Thắng lợi và thách thức

Thứ bảy, 20/12/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Người ta vẫn đang ca ngợi thắng lợi mới quan trọng trong quan hệ Mỹ - Cuba khi cả hai tiến tới bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm, nhưng con đường này xem ra vẫn còn nhiều gian nan.

THẮNG LỢI LỊCH SỬ...

Chủ tịch Cuba Raul Castro lên nắm quyền vào năm 2008, thay thế người anh trai Fidel Castro.

Kể từ đó, ông tiến hành loạt cải tổ chưa từng có: mở cửa một phần sang kinh tế thị trường, cho phép người dân được tự do ra nước ngoài mà không cần giấy phép. Bước ngoặt lớn nhất là khi ông Raul bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đối thoại trên cương vị bình đẳng với Mỹ đồng thời mở kênh ngoại giao với Tòa thánh Vatican, quốc gia vốn có tiếng nói quan trọng đối với các quốc gia. Với những tín hiệu xanh từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, những quyết định của ông Raul đã thật sự thăng hoa, mang lại kết quả lịch sử. Trên thực tế, kể từ đầu năm 2013, cả hai nước có các cuộc thảo luận bí mật nhằm tiến đến bình thường hóa quan hệ.

AFP dẫn lời giới phân tích cho biết, chính ông Raul chấp nhận những nhân nhượng cần thiết để hai quốc gia thù địch này có thể xích lại gần nhau như hiện nay. Theo đó, ngoài thỏa thuận trao trả tù nhân, Mỹ và Cuba còn có nhiều thỏa thuận bí mật khác chưa được công bố. Có thể nói, ông Raul đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tiến đến gần nhau này của Washington và La Havana.

Thành công này đang mở ra cơ hội tiếp theo cho Cuba và bản thân ông Raul khi Nhà Trắng tuyên bố để ngỏ khả năng Chủ tịch Cuba thăm Mỹ. “Tôi không loại trừ chuyến thăm của Chủ tịch Raul”, AFP dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố. Tuy nhiên, ông Earnest cho biết thêm, ông Raul chưa cần thiết tỏ rõ mong muốn được thăm Mỹ sớm.

Với sự tiến triển nhanh chóng trong quan hệ song phương, nhà ngoại giao Mỹ cấp cao, Trợ lý Ngoại trưởng Roberta Jacobson, tiết lộ, bà sẽ đến La Havana vào cuối tháng 1-2015 để tham dự các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên nhằm bắt đầu quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao.

Người dân Cuba ăn mừng bước ngoặt lịch sử trong quan hệ với Mỹ. Ảnh: AFP

... KHÔNG THỂ  HOÀN TẤT “MỘT SỚM MỘT CHIỀU”

Tuy nhiên, rõ ràng, tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương không thể hoàn thành “một sớm một chiều”. Ông Obama chỉ còn 2 năm ở Nhà Trắng và đó là khoảng thời gian không quá nhiều trong khi ông còn phải chiến đấu với Quốc hội về vấn đề Cuba.

Dù có nhiều hy vọng cho việc chôn vùi “di tích cuối cùng” của Chiến tranh Lạnh, nhưng các nghị sĩ Mỹ đang dùng tay bóp chết triển vọng này cũng như khả năng nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba – vấn đề trung tâm trong tranh chấp hai nước.

Bản thân Tổng thống Obama tuyên bố sẽ hối thúc Quốc hội Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba, vốn áp đặt vào năm 1960, trong khi sử dụng quyền tổng thống để thúc đẩy liên kết ngoại giao, đi lại và giảm bớt những hạn chế về tài chính. Nhưng với việc đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát hoàn toàn Quốc hội vào tháng 1-2015 và vẫn đang tức giận về quyết định ký dự luật nhập cư đơn phương của ông chủ Nhà Trắng, khả năng bãi bỏ nhanh chóng các lệnh cấm vận là khó xảy ra.

“Quốc hội sẽ không dỡ bỏ cấm vận”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, một người Mỹ gốc Cuba và được xem là ứng cử viên tổng thống năm 2016, khẳng định. Trên thực tế, hàng loạt biện pháp trong đó có việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Cuba, sẽ không có hiệu lực cho đến khi các giới chức có liên quan, chẳng hạn như Bộ Tài chính Mỹ công bố các quy tắc thực thi.

Các nước hy vọng Mỹ sẽ bỏ cấm vận Cuba càng nhanh càng tốt. Nhưng... nền tảng chính sách khắc nghiệt của Mỹ vẫn còn đó, ít nhất là trong tương lai gần. Nhiều người lo ngại, cuộc bao vây cấm vận sẽ vẫn còn kéo dài.

Khả Anh