HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2017):

Tháng Bảy tri ân

Thứ sáu, 14/07/2017 10:55

(Cadn.com.vn) - Trong tâm khảm của mỗi người dân thì nỗi đau thương và oanh liệt một thời đâu dễ lãng quên. Những ngày máu lửa ấy, nhiều vùng nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) bị bom tấn, pháo bầy và bao mưu toan đen tối nhất mà kẻ địch đã không ngần ngại gieo xuống. Những con số lạnh lùng: 6.637 liệt sĩ, 1.360 Bà mẹ VNAH, 2.720 thương bệnh binh của toàn huyện đã đủ cho thấy cái giá của một ngày bình yên hôm nay là không gì sánh nổi.

Cảm nhận sức sống hiện tại, khó ai nghĩ "ốc đảo" Trường Định (xã Hòa Liên) nằm ven sông Cu Đê cũng đã trải qua bao giai đoạn bị tàn phá, hết chống Pháp đến chống Mỹ. Làng quê luôn chìm trong khói lửa chiến tranh, những tưởng người dân trong thôn sẽ bỏ làng, bỏ xứ ra đi. Nhưng không, họ vẫn một lòng chung thủy với quê hương, trụ bám để làm những cơ sở cách mạng kiên trung và không ít người đã ngã xuống trên mảnh đất đã sinh ra mình. Thời ấy, dân làng chỉ vài chục hộ luôn bị địch đóng quân ở đèo Hải Vân, bến đò Trường Định sách nhiễu, vì vậy họ phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm, quản thúc. Sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy ngụy quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà chỉ gieo rắc thêm nỗi căm hờn. Trường Định luôn là địa bàn trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt, một phần đây là cửa ngõ từ miền xuôi lên với địa thế hiểm trở nên có nhiều cơ quan, đơn vị độc lập ở cánh Bắc Hòa Vang chọn làm nơi trú quân, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng quê hương...

Trong chiến tranh chống Mỹ, những người thân của mẹ VNAH Phạm Thị Gà cứ nối tiếp nhau ra đi. Hòa bình lập lại, chồng mẹ là ông Nguyễn Cho và 2 con là các anh Nguyễn Văn Kỳ, Nguyễn Văn Huynh vẫn biền biệt không về. Còn mẹ VNAH Lê Thị Láo chỉ năm 1972 cùng lúc phải nhận tin 2 con là chị Lê Thị Rân, anh Lê Nghỉ hy sinh, còn chồng mẹ là ông Lê Lài bị địch bắn chết năm 1960... Mẹ Láo kể, lúc đó đàn ông thanh niên đều "nhảy núi" theo cách mạng, trong làng chỉ còn toàn đàn bà, con nít. Ban ngày đi đấu tranh, dò la lịch tuần của Mỹ-ngụy, đêm về chong đèn làm tín hiệu cho cách mạng vượt sông về làng nhận tiếp tế, họp với du kích, cơ sở nội thành. Với mẹ Láo, không chỉ riêng mình mẹ mà còn hàng chục bà mẹ khác trong thôn đều có hoàn cảnh tương tự, là sẵn sàng hiến dâng những người thân yêu nhất mà không một lời than vãn... Đất nước thống nhất, những chiến công và cả những hy sinh mất mát, Trường Định được Đảng và Nhà nước vinh danh 28 Bà mẹ VNAH, 118 liệt sĩ, hầu hết hộ dân trong thôn là gia đình có công cách mạng.

Người dân Trường Định tri ân tại Bia tưởng niệm các mẹ VNAH và liệt sĩ trong thôn.

Còn ở thôn La Châu (xã Hòa Khương) trong những năm chống Mỹ, người dân không chịu tập trung vào khu dồn, kiên quyết sống rải rác ven sông làm cơ sở cho cách mạng về nắm tình hình, bám địch. Ngày ấy, đêm đêm ven bờ sông Yên luôn vang tiếng cuốc, xẻng của người dân đào hầm bí mật và giao thông hào dọc các lũy tre để khi có "động tĩnh", các cơ sở cách mạng rút lui an toàn qua bờ sông bên kia. Chính vì vậy mà bao lần bọn giặc đánh úp vào căn cứ cách mạng đều thất bại. Hình ảnh người phụ nữ thôn La Châu bồng con nhỏ hiên ngang chặn đường xe tăng Mỹ đã trở thành biểu tượng lan truyền cả nước. Trong đó, tiêu biểu là trận đánh đêm cuối tháng 10-1965, dân quân địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt gần 1 đại đội lính Mỹ cùng xe bọc thép chốt giữ cứ điểm Gò Hà, mở đầu cho chiến dịch "Tìm Mỹ mà diệt" của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Theo mẹ VNAH Lê Thị Qua, thế hệ của mẹ lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử ấy. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông đều thoát ly tham gia cách mạng. Tạm biệt quê hương, ngoài hành trang người lính, chồng mẹ là ông Trà Văn Huynh và 2 con là chị Trà Thị Huynh, anh Trà Văn Đệ còn mang theo hình ảnh của dòng sông tuổi thơ cùng những lũy tre đan dày vào trận đánh trước lúc ngã xuống. Thời đó gian khổ lắm, phải ăn rau rừng thay cơm, nhưng ai cũng hừng hực quyết tâm "Đánh thắng giặc Mỹ mới về quê hương"... Quả thật, mỗi câu chuyện, mỗi con người ở thôn La Châu trong suốt dặm dài lịch sử đã kết tinh những nghĩa tình sắt son, góp phần tạo nên cội nguồn sức mạnh trong công cuộc giải phóng quê hương. Thôn La Châu được Đảng và Nhà nước ghi công 26 Bà mẹ VNAH, 163 liệt sĩ, gần 200 gia đình có công cách mạng.

Mẹ VNAH Lê Thị Qua (thôn La Châu) với di ảnh người thân.

Đến vùng nông thôn Hòa Vang trong những ngày này, sẽ được nghe hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện kể tương tự. Mạch nguồn yêu thương cứ chảy chung dòng, một mâm cúng có hàng trăm đôi đũa cho những liệt sĩ có tên và chưa biết tên, mỗi một nén nhang cũng tỏa khói hương vô tận. 70 năm qua, tháng Bảy mãi là tháng người dân cả nước tri ân cho những người đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc.

VY HẬU