Thắp sáng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng (Kỳ 1: Chuyện về Bí thư Chi bộ trẻ người Cơ Tu nhiệt huyết với quê hương)
Dám nghĩ, dám làm
Ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, bà con Cơ Tu ai cũng tấm tắc khen Bí thư Chi bộ Đinh Văn Cư luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công tác của thôn làng. Đinh Văn Cư năm nay mới 39 tuổi. Học hết lớp 12, Cư tham gia công tác Đoàn của xã. Nhiệt tình, năng nổ với mọi công việc nên anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, rồi làm Bí thư Chi bộ, đến nay đã là nhiệm kỳ thứ 2.
Gặp Đinh Văn Cư vào một ngày giữa tháng 9-2022, anh cho biết, thôn Tà Lang có 125 hộ dân, hơn 90% là đồng bào dân tộc Cơ Tu, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Những năm qua, công việc trồng rừng gặp thiên tai, bão lũ, rồi thêm dịch bệnh COVID-19 hoành hành nên ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) địa phương. Là đảng viên, Bí thư Chi bộ Đinh Văn Cư trăn trở phải làm sao xóa bỏ hết các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư (ĐSVH KDC) thật khởi sắc, làm tiền đề cho phát triển KT-XH. Đinh Văn Cư bàn với Chi bộ, lấy ý kiến già làng, người có uy tín trong thôn xây dựng mô hình “Toàn dân thờ ảnh Bác”, “KDC rợp cờ đỏ ngày lễ hội”, học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Mô hình được phát động, triển khai ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, được cán bộ, nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo điểm nhấn trong phong trào xây dựng ĐSVH tại địa phương. Tiếp đó, mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất” học tập theo phong cách, đạo đức cần kiệm liêm chính của Bác Hồ được triển khai, đã hỗ trợ thiết thực những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu người lao động, và cả trong những lúc tang ma, thiên tai bão lũ…
Những năm 2016-2017, khi Nhà nước triển khai Dự án đường cao tốc La Sơn-Túy Loan đi qua địa phận thôn Tà Lang, để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, cần phải di dời hơn 60 ngôi mộ của đồng bào Cơ Tu. Đinh Văn Cư trăn trở, đây là vấn đề rất khó vì phong tục tập quán của người Cơ Tu xưa nay rất sợ đụng chạm vào mồ mả người chết, nay lại phải đào mộ, di dời là việc không thể! Phải làm sao thay đổi quan niệm, phong tục lâu đời của đồng bào để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho một Dự án mang tầm quốc gia? Đinh Văn Cư gặp gỡ già làng, cùng Ban nhân dân thôn đến từng hộ dân nói chuyện, giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu. “Người Cơ Tu xưa nay, khi có người chết, chôn cất xong 3 năm mới làm mộ, rồi không bao giờ đến đó nữa. Nhưng giờ, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, bà con ta di dời mộ đến địa điểm mới, được xây dựng đẹp hơn, khang trang hơn, cũng là làm đẹp hơn cho người đã mất, lại giúp cho Dự án đường cao tốc sớm hoàn thành, phục vụ cho việc phát triển KT-XH địa phương thuận lợi, thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ…”. Bí thư Cư giải thích, bà con nghe “đúng cái bụng” nên ai cũng đồng ý nghe theo.
Đau đáu vì sự phát triển của quê hương
Trở lại câu chuyện về đời sống của bà con Cơ Tu ở Tà Lang, những năm qua, hộ dân nào cũng được nhận 3 ha trồng rừng, được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu tiền cây giống/hộ. Ngặt nỗi, công việc trồng rừng luôn bấp bênh, nếu thời tiết thuận lợi thì không sao, nhưng năm nào gặp bão gió, cây trồng ngã đổ hết thì coi như trắng tay. Rất may, năm 2019, Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của UBND TP Đà Nẵng được triển khai, là một “hướng mở” cho bà con Cơ Tu phát triển KT-XH, cải thiện đời sống. Nói vậy nhưng triển khai đâu đơn giản, phải bắt đầu từ cái gì, Bí thư Đinh Văn Cư lại trăn trở…! Lại bàn bạc với Chi bộ, với Ban nhân dân thôn, với già làng và người có uy tín. Để rồi mô hình “Tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng” ra đời nhằm phục dựng, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của người đồng bào Cơ Tu, góp phần phục vụ phát triển KT-XH, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn thôn. Các tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng như: Tổ nấu ăn truyền thống, điêu khắc, dệt thổ cẩm, múa cồng chiêng, mây tre đan… đã hình thành và đi vào hoạt động với sự tham gia của các hộ dân Cơ Tu hai thôn Tà Lang, Giàn Bí. Nhờ đó, các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu đang dần phục hồi, phát triển kết hợp với việc phục vụ các Tour du lịch trải nghiệm sinh thái, văn hóa cộng đồng Cơ Tu như: giao lưu múa hát cồng chiêng, dệt thổ cẩm, thăm quan nhà Gươl, nghe già làng kể về những câu chuyện tâm linh thú vị của đồng bào Cơ Tu… Đến nay, trên địa bàn thôn đã có 4 hộ mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng các mô hình Homestay làm nơi lưu trú cho khách du lịch, như hộ gia đình chị Zơ Zâm Thị Hồng, hộ ông Trương Sông Tề…
Từ mô hình phát triển du lịch cộng đồng, Đinh Văn Cư cùng Chi bộ thôn tiến tới tuyên truyền, vận động bà con Cơ Tu mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế cây keo bằng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây gỗ lớn phục vụ cho phát triển du lịch. Hiện, cả thôn Tà Lang đã phát triển được 6ha trồng cây gỗ lớn, cây chè dây. Còn Bí thư Đinh Văn Cư cũng đang quy hoạch lại vườn rẫy nhà mình, chuẩn bị mở trang trại nuôi gà thả vườn. “Phải quyết tâm làm thì mới có thực phẩm sạch phục vụ cho khách du lịch chớ”-Bí thư Cư cười vang rừng…
Không những đi đầu, gương mẫu trong mọi công tác xây dựng ĐSVH, phát triển KT-XH, cải thiện đời sống cho nhân dân, Đinh Văn Cư cùng Chi bộ thôn còn chú trọng đến công tác giữ gìn, đảm bảo ANTT trên địa bàn thôn. Từ năm 2018 đến nay, Chi bộ thôn Tà Lang đã phối hợp với lực lượng Công an xã xây dựng mô hình 3 không: không có tệ nạn ma túy, không có người vi phạm pháp luật, không có tội phạm. Nhờ đó những năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn rất ổn định. Đinh Văn Cư khoe với chúng tôi: “Bất cứ có vấn đề kiến nghị hay thắc mắc, bà con trong thôn đều phản ánh với Bí thư Chi bộ thôn…”.
Niềm tin với Đảng của người dân ngày càng được khẳng định từ những người đảng viên đi đầu, gương mẫu, nhiệt huyết như Đinh Văn Cư.
(còn nữa)
Hồng Thanh