Thảm sát rừng nguyên sinh (Kỳ 2: Mở đường trái phép vào rừng tự nhiên)
Rời “điểm nóng” Bến Giằng, qua ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào khu vực rừng tự nhiên ở thôn Pà Căng, xã Cà Dy- điểm phá rừng này cuối năm 2018 Báo Công an TP Đà Nẵng đã từng phản ánh. Tuy nhiên, đợt này trở lại đây, cảnh tượng tan hoang ngày càng nghiêm trọng.
Con đường mới mở vào khu vực rừng tự nhiên. |
Khác với lần trước, con đường mòn “lâm tặc” dùng trâu để kéo gỗ ra khỏi rừng nay được mở rộng gần 5m, dài khoảng 3km, xe cơ giới có thể di chuyển vào tận vùng lõi rừng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, dù khu vực này là rừng tự nhiên đã được quy hoạch rừng sản xuất, theo quy định, các tổ chức, cá nhân không được phép đưa phương tiện, máy móc vào rừng. Vậy nhưng tại đây, từ đầu năm 2019 đến nay, một số người dân sống “ký sinh” trong rừng tự nhiên này đã mở đường vào rừng mà theo lý giải của họ cũng như của đơn vị chức năng thì để phục vụ cho việc “phát triển trang trại”?
Từ những dấu vết để lại trên đường, chúng tôi nhận thấy “lâm tặc” tại đây đã dùng xe máy để kéo gỗ ra khỏi rừng thay cho việc dùng trâu kéo như trước đó. Qua quan sát, xung quanh 4 lán trại tại đây có chăn thả hơn 30 con trâu, trong đó nhiều con có vết thương trên cổ chứng tỏ nó thường xuyên được dùng để kéo gỗ. Từ những đường mòn trâu kéo gỗ chi chít như “xương cá” hằn sâu trên nền đất hướng về những cánh rừng nguyên sinh, chúng tôi tiến vào nơi “lâm tặc” tập kết gỗ. Như chuyến thâm nhập trước, lần này chúng tôi cũng bắt gặp nhiều thanh niên cầm máy cưa ở trong các lán trại này, có thể đây chính là nơi nương náu của “lâm tặc” để thuận tiện cho việc phá rừng?
Gỗ khai thác trái phép được tập kết ra ven rừng ở thôn Pà Căng. |
Quyết định đi theo vết mòn mới nhất hằn sâu nửa mét đất, chúng tôi tiến sâu vào vùng lõi rừng. Dọc đường đi, hàng chục cây gỗ to đường kính từ 1-1,5m bị “lâm tặc” đốn hạ cách đây vài tháng, gỗ sau khi được cưa xẻ tại chỗ đã vận chuyển ra khỏi rừng. Hiện trường chỉ còn trơ gốc, những đoạn gỗ hư và bìa gỗ nằm ngổn ngang khắp rừng. Sau 1 giờ lần theo dấu vết trâu kéo gỗ, chúng tôi gặp 4 cây gỗ lớn đường kính từ 1-1,3m mới bị đốn hạ, nhiều phách gỗ chưa kịp vận chuyển còn nằm lại ở đây. Di chuyển thêm 30 phút, chúng tôi sững sờ chứng kiến 3 cây cổ thụ mới bị đốn hạ nằm cạnh con suối nhỏ, “máu” cây vẫn đang rỉ ra. Tại hiện trường còn hơn 10 phách gỗ chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng, bìa gỗ nằm ngổn ngang giữa khu rừng già.
Ngồi nghỉ chân tại một con suối nhỏ, chúng tôi nghe tiếng máy cưa gầm rú ở 2 điểm khác nhau trên cùng một ngọn núi cao. Tại đây, chúng tôi gặp vợ chồng ông Bríu H. (53 tuổi, trú xã Cà Dy) đi cắt cây mây về. Trò chuyện với chúng tôi, ông H. tâm sự: “Tôi vừa bứt mây chỗ “lâm tặc” đang đốn hạ cây rừng. Hiện có 5 người đang cưa xẻ 3 cây gỗ lớn trên đó, còn gỗ đã đốn hạ thì nhiều không đếm xuể. Khu rừng tự nhiên này đã bị “xẻ thịt” từ 10 năm nay. Khi gỗ ở ngoài đã hết, “lâm tặc” tiến dần vào vùng lõi rừng nơi giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Nhóm “lâm tặc” này là người dân ở thôn Pà Căng và thôn Ngói. Họ xẻ phách theo yêu cầu của khách hàng hoặc bán cho các xưởng cưa trên địa bàn huyện. Từ khi con đường đất vào khu rừng được mở rộng, gỗ được “lâm tặc” tập kết dưới chân núi rồi dùng xe máy kéo ra đường chính. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì thời gian ngắn “lâm tặc” sẽ phá đến Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh”.
Theo chỉ dẫn của ông H., chúng tôi quyết định di chuyển lên vị trí “lâm tặc” đang “xẻ thịt” những cây cổ thụ. Trên đường đi, chúng tôi gặp 2 người đàn ông mang lưỡi cưa lên rừng. Tuy nhiên, chừng 10 phút sau, chúng tôi không còn nghe tiếng máy cưa của “lâm tặc”, khu rừng trở nên yên tĩnh đến lạ lùng.
Một cây cổ thụ bị “lâm tặc” đốn hạ trong rừng Pà Căng. |
Di chuyển theo vết mòn trâu kéo gỗ lên khu rừng được 300m, chúng tôi bắt gặp hàng chục cây gỗ cổ thụ đã bị đốn hạ đã lâu. Gỗ phách đã bị lấy đi, nhiều đoạn gỗ hư bị bỏ lại nằm la liệt khắp khu rừng. Mất dấu vết, chúng tôi di chuyển theo con đường nhỏ mới dọn dẹp, theo dấu vết đó phát hiện có 10 cây gỗ cổ thụ 3 người ôm không xuể bị “lâm tặc” phát rong chuẩn bị đốn hạ. Từ những dấu vết để lại trong rừng cho thấy còn rất nhiều điểm khác đang bị “lâm tặc” tàn phá.
Đem câu chuyện phá rừng tại xã Cà Dy làm việc với ông Đinh Anh Tuấn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Nam Giang, qua những hình ảnh từ hiện trường mà chúng tôi cung cấp, ông Tuấn cho hay hai khu vực rừng tự nhiên bị phá trên thuộc chức năng rừng sản xuất và được giao cho xã Cà Dy quản lý.
“Các khu vực rừng trên được quy hoạch là rừng sản xuất và đã giao cho UBND xã Cà Dy quản lý, thực hiện giao khoán cho các hộ gia đình. Rừng tự nhiên, chức năng rừng sản xuất nhưng không được phép khai thác, cũng không được phép lấy gỗ làm nhà. Tuy nhiên một số người lợi dụng để khai thác lấy gỗ làm nhà và dùng trâu kéo ra ngoài bán cho các đối tượng. Từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã bắt được 10m3 gỗ khai thác trái phép. Tuy nhiên, lực lượng Hạt Kiểm lâm Nam Giang còn mỏng, chỉ có 10 kiểm lâm địa bàn quản lý 40.000ha rừng ở TT Thạnh Mỹ và xã Cà Dy nên không thể đi kiểm tra thường xuyên được”, ông Tuấn thông tin.
Đối với con đường mới mở chạy vào thẳng khu rừng già ở thôn Pà Căng, ông Tuấn cho rằng một số hộ dân tại đây đã cải tạo trồng rừng nên làm đường để vận chuyển nông sản, kéo trâu bò. “Trong khu vực này có tổ bảo vệ rừng và lực lượng kiểm lâm của Hạt thường xuyên đi kiểm tra, truy quét. Nhưng do lực lượng kiểm lâm mỏng nên vẫn có hiện tượng rừng bị người dân phá, chủ yếu người dân lấy gỗ về làm nhà chứ không có lâm tặc quy mô”, ông Tuấn nói.
LÊ VƯƠNG - BÃO BÌNH