Thận trọng khi sửa Luật Đầu tư công

Thứ ba, 03/10/2017 07:32

Tại Phiên giải trình về tình hình triển khai Luật đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chiều 2-10, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Sửa Luật nhưng phải thận trọng, không phải thấy khó, thấy vướng là sửa ngay, như vậy sẽ phá vỡ hệ thống pháp luật. Tuổi thọ của Luật tối thiểu phải 5 năm. Phiên giải trình do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức.

Phân tích những tác động tích cực khi triển khai Luật Đầu tư công, song, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là luật ban hành lần đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư công, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, quá trình thực hiện khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc quy định thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau dễ tạo ra tâm lý các chủ đầu tư không tập trung triển khai thực hiện kế hoạch ngay trong năm, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư. Quy định phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hàng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài chưa phù hợp với Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Bên cạnh đó, thực tế triển khai đã phát sinh một số điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với Luật Bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư được phê duyệt là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công, hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ yêu cầu báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường. Sự quy định khác nhau trên đã gây khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, dự án quan trọng quốc gia.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng, trong đó bố trí 80.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Trong số 80 nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, có 10 nghìn tỷ đồng dành cho các dự án chống ngập TPHCM.

C.T.V