Tháng bảy tri ân

Thứ năm, 26/07/2018 18:00

Những ngày cuối tháng 7 lịch sử này, chúng tôi tham gia cùng đoàn Báo chí thành phố Đà Nẵng thực hiện chuyến hành hương về nguồn "Tri ân liệt sĩ", thăm viếng các địa danh, di tích lịch sử trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum. Hành trình chúng tôi đến đầu tiên là Khu di tích lịch sử An ninh khu 5 tại Nước Oa (H. Bắc Trà My, Quảng Nam)-nơi khắc ghi bao dấu ấn hào hùng của một thời chiến đấu kiên cường, anh dũng của CBCS an ninh khu 5. Thắp nén nhang thơm, đoàn chúng tôi đã bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ đến các Bà mẹ VNAH, các CBCS lực lượng An ninh vũ trang đã cùng đồng bào khu V đã anh dũng hy sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương, tô thắm những trang sử vàng, lá cờ truyền thống của lực lượng CAND Việt Nam. Đây thật sự là nơi ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.  Thăm khu nhà ở và nhà làm việc của đồng chí Chu Huy Mân, Bí thư Quân khu ủy Khu 5 mới thấy hết chặng đường dài đầy cam go, thử thách mà người lãnh đạo, chỉ huy cả quân sự và chính trị trên một chiến trường nóng bỏng, ác liệt khu 5 đã từng sống và lãnh đạo cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Luôn biết dựa vào sức mạnh tinh thần yêu nước, đoàn kết của toàn dân, để xây dựng thế trận toàn dân đánh giặc, lấy LLVT làm nòng cốt, tài thao lược của đồng chí Chu Huy Mân ở Mặt trận Khu 5  đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội, nổi bật là Chiến thắng Núi Thành- Trận đầu đánh Mỹ trong khi chỉ sử dụng bộ đội địa phương.

Thăm Khu di tích lịch sử An ninh khu 5 và Di tích căn cứ Nước Oa (Quảng Nam).

Rời Quảng Nam, đoàn chúng tôi đến thăm di tích lịch sử  ngục Kon Tum. Nằm ở hạ lưu sông Đăk Bla, ngục Kon Tum là nhà tù do người Pháp xây dựng để giam giữ các tù chính trị, các nhà yêu nước, chí sỹ cách mạng trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh giai đoạn 1930-1931. Nơi đây hiện còn 8 bia tưởng niệm và 2 ngôi mộ chung của các liệt sĩ.  Các di tích nhà tù hiện nay không còn, nền đất nhà tù trước đây hiện được xây dựng làm Nhà tưởng niệm, Nhà Truyền thống, Cụm tượng đài "Bất khuất" và Hai ngôi mộ tập thể nhưng theo số liệu ghi lại thì nơi đây đã từng giam giữ khoảng 500 tù chính trị của nước ta và gần một nửa trong số họ đã nằm lại mảnh đất này mãi mãi. Nhà tù Kon Tum được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988.  Đến tham quan di tích lịch sử này, chúng tôi vừa có được thêm kiến thức lịch sử, vừa được hiểu hơn về những năm tháng gian khó của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, thêm tự hào về sức mạnh, tinh thần của con người Việt Nam.

Chặng tiếp theo trong hành trình của chúng tôi là nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, nơi yên nghỉ của 1.000 liệt sĩ. Trên nhiều bia mộ đã được ghi họ tên, quê quán, ngày và nơi hy sinh của liệt sĩ nhưng cũng có hàng trăm bia mộ với dòng chữ "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin" khiến những ai đã một lần đến nơi này đều cảm thấy nhói lòng. Đọc ở bảng ghi tên các liệt sĩ, phần lớn các liệt sĩ đều quê ở các tỉnh phía bắc, hy sinh chủ yếu trong giai đoạn 1972-1974 khi mới 20 - 22 tuổi. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm mà vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được gia đình, người thân chưa đến được với các anh, là người làm báo, chúng tôi cũng cảm thấy mình có lỗi. Thật tình cờ, tại đây chúng tôi gặp được các đoàn viên của Huyện Đoàn Đăk Tô. Mặc dù trời mưa nặng hạt nhưng nét mặt ai cũng tươi ngời khi vừa hoàn thành việc cắt cỏ, dọn lá cây, sửa sang lại bia mộ ở nghĩa trang liệt sĩ và làm đẹp Khu di tích lịch sử Đăk Tô. Anh Vũ Mạnh Hùng, Ban Phong trào Huyện Đoàn Đăk Tô cho biết, dịp này,  huyện Đoàn đã huy động hàng chục đoàn viên thanh niên các đơn vị của huyện tham gia tu bổ, chăm sóc các địa chỉ đỏ ở huyện, còn các nghĩa trang các xã giao cho các chi đoàn cơ sở.

Thắp hương mộ liệt sĩ Nghĩa trang Đăk Tô.

Thăm Cụm di tích chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, một căn cứ  được Mỹ-ngụy bố phòng, củng cố, xây dựng vững chắc như một pháo đài bất khả xâm phạm với tuyên bố ngạo mạn "Bao giờ nước sông Pô Kô chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Đăk Tô - Tân Cảnh". Thế nhưng với khí thế, quyết tâm: "Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương", lực lượng ta hợp đồng tác chiến gồm nhiều quân binh chủng đã anh dũng chiến đấu vô cùng ác liệt và dũng cảm kiên cường. Theo sử sách ghi lại thì chỉ trong vòng 10 giờ đồng hồ, căn cứ E 42 đã bị bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn. Sau hơn 10 năm án ngữ cửa ngõ phía bắc Tây Nguyên, Trung đoàn 42 thuộc Sư 22 của ngụy  đã bị quét sạch khỏi Đăk Tô - Tân Cảnh. Thắng lợi này đánh một đòn chí tử vào bọn địch ở Tây Nguyên và đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường Tây Nguyên và cục diện tình hình giữa ta và địch, buộc Mỹ -  ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Paris.

Nơi đây bên cạnh Tượng đài chiến thắng còn lưu giữ 2 hiện vật chứng tích lịch sử có giá trị lớn, đó là xe pháo tự hành 472 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp. Trong chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 24-4-1972, xe pháo tự hành 472 đã phối hợp cùng với tiểu đoàn tăng 297 cũng với bộ binh tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm E42 của địch, làm nên chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Cũng trong ngày này, kíp xe tăng 377 thuộc đại đội 7, tiểu đoàn 297 (nay thuộc Lữ đoàn 273) do thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - Trung đội trưởng chỉ huy đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt 7 xe tăng M41 của địch. Ngày 9-1-2009, kíp xe tăng 377 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đăk Tô bây giờ đang trên đà phát triển, xứng danh là cửa ngõ phía bắc Tây Nguyên và vùng ngã ba biên giới đang vươn lên mạnh mẽ, giàu đẹp và phát triển...

Chuyến đi nhiều ý nghĩa đã để lại trong mỗi chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về  quá khứ hào hùng, tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, càng thấy rõ hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay, nhất là những người làm báo cần phải làm gì để những chiến thắng hào hùng trong khứ sẽ giúp người trẻ thêm yêu và tự hào về đất nước mình, có thêm  động lực và quyết tâm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

K.T