Thao thức trên những chặng đường qua (*)

Thứ ba, 27/09/2016 10:08

(Cadn.com.vn) - Khi một "đứa con tinh thần" ra đời, đặt cho nó một cái tên gọi nhiều lúc làm hao tâm tốn sức người viết. Lê Anh Dũng cũng không là ngoại lệ, khi quyết định đặt tên cho tập thơ "Một ngày là trăm năm" (Nxb Văn Học - 2016). Tên sách đập vào mắt, ngay lập tức gợi lên suy nghĩ cho người đọc: Tại sao một ngày lại là trăm năm?

Lê Anh Dũng là nhà thơ, nhà báo và là một sĩ quan quân đội. Cái chân nhà báo dắt anh đi. Trái tim nhà thơ cho anh sự cảm nhận và xúc động mãnh liệt trước phong cảnh, sự việc, con người. Chất lính cho anh những cái nhìn đôn hậu về cuộc sống. Trên những chặng đường qua, trái tim thơ Lê Anh Dũng được nuôi dưỡng bằng một mạch nguồn dồi dào chất liệu thi ca từ cuộc sống, cảnh vật và tình người.

Đi nhiều, viết nhiều và chia sẻ nhiều, có khi là cho kịp sự kiện nên thơ anh không tập trung vào một chủ đề nhất định. Những bài thơ như là những lăng kính thu nhận tín hiệu và cảm xúc muôn màu muôn vẻ mà anh bắt gặp trên những dặm đường hành nghề và phiêu lãng. Là người lính, nên dọc đường đất nước, anh luôn để tâm đến dấu chân người lính của các thế hệ cha anh đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc. Trước thành Cửa Bắc xa xưa, nơi Tổng đốc Hoàng Diệu cùng binh lính sống chết theo thành, Lê Anh Dũng bật lên những cảm xúc và nhận định bùi ngùi về một thời đã ngút chìm trong lịch sử:

"Hai viên đạn đại bác của Tây

Bắn vào thành Cửa Bắc

Bắn vào u mê, hèn yếu triều đình

Bắn vào khiếp nhược kẻ mũ mão cân đai

Xoáy vào lòng dân ta yêu nước thương nòi

Xoáy vào ngực Tổng đốc Hoàng Diệu

Dải lụa giữ thành ngời khí tiết nghĩa trung".

(Hai viên đại bác bắn vào thành Cửa Bắc)

Khi đến Vũng Rô, nơi đoàn tàu không số bí mật vào ra của một thời khói lửa, tác giả tận hiểu thế nào là non nước thanh bình. Điều đó khơi mở ý thức bảo vệ, xây dựng và gìn giữ non sông Việt:

"Trong bao chiều thương nhớ

Có một chiều Vũng Rô

Nghe mặn môi khơi mở

Những bóng thuyền nhấp nhô".

           (Có một chiều Vũng Rô)

Và cũng nhờ đi nhiều, Lê Anh Dũng có nhiều cơ hội ngắm cảnh đẹp sông, núi, biển, hồ, chùa chiền, đình miếu... Những bài thơ anh dành cho mảng này cũng khá nhiều: Cội nguồn Văn miếu Trấn Biên, Cổng trời Quảng Bạ, Pù Luông thực ảo, Một ngày Di Linh...

Với Một ngày Di Linh, nhà thơ bâng khuâng trước tình đất, tình người, duyên dáng và đằm thăm, xanh dịu từ núi rừng đến hồn người. Một ngày ở Di Linh chắc chắn đã để lại trong lòng người đến một ngàn đêm thao thức... Trong thơ, đó là sự thao thức mãi mãi:

"Nửa đời mình chờ nhau

Tiền kiếp xưa ngoái lại

Một ngày là mãi mãi

Tình đại ngàn xưa sau".

                  (Một ngày Di Linh)

Hãy lật từng trang của tập thơ đọc, đồng cảm và chia sẻ...

Mai Hữu Phước

(*) (Đọc tập thơ Một ngày là trăm năm của Lê Anh Dũng)