Thấp thỏm sống cạnh nhà máy giấy nguy cơ ô nhiễm
* Bài 1: Tỉnh yêu cầu máy mới, lại nhập nhà máy giấy cũ
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, người dân H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang sống trong lo lắng khi Nhà máy bột – giấy VNT 19 (Công ty CP bột – giấy VNT19 làm chủ đầu tư) bộc lộ nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường.
Đó là việc sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị cũ kỹ, không theo yêu cầu của tỉnh và Bộ Tài nguyên Môi trường. Đồng thời việc kiểm định chất lượng máy móc, công nghệ dự án này không được tỉnh chấp nhận.
Nhà máy bột – giấy VNT 19 đang thi công, chưa đi vào hoạt động đã gây lo lắng về môi trường cho cư dân. Ảnh: L.Ninh |
Nhập nhà máy giấy cũ
Đầu tháng 5-2017, chúng tôi đến nhà máy và qua rất nhiều cuộc điện thoại nhưng không gặp được chủ đầu tư dự án. Tiếp cận công trường rất khó khăn bởi nhà máy nằm trên một quả đồi cao, bao quanh là rừng keo khuất, xung quanh là các chốt bảo vệ, tường xây và rào chắn thép gai cao hơn 2m. Qua quan sát các máy móc, thiết bị nằm ngoài sân nhà máy bị gỉ sét, cũ kỹ, còn hàng trăm container chứa máy móc ở phía Tây nhà máy. Nhiều thiết bị lớn đã cũ, móp méo để theo lô hàng, nhiều khu vực đang thi công bê-tông và lắp đặt thiết bị.
Sau nhiều trở ngại tiếp cận với các tài liệu nhà máy bột giấy này, chúng tôi mới ngỡ ngàng khi “yêu cầu một đường, nhà đầu tư làm một nẻo”. Nhà máy bột - giấy VNT19 được tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy phép đầu tư năm 2011 diện tích 117ha tại xã Bình Phước (thuộc Khu kinh tế Dung Quất) sản xuất bột giấy và giấy tẩy trắng, công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn/năm. Yêu cầu tiên quyết của tỉnh là phải sử dụng công nghệ tiên tiến, máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ (mới 100%), quy trình công nghệ khép kín, đáp ứng điều kiện kinh tế, môi trường.
Các máy móc, thiết bị cũ của nhà máy bột - giấy VNT19 nhập về qua cảng Dung Quất bị kiện đòi tiền nợ. Ảnh do Gemadept cung cấp. |
Năm 2014, dự án điều chỉnh nâng công suất lên 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng /năm. Tỉnh vẫn yêu cầu dự án đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2015, Bộ Công Thương thẩm định và có ý kiến nhà máy bột giấy và giấy là dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hoàn thiện phần thiết bị, công nghệ, nhất là làm rõ hơn công nghệ tẩy trắng ECF. Trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án của Bộ TN-MT tháng 9-2015 cũng yêu cầu dây chuyền sản xuất bột giấy phải lắp mới.
Theo điều tra của PV, từ năm 2015 chủ đầu tư bắt đầu nhập các máy móc, thiết bị nhà máy. Từ báo cáo các cơ quan chức năng, tỉnh Quảng Ngãi mới phát hiện nhà máy không lắp đặt máy móc, thiết bị mới mà nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng được tháo dỡ từ Nhà máy bột giấy Sodra Cell Tofte (Na Uy). Thông tin, hình ảnh và tài liệu được cung cấp từ Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất thì các thiết bị nhập về đều cũ kỹ, gỉ sét, có thiết bị hàng trăm tấn đều bị mòn, bóc sơn,...
Tại sao nhà máy nhập máy móc, thiết bị cũ, không theo yêu cầu dự án mà vẫn thông quan, nhập về nhà máy. Một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất xác nhận, trước tháng 6-2016 nhà máy có nhập thiết bị cũ bị tháo rời từng linh kiện ra, có hàng nghìn chi tiết như chiếc máy bay thì khó kiểm tra được nguồn gốc, năm sử dụng,... “Đây là máy móc một nhà máy Châu Âu đủ điều kiện theo quy định thì hải quan cho nhập thôi. Nếu như máy móc cũ, không cho làm thì là việc của Ban quản lý KKT Dung Quất chứ hải quan ở đầu nhập thôi, hàng hóa đáp ứng quy định thì thông quan”, vị này nói.
Là đơn vị cấp giấy chứng nhận đầu tư, ông Đàm Minh Lễ, phó Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi xác nhận: “Máy móc nhà máy nhập về là cũ, từ một nhà máy giấy ở Na Uy. Còn cũ mức độ nào thì Hải quan mới là người kiểm tra, giám sát xem có đúng quy định hay không. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ họ nhập về chứ không quy định họ phải báo cáo. Tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư thuê đơn vị độc lập để giám định máy móc, thiết bị đó nhưng chưa đạt, tỉnh chưa chịu kết quả đó. Anh sản xuất gây ô nhiễm, người dân không đồng tình, không phải đợi nhà nước xử lý mà anh phải tự đóng cửa thôi”.
Các văn bản của tỉnh Quảng Ngãi và Bộ TN-MT phê duyệt yêu cầu lắp mới dây chuyền sản xuất bột giấy mới nhưng chủ đầu tư lại nhập máy móc cũ. Ảnh: V.Hùng |
Giám định “lụi”, bị kiện vì thiết bị cũ
Tìm hiểu chuyện máy móc cũ, đầu năm 2017 khi thấy nhập ồ ạt máy móc thiết bị về, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư phải thuê đơn vị giám định độc lập để giám định chất lượng, giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhà máy bột giấy. Chủ đầu tư đã thuê Công ty CP giám định Á Việt giám định nhưng kết quả chỉ chung chung, không đầy đủ các thông tin cần thiết. Đồng thời, theo báo cáo Sở KH-CN tỉnh thì Á Việt chưa có tên trong danh sách tổ chức giám định do Bộ KH-CN công bố. Một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tiết lộ, dự án nhà máy bột giấy VNT19 là dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, tác động nhiều mặt, liên quan nhiều ngành và thuộc lĩnh vực “nhạy cảm” về môi trường nên tỉnh cực kỳ cẩn trọng. Tỉnh đã đề nghị Bộ KH-CN hỗ trợ thẩm tra tư cách pháp nhân của đơn vị giám định và kiểm tra, giám sát việc thẩm định, giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ dự án.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Duy Ngọc, Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất cho biết, năm 2015 đơn vị và nhà máy bột - giấy VNT19 ký hợp đồng dịch vụ vận chuyển, dỡ hàng là dây chuyền nhà máy bột giấy Tofte đã qua sử dụng từ Na Uy để lắp đặt tại nhà máy, giá trị hơn 8,1 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành hợp đồng, phía Công ty CP bột - giấy VNT19 chỉ trả hơn 4,8 tỷ đồng, số tiền còn lại không chịu trả với lý do thiết bị bị hỏng khi vận chuyển. Ông Ngọc bức xúc: “VNT19 nhập hàng về chưa có mặt bằng. Thiết bị, máy móc tháo dỡ bên Na Uy quá cũ rồi, cái gì cũng chở về, có cả sắt vụn. Về Việt Nam mình nhận hàng vận chuyển cũng làm quy trình xác nhận là hàng móp méo, hư hỏng, xong chở về giao cho phía VNT19 thì mấy tháng sau họ kêu chở hàng hỏng, trừ tiền. Hiện TAND H. Bình Sơn đã thụ lý vụ việc ông Ngọc kiện để đòi khoản tiền hơn 4,15 tỷ đồng từ VNT19.
(còn nữa)
Quang Sơn – Lê Ninh