Tham vọng đi cùng hy vọng

Thứ ba, 17/05/2016 08:00

(Cadn.com.vn) - Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ tiếp tục chia rẽ xã hội sâu sắc và đi đến mối quan hệ đặc biệt xấu xí với phương Tây khi Tổng thống Erdogan, bất chấp chỉ trích gay gắt, vẫn đang nỗ lực thúc đẩy cán cân quyền lực về tay mình.

 Kể từ khi được bầu làm tổng thống vào năm 2014, ông Erdogan tìm mọi cách để gia tăng quyền lực cho chiếc ghế lãnh đạo cao nhất này. Ông đưa ra đề xuất thay đổi hệ thống nghị viện hiện nay - động thái đã khiến mối quan hệ giữa ông với Thủ tướng Davutoglu bị rạn nứt và dẫn đến quyết định từ chức của ông Davutoglu. Và rõ ràng, sự ra đi của ông Davutoglu đã mở đường cho tham vọng thay đổi hiến pháp và củng cố vị thế tổng thống của ông Erdogan. 

Sau tuyên bố của ông Davutoglu, trong đó, tiết lộ việc từ chức "không phải là lựa chọn của riêng mình", Tổng thống Erdogan vấp phải cáo buộc dàn dựng cuộc đảo chính chống lại chính phủ. Người ta đặt nghi vấn khi ông Davutoglu cũng đã tuyên bố sẽ không ra tranh cử Chủ tịch AKP. Một ứng viên không mấy tên tuổi, người được cho sẽ trở thành "con rối" của Tổng thống Erdogan dự kiến sẽ được bầu làm chủ tịch tại Đại hội AKP. Và Tổng thống Erdogan sau đó sẽ yêu cầu tân chủ tịch thành lập chính phủ mới, tất nhiên có thể là toàn nhân vật theo ý của ông.

Hiến pháp hiện nay yêu cầu phải có một tổng thống trung lập và cắt đứt mọi quan hệ với đảng cầm quyền. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan vẫn can thiệp vào công việc nội bộ của AKP, cho rằng cần phải sửa đổi hiến pháp để phù hợp với tình hình thực tế. Là tổng thống đầu tiên được dân bầu cử, ông Erdogan lập luận cơ cấu điều hành kép hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ - cả Thủ tướng và Tổng thống - không còn bền vững.

Quan điểm kiên quyết của ông Erdogan về một nhiệm kỳ tổng thống mạnh mẽ hơn thật sự đang làm gia tăng căng thẳng và phân cực trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, hiện vốn đã chia rẽ và hỗn loạn chưa từng có. Nhiều người lo ngại về nguy cơ đổ máu nếu ông Erdogan cứ khăng khăng củng cố quyền lực dành cho tổng thống. Trên thực tế, những nỗ lực soạn thảo một hiến pháp hoàn toàn mới và chuyển sang một hệ thống tổng thống được liên kết chặt chẽ với "Dự án Thổ Nhĩ Kỳ mới" - chương trình Hồi giáo được AKP khuyến khích.

Mọi việc sẽ được định đoạt tại đại hội bất thường của đảng Công lý và Phát triển Đảng (AKP) cầm quyền, dự kiến được tổ chức vào ngày 22-5 tới. Cơ hội cho Tổng thống Erdogan là khá lớn, nhất là sau sự ra đi của Thủ tướng Davutoglu. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về tầm nhìn của một hệ thống chính quyền tổng thống như ông Erdogan đưa ra. Trong nội bộ chính quyền và trong lòng dân chúng đã bùng nổ những tranh cãi và phản đối gay gắt về tham vọng này của Tổng thống Erdogan vì cho rằng, đề xuất sửa đổi hiến pháp "là công cụ sẽ biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một chế độ độc tài toàn diện".

Thanh Văn