Tháng Tư, nơi đầu nguồn biên giới... (Kỳ 2: Những mầm xanh hy vọng…)
Quả ngọt đầu mùa
ALăng Oanh (1995), sinh ra và lớn lên tại thôn Pa Lan, xã biên giới La Êê (Nam Giang). Từ nhỏ, cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa nơi miền biên viễn, Oanh luôn tự nhủ phải phấn đấu, học hành chăm chỉ để mai này lớn lên sẽ “thoát ly”, tìm cơ hội bước ra khỏi cái bản làng heo hút, tứ bề là núi này. Và với nỗ lực không ngừng, Oanh đã biến khát vọng của mình thành hiện thực khi trở thành sinh viên của trường đại học Nông lâm Huế. 4 năm đại học trôi qua, khi cầm trên tay tấm bằng đại học, dự định của Oanh sẽ tìm kiếm cơ hội việc làm tại một nơi nào đó chứ không phải “quay về cái máng lợn” của gia đình. Thế nhưng, khi em nhận được thông báo của Đoàn KT-QP 207 về tuyển chọn nhân lực cho “Đội tri thức trẻ tình nguyện”, căn cứ vào điều kiện, tiêu chí, Oanh tự thấy mình đáp ứng đầy đủ, thế là em bàn với gia đình nộp hồ sơ dự tuyển.
Ngay khi nhận được quyết định trúng tuyển vào Đội tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn KT-QP 207, một lần nữa, Oanh lại khăn gói lên đường. Tuy nhiên khác với lần nhập học tại trường đại học, lần này Oanh đến với môi trường quân ngũ, sinh hoạt, ăn ở như một “quân nhân”. “Là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, việc tình nguyện tham gia Dự án này, đối với em là một sự dấn thân để tự khẳng định mình. Quan trọng hơn khi về đây, em có cơ hội thực hiện ước mơ giúp cho gia đình, giúp cho bà con có cuộc sống tốt đẹp hơn ngay trên chính trên mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên”, Oanh hồ hởi nói.
Cũng như ALăng Oanh, khi vừa tốt nghiệp trường đại học Thể dục – Thể thao Đà Nẵng, ALăng Hoánh, trú thôn Đắc Pênh, xã La Dêê (huyện Nam Giang) cũng được tuyển chọn vào Đội tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn 207. Khi hòa nhập vào môi trường mới, được đơn vị hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm công tác, Hoánh đã xác định cho mình tâm thế và nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống, làm việc vốn nhiều khó khăn, thử thách. Khi về đây, các tình nguyện viên được đơn vị chia thành nhiều tổ, bố trí phù hợp với ngành nghề được đào tạo, bên cạnh vốn liếng từ giảng đường, các đội viên tự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để thích nghi với môi trường, điều kiện sinh hoạt, công việc được giao. “Được sống và làm việc trong môi trường quân đội, chúng em trưởng thành lên rất nhiều. Có thể nói, đây là nơi rèn luyện thử thách bản lĩnh, trí tuệ, nhiệt tình của tuổi trẻ, là nơi tạo điều kiện cho tri thức trẻ phát huy những kiến thức đã được học để vận dụng vào thực tế, qua đó tự khẳng định bản thân, tích lũy kinh nghiệm công tác, rèn luyện cho đội ngũ tri thức trẻ gắn bó với nhân dân nơi khó khăn, gian khổ. Xong 2 năm làm nhiệm vụ, em sẽ về địa phương công tác, sẽ dùng kinh nghiệm, vốn sống tích lũy được để truyền thụ kiến thức và bồi đắp hơn mối quan hệ đoàn kết quân dân, về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ cho bà con quê mình”, ALăng Hoánh nói.
Là một trong số nhiều hộ dân được CBCS Đoàn 207 và đội ngũ tri thức trẻ tình nguyện “cầm tay chỉ việc” để thực hiện dự án nuôi heo, trồng cam Vinh, anh ALăng Rơng (1972), thôn Pa Lan hồ hởi cho biết: “Nhờ có bộ đội và các bạn tình nguyện viên mà đời sống của gia đình đã thay đổi hẳn. Từ chỗ không đủ ăn, đủ mặc, nay mình đã có thể dôi dư, đủ điều kiện chăm lo cho con cái học hành, đến nơi đến chốn”. Dẫn chúng tôi vào khu nuôi heo của gia đình, ánh mắt ALăng Rơng không giấu nổi niềm phấn khích. “Dịp Tết vừa rồi, nhà mình đã bán được một đàn heo thịt, thu nhập cũng khá. Nuôi đến đâu bán hết đến đó, chỉ tiếc là nguồn cung của mình còn hạn hẹp thôi”, anh Rơng nói. Đồng thời cho biết, hiện gia đình đang được Đoàn 207 hỗ trợ thêm giống để mở rộng khu nuôi, tăng gia sản xuất. Ngoài nuôi heo, gia đình anh Rơng cũng là 1 trong số 20 hộ được Đoàn 207 chọn thí điểm trồng cam Vinh – một loại cam đặc sản, có giá trị kinh tế cao. “Bộ đội Đoàn 207 giúp mình từ giống, phân bón, còn bày cách trồng, chăm sóc. Qua 3 năm học hỏi, vườn cam đã cho thu hoạch. Vui hơn là được bao nhiêu trái bán hết bấy nhiêu. Tất cả là nhờ vào công sức của bộ đội Đoàn và đội tri thức trẻ tình nguyện đấy”, anh Rơng vui mừng cho biết.
Mừng vui trước sự đổi thay của quê hương, nhiều người dân ở thôn Pa Lan cũng như xã La Êê tâm sự với chúng tôi rằng, ngày trước, bà con ở đây quen đốt nương làm rẫy. Cái rẫy hết màu, cây lúa, cây bắp không lớn được, lại đi tìm cánh rừng khác. Từ ngày bộ đội về, mọi thứ đều đổi thay. Đường làng được bê tông kiên cố, nhà cửa khang trang, mọi người đều vui vẻ, khỏe mạnh hơn. Trồng trọt, chăn nuôi phát triển chẳng những đủ cái ăn, cái mặc cho hôm nay mà còn tích lũy cho con cháu sau này…
Điểm tựa, niềm tin của nhân dân
Ðoàn KT-QP 207 (Quân khu V) đứng chân trên địa bàn 3 huyện Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), bên dải Trường Sơn hùng vĩ – nơi sinh sống chủ yếu của bà con đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, Tà Riềng... Hơn 10 năm kể từ ngày thành lập, cùng với các lực lượng khác như Bộ đội Biên phòng, Công an và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ðoàn đã giúp đồng bào nơi đây từng bước thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen đốt nương làm rẫy, từ bỏ hủ tục lạc hậu; xây dựng phát triển kinh tế. Đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ về trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ gia đình; đồng thời hỗ trợ vật liệu làm chuồng, phân bón, dụng cụ nông nghiệp, thuốc thú y, xây dựng vùng cỏ nguyên liệu để cung cấp cho bò...
Ðại tá Văn Phú Diệp, Đoàn trưởng Đoàn 207, cho biết: Với vai trò là “bà đỡ”, Đoàn KT-QP 207 đã nỗ lực tham mưu, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, chính trị - xã hội, xóa bản trắng” đảng viên, sắp xếp, ổn định dân cư khu vực biên giới. “Sự nghiệp xây dựng biên giới là quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài; cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành; mọi lực lượng, mỗi người dân. Trong đó, nhân dân là chủ thể, cấp ủy chính quyền địa phương phải tổ chức, thực thi chính sách. Chỉ khi, mỗi nếp nhà no ấm, mỗi bản làng yên vui, mỗi cánh rừng biên giới an toàn thì người dân sẽ thật sự gắn bó, tự nguyện làm “chiến sĩ”, làm “cột mốc sống” bảo vệ bản làng, giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc”, Đại tá Diệp nhìn nhận.
Cùng lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 207 đến một số địa phương trong vùng dự án khu KT-QP tại huyện Nam Giang, chúng tôi ghi nhận sự khởi sắc rõ nét của vùng biên giới này. Không ít mô hình phát triển kinh tế được Đoàn triển khai, nhân rộng như mô hình trồng cây cam Vinh, “ngân hàng bò, heo giống”, mô hình trồng lúa nước… đã thực sự phát huy hiệu quả. Đặc biệt, khi đưa ra các mô hình phát triển kinh tế cho bà con 3 huyện biên giới, lực lượng tri thức trẻ tình nguyện luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; qua đó làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đánh giá về những đóng góp của “Đội trí thức trẻ tình nguyện” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn khẳng định: Những năm qua, Đoàn KT-QP 207 đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền góp phần nâng cao dân trí, bảo đảm dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. “Đặc biệt, với sự nhiệt tình, trách nhiệm, gắn bó với cơ sở, đội ngũ Tri thức trẻ tình nguyện do Đoàn 207 triển khai đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi có giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động nông nhàn để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống cho đồng bào thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. CBCS Đoàn 207 cùng đội ngũ trí thức trẻ thực sự tạo được lòng tin, sự quý mến của bà con các dân tộc nơi đây”, ông Sơn nói.
Ký sự: DOÃN HÙNG