Tham vọng vũ trụ đặc biệt của Trung Quốc

Thứ sáu, 12/08/2016 11:18

(Cadn.com.vn) - Không giống như sự cạnh tranh trong lĩnh vực vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, vốn tập trung vào việc tìm kiếm uy tín và vị thế cũng như cạnh tranh địa chính trị, tham vọng vũ trụ của Trung Quốc thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc khám phá vũ trụ nhằm khai thác nguồn tài nguyên có sẵn để duy trì tăng trưởng kinh tế. Các hoạt động vũ trụ của Bắc Kinh đang tập trung vào ba lĩnh vực đặc biệt: Năng lượng mặt trời từ vũ trụ (SBSP), khai thác Mặt trăng và các tiểu hành tinh, và lập các trạm vũ trụ riêng.

Chương trình SBSP

Đây là tham vọng khai thác năng lượng mặt trời từ vũ trụ, có thể tái tạo, và không mất đi.

Tham vọng SBSP được thể hiện trong báo cáo của Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST). Theo đó, năm 2020, Bắc Kinh sẽ hoàn thành việc thử nghiệm và xây dựng trong quỹ đạo. Năm 2025, sẽ thu được 100kW đầu tiên từ quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO); và vào năm 2050, hệ thống sẽ đi vào hoạt động ở quỹ đạo địa tĩnh của Trái đất (GEO).

Chương trình này sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, cả về Sức mua tương đương (PPP) và thị trường Tỷ giá (MER), do đó nhu cầu năng lượng là rất cần để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tên lửa đẩy thế hệ mới Trường Chinh 7 được phóng từ trung tâm vũ trụ ở Văn Xương, tỉnh Hải Nam hôm 25-6. Ảnh: Diplomat

Khai thác Mặt trăng và các tiểu hành tinh

Tham vọng tiếp theo của Trung Quốc là khai thác titan, helium-3, và nước từ phía bên kia Mặt trăng. Tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 1, được phóng vào năm 2007, với nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho việc thăm dò Mặt trăng, phân tích sự phân bố các nguồn tài nguyên cũng như thu được hình ảnh ba chiều của Mặt trăng. Hằng Nga 2, phóng năm 2010, hiện đã đạt đến quỹ đạo cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km. Hằng Nga 3, phóng năm 2013, lần đầu tiên mang theo robot khám phá Mặt trăng. Năm 2017, Trung Quốc lên kế hoạch phóng Hằng Nga 5, với nhiệm vụ mang được 2 kg đất đá từ Mặt trăng trở lại Trái đất để nghiên cứu.

Các tiểu hành tinh giàu tài nguyên là bước tiến lớn tiếp theo. Ví dụ, tiểu hành tinh Ryugu, được hình thành từ niken, sắt, coban, có giá trị ước tính 95 tỷ USD. Và hàng triệu hành tinh trong không gian khác đang chờ đợi để được khai thác. Hiện, các nhà khoa học của Đại học Thanh Hoa đã công bố cách di chuyển một tiểu hành tinh vào quỹ đạo Trái đất để khai thác nó.

Xây trạm vũ trụ riêng

Do bị cấm tham gia Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào phát triển các trạm vũ trụ riêng. Thiên Cung 1 được đưa vào vũ trụ năm 2011. Thiên Cung  2 sẽ ra mắt vào tháng 9 tới, và Thiên Cung 3 sẽ thực hiện nhiệm vụ kể từ năm 2020. Các trạm vũ trụ này sẽ hỗ trợ 3 phi hành gia làm việc trên quỹ đạo. Với việc ISS dự kiến sẽ nghỉ hưu vào năm 2025, các trạm Thiên Cung  này sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất của Trái đất.

Nhìn chung, tham vọng vũ trụ của Trung Quốc khác xa Mỹ và Nga. Chương trình vũ trụ của Bắc Kinh không tập trung vào sự cạnh tranh địa chính trị mà tập trung vào các hoạt động dài hạn để tạo ra nguồn lực và thiết lập một sự hiện diện vĩnh viễn trong vũ trụ.

An Bình
(Theo Diplomat)