản lý”- ông Thịnh nói.

Để nắm thêm thông tin kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành, ngày 17-11, chúng tôi liên hệ với ông Cor Le- Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Giang, ông Le cho hay, sáng cùng ngày, đoàn liên ngành tiếp tục vào khu vực trên để kiểm tra. “Hôm qua, chúng tôi chỉ kiểm tra xung quanh khu vực giáp ranh chứ chưa kiểm tra chỗ báo chí phản ánh. Sáng nay, chúng tôi mới vào khu vực đó để kiểm tra. Qua kiểm tra cho thấy khu vực trên nằm trên dòng sông và một phần thuộc đất rẫy của dân, không thuộc rừng phòng hộ. Khu vực này trước đây đã nhiều lần bị cày xới, hiện Công an đang tiếp tục kiểm tra, xác minh các đối tượng trên. Kết quả kiểm tra thế nào chúng tôi sẽ thông tin lại sau”, ông Cor Le thông tin.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với P.V Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, ông đã nắm được thông tin và đã chỉ đạo UBND huyện Đông Giang kiểm tra, xử lý.

TRẦN TÂN