Tháng sáu trời mưa...
Nguyên Sa là một trong những thi sĩ có thơ được Ngô Thụy Miên phổ nhạc rất nhiều. Có thể nói, hầu như bài thơ nào của Nguyên Sa được Ngô Thụy Miên chọn đều hay. Một "Paris có gì lạ không em" đầy quyến rũ, những tà "Áo lụa Hà Đông" làm dịu mát đường phố Sài Gòn, một thuở yêu nàng "Tuổi mười ba" say đắm,... Những ca khúc ngày ấy, thơ và nhạc như quyện vào nhau, được người ta hát, nghe trong suốt nửa thế kỷ qua.
Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm lúc sáng tác ca khúc "Tháng sáu trời mưa". |
Tuy nhiên, có một bài thơ của Nguyên Sa được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc rất nổi tiếng với giai điệu đẹp và buồn khiến công chúng rất ưa thích. Đó là "Tháng sáu trời mưa", một ca khúc được nhiều thế hệ ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn mãi đến bây giờ. Với hơn 60 nhạc phẩm được sáng tác trong 3 thập niên (1980-2009), Hoàng Thanh Tâm đã có một chỗ đứng vững chắc trong bầu trời âm nhạc Việt Nam, được khán thính giả biết đến như "Tháng sáu trời mưa", "Lời tình buồn", "Trả lại thoáng mây bay", "Ngập ngừng", "Trong tay Thánh nữ có đời tôi", ...
Ông sinh năm 1960 tại Sài Gòn, tự học nhạc, biết sử dụng thành thạo đàn guitar từ nhỏ. Năm 13 tuổi, Hoàng Thanh Tâm đã bắt đầu chập chững viết những note nhạc đầu tiên với ca khúc "Cô hái mơ" phổ thơ Nguyễn Bính. Sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Pétrus Ký, Hoàng Thanh Tâm đến đảo Pulau Bidong (Malaysia), được hội từ thiện Caritas bảo lãnh sang Bỉ năm 1979, theo học ngành tin học (L'informatique) tại Trường Đại học Brussels. Sau đó, năm 1982, ông di cư sang Úc, lập gia đình với người vợ là Nguyễn Hồng Anh, hiện định cư tại thành phố Sydney. Nhạc phẩm đầu tay ông viết tại hải ngoại là ca khúc "Trả lại thoáng mây bay", được danh ca Lệ Thu trình bày lần đầu tiên trong băng nhạc "Thu hát cho người" do chính ca sĩ thực hiện vào năm 1982.
Năm 2011, trong một chương trình âm nhạc Hoàng Thanh Tâm tại Úc, tác giả lên sân khấu để tâm sự với khán giả. Ông nói rằng, "Tháng sáu trời mưa" là nhạc phẩm tiêu biểu, gắn liền với cuộc đời sáng tác của ông. Và đây cũng là nhạc phẩm gây nhiều ngộ nhận vì không phải ai cũng biết đúng tên tác giả của ca khúc này. Năm 1987, khi còn cư trú tại thủ đô Canberra (Úc), một buổi chiều cuối tuần êm ả, Hoàng Thanh Tâm lang thang vào thư viện Quốc Gia (National Library). Bất ngờ, ông tìm thấy tập thơ Nguyên Sa, những kỷ niệm xưa ùa về, tràn ngập, chảy dài trong nỗi nhớ những tháng ngày xưa cũ. Trong niềm cảm xúc dâng trào, nhạc phẩm "Tháng sáu trời mưa" phổ từ một bài thơ Nguyên Sa được khai sinh trong một đêm mưa gió cô đơn tại căn hộ nhỏ bé dành cho người độc thân (bedsitter) ở O'Connor một ngày cuối tháng sáu:
"Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong kín đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận..."
Khán giả trong nước lúc bấy giờ cứ tưởng rằng, ca khúc này của Ngô Thụy Miên. Và chính lúc ấy, Hoàng Thanh Tâm cũng không hề biết nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc bài thơ của Nguyên Sa (cùng tựa) này trước đó 3 năm (1984) nhưng không được nhiều ca sĩ hát (ca sĩ Hải Lý hát đầu tiên). Có lẽ bản nhạc không có gì đặc biệt, khác với những ca khúc thường thấy trong âm nhạc Ngô Thụy Miên. Nhạc không hay, bình thường, giai điệu cứ đều đều, thiếu một cái gì đấy rất cần thiết cho một bản tình ca. Đôi khi, nghe hai ba lần, nhiều người vẫn không nhớ ca khúc ấy được hát như thế nào?
"...Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng có phải đêm đã khuya
Đừng hỏi anh rằng có phải đêm đã khuya..."
Và lần này, khác với Ngô Thụy Miên, ca khúc "Tháng sáu trời mưa" của Hoàng Thanh Tâm đến với công chúng lần đầu tiên qua giọng hát Thái Hiền với giai điệu mượt mà, đắm đuối như những "tối tân hôn":
"...Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn
Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn..."
Ca khúc "Tháng sáu trời mưa" trở nên nổi tiếng.
Ai cũng thích hát, không riêng gì giới ca sĩ. Ca khúc được cộng hưởng bởi tiếng hát ngọt ngào và quyến rũ của ca sĩ Ngọc Lan từ hải ngoại. Yêu thơ Nguyên Sa bao nhiêu, công chúng lại thích ca khúc "Tháng sáu trời mưa" bấy nhiêu. Cái giỏi của Hoàng Thanh Tâm là giữ nguyên câu thơ "gợi niềm chăn chiếu" của Nguyên Sa khiến ca từ và giai điệu cứ quấn quýt vào nhau, chẳng dứt ra được cho dù mùa xuân đang về đến bên thềm:
"...Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc..."
Phổ thơ, giữ nguyên ca từ đã khó, đặc biệt trong thơ Nguyên Sa nhưng thay đổi lời nhạc khiến cho ca khúc bay bổng, thăng hoa lại càng khó hơn. Nguyên Sa viết:
"...Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu..."
Có thể nói, "Tháng sáu trời mưa" là một trong những bài hát "gợi cảm" nhất của dòng nhạc hải ngoại. Với nét nhạc tài hoa và sự đồng điệu trong tâm hồn, Hoàng Thanh Tâm đã thành công trong việc đưa ý tưởng của Nguyên Sa thành một tình khúc bất hủ. Hơn 30 năm sau, giai điệu ấy cứ chảy mãi trong tâm thức của mỗi người khi nhớ về những đêm mưa mùa hạ thuở ấy:
"...Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt
Trời không mưa em có lạy trời mưa
Anh vẫn xin mưa phong kín đường về
Anh nhớ suốt đời mưa tháng sáu".
Văn Khoa