Thân thiết Trường Giang

Thứ hai, 15/02/2016 08:40

(Cadn.com.vn) - Tôi vừa đọc lại bộ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của Mikhail Aleksandrovich Sholokhov qua bản dịch của cố dịch giả Nguyễn Thụy Ứng và có lẽ vì thế mà tôi cảm thấy có chút gì đó vui vui khi đọc Dòng sông không yên tĩnh của nhà văn Đỗ Xuân Đồng (Nxb Đà Nẵng, 2015). Giống như nhà văn vĩ đại người Nga,  Đỗ Xuân Đồng cũng lấy bối cảnh cho tập tiểu thuyết của mình là dòng sông, mà cụ thể ở đây là dòng sông Trường Giang quê anh, một dòng sông... "ương ngạnh" của vùng đất Quảng Nam, không chịu chảy theo chiều Tây - Đông, từ Trường Sơn đổ xuôi về biển như Thu Bồn, Vu Gia, mà lại chảy dọc bờ biển, theo chiều Nam - Bắc, nối với cửa An Hòa (Núi Thành) ở phía Nam và cửa Đại (Hội An) ở phía Bắc; không có thượng nguồn, cũng không có hạ lưu...

Nhà văn Đỗ Xuân Đồng.

  Xoay quanh nhân vật chính là Trường Giang, cùng các nhân vật khác như: Hai Lãm, Mỹ Hằng, Tony Vũ, Helene Trần..., Đỗ Xuân Đồng đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện bắt đầu từ một làng quê ở ven sông Trường Giang, mà ở đó hầu hết nhân vật của anh, lúc đang là thời chiến hay trong thời bình, lúc ở quê cũng như lúc sống xa quê, vẫn cứ "mang vác" tâm hồn của con sông quê thân thiết vào trong cách sống, cách nghĩ của mình, với nhiều khúc biến tấu: êm đềm, thách thức, buồn vui, hạnh phúc, cay đắng, ngọt ngào...

 "Chỉ có dòng Trường Giang trước nhà vẫn còn dáng dấp như xưa. Nước vẫn trong xanh, lăn tăn sóng dợn, êm đềm như mặt nước trong hồ. Con nước, vẫn dùng dằng về hai phía cửa Bắc và Nam...

Người dân ở đây nói rằng, các con đò dọc, các ghe thuyền đi qua khúc sông này thường bị quay tròn như mất lái. Họ phải chèo thật mạnh mới đi qua được. Không ai biết, đây là sức hút của dòng sông như níu giữ hay sức hút của lòng người sinh sống ở hai bên bờ sông này?".

Cũng chính vì sức hút kỳ lạ đó của con sông Trường Giang mà cuối cùng nhân vật chính của chúng ta đã về lại quê nhà, giũ đi bao lớp bụi bặm trên đường đời để lắng nghe cái lăn tăn, ắng lặng, êm đềm, thân thiết của con sông quê, mà "ngộ" ra cái cốt tính của con sông quê hương: "Chỉ khi nào có mái chèo khuấy động, con nước mới bùng sôi dậy sóng". Còn bình nhật, Trường Giang là một dòng trôi êm ái, thanh bình...

Đỗ Xuân Đồng có nhiều thế mạnh "hơn người", như anh từng hoạt động du kích lúc còn tuổi thiếu nhi, nhiều năm là cán bộ trong ngành ngân hàng, được đi học tập ở nước ngoài, và anh đã sử dụng các thế mạnh đó vào trong truyện của mình, vì vậy, có những đoạn phải "đụng" đến chuyên môn sâu, như nghiệp vụ ngân hàng, anh vẫn viết tự nhiên, mạch lạc, dễ hiểu...

Khi tặng tôi cuốn Dòng sông không yên tĩnh, Đỗ Xuân Đồng bảo rằng, sau tập tiểu thuyết này, anh sẽ tìm tòi, đổi mới phong cách viết. Tôi nói, anh nghĩ như thế là đúng, bởi cái đáng sợ nhất của người cầm bút là sự lặp lại chính mình.

Hồi còn học trung học, tôi có đọc một bài báo viết rằng tác giả của cuốn Chuyện tình (Love Story) Erich Segal nổi tiếng vào thập niên 1970, là Giáo sư trường Đại học Havard (Hoa Kỳ), đã phải vò nát mấy mươi trang giấy chỉ vì một câu mở đầu cho cuốn tiểu thuyết của ông. Tôi thích lắm, mặc dù lúc đó còn bé, tôi chưa ý thức được sự nhọc nhằn của lao động nghệ thuật. Gần đây, tôi có đọc một số truyện vừa và truyện ngắn của bà Alice Munro, một nhà văn nữ Canada, đoạt giải Nobel văn học năm 2013; tôi thấy gần như chuyện nào của bà cũng lấy bối cảnh từ vùng quê Huron County yêu dấu của bà, nhưng nhờ biết dụng công trong cách viết nên truyện nào cũng có cái riêng, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Và với tất cả tình thân mến, tôi mong rằng Đỗ Xuân Đồng sẽ làm như anh đã nghĩ để làm mới những trang viết của chính mình...

Bùi Xuân