Thành công nhờ "dân vận khéo"
(Cadn.com.vn) - Thấm nhuần lời dạy của Bác "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", 5 năm qua, công tác dân vận ở H. Hòa Vang (Đà Nẵng) luôn được coi trọng và gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2011-2015... Luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, tích cực chủ động và hết lòng với phong trào từ thiện nhân đạo, bà Đinh Thị Chi - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Hòa Phong đã góp phần thắp nên "ngọn lửa" phong trào để nhân lên sức mạnh của lòng nhân ái ở địa phương còn nhiều khó khăn. Bà Chi cùng với các hội viên bám sát các phong trào thi đua do Hội cấp trên đề ra, tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của mỗi hội viên trong công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị tham gia công tác nhân đạo từ thiện; đồng thời thu hút đông đảo các tổ chức, nhà hảo tâm tham gia phong trào CTĐ trên tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Phong trào cứu trợ nhân đạo mà Hội CTĐ xã triển khai đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực, như: "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", "Ngân hàng bò" trong chương trình hướng đến người dân vùng sâu, vùng xa hưởng ứng xây dựng nông thôn mới... 5 năm qua, Hội đã vận động giúp đỡ 241 địa chỉ nhân đạo bằng hình thức trợ dưỡng thường xuyên mỗi tháng từ 100-200 ngàn đồng hoặc 10kg gạo; hỗ trợ sinh kế bò giống cho hộ nghèo; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tặng quà cho đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam... với tổng kinh phí vận động hơn 1,3 tỷ đồng.
Bà Chi, ông Phán được UBND H. Hòa Vang khen thưởng tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2011-2015. |
Có thể nói, những đóng góp không ngừng của bà Chi đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phong trào từ thiện nhân đạo, xây dựng tổ chức Hội thực sự là nhịp cầu nhân ái để các nhà hảo tâm "tin tưởng" gửi tấm lòng vàng, xoa dịu những nỗi đau bất hạnh, góp phần tích cực trong chính sách an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. "Làm công tác hội chủ yếu là cái tâm, là sự nhiệt tình và trách nhiệm. Đâu đó trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn thường chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, việc vận động hỗ trợ kịp thời của Hội CTĐ địa phương sẽ phần nào sẻ chia nỗi bất hạnh, giúp những trường hợp khó khăn có động lực vươn lên hòa nhập cộng đồng", bà Chi tâm sự.
"Dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì sự nghiệp chung của thôn xóm, không nề hà ngại khó" là những phẩm chất tốt đẹp mà người dân địa phương nói về ông Cao Phán - nguyên Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phú Sơn 1 (xã Hòa Khương)... Không đợi đến khi xã có chủ trương hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2014 mà ngay từ những năm đầu, ông Phán luôn là người gương mẫu, đi đầu vận động bà con trong thôn góp công, góp sức làm 14 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với tổng chiều dài hơn 4km; đồng thời vận động nhân dân đóng góp đầu tư hệ thống điện chiếu sáng ở một số tuyến đường trong khu dân cư dài gần 2km...
Song, điều mà ông Phán tâm đắc nhất trong sự nghiệp "vác tù và" của mình là việc vận động thành công chuyển đổi mô hình canh tác. Cụ thể, hơn 4ha đất lô 1 thuộc công trình 29-3 của thôn là lô đất bạc màu, lại còn bị chuột phá hoại nên lúa vụ hè-thu 2013 đạt sản lượng rất thấp. Trước tình hình đó, ông cùng cấp ủy xin chủ trương của chính quyền địa phương, tổ chức họp 52 hộ dân sản xuất trên lô đất đó bàn giải pháp chuyển đổi cây trồng. Do tập quán canh tác lâu đời để lại nên lúc đầu cũng còn nhiều hộ dân không đồng tình, ông bàn với cấp ủy, ban dân chính thôn cứ kiên trì vận động. Ban ngày gặp ngoài đồng thì chuyện trò trao đổi, tối về nhà thì mượn chén trà, ly rượu rỉ tai... Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", linh hoạt, mềm mỏng trong cách vận động nên cuối cùng bà con cũng đồng thuận chuyển đổi lô đất trồng lúa không hiệu quả đó sang trồng ngô, đậu phụng. Kết quả, vụ đậu phụng đông-xuân 2013-2014 đạt năng suất cao, thu nhập gấp 3 lần trồng lúa nên bà con phấn khởi lắm...
Ông Phán đúc kết, nếu cán bộ thôn thiếu quyết liệt thì đâu có thành quả hôm nay, bởi có những việc phức tạp, phải tổ chức họp dân nhiều lần. Việc vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không làm bài bản sẽ trở nên phức tạp. Vì vậy, ông luôn học hỏi, tiếp thu những ý kiến đóng góp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mọi người và thường xuyên đi đầu các phong trào, việc làm của thôn mới tập hợp được nhân dân. Quan trọng là phải giải quyết dứt điểm vướng mắc từ cơ sở không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng thấy bà con trong thôn đoàn kết "tối lửa, tắt đèn có nhau" mới là điều làm ông vui nhất.
An Dương