Thấp thỏm vụ kiệu Tết
Với người dân ở vùng cát trắng Thăng Bình, Quảng Nam, trồng kiệu Tết dần trở thành thói quen khó bỏ. Năm nào, kiệu được mùa, được giá thì họ có cái Tết no ấm, đủ đầy. Còn ngược lại thì coi như mất Tết. Năm nay, không chỉ ảnh hưởng của bão lũ khiến nhiều diện tích kiệu hư hại, kiệu hiện đang mất giá cũng khiến người dân thấp thỏm, lo âu.
Kiệu mất mùa, rớt giá khiến người dân lo lắng. |
Chị Nguyễn Thị Tám (trú xã Bình Sa, H. Thăng Bình) cho hay, mọi năm, thời điểm này giá kiệu luôn "nhảy múa" trên cao khiến người dân phấn khởi. Không những thế, cứ diện tích kiệu nào đến kỳ thu hoạch là thương lái "tranh" nhau đặt hàng ngay. Vậy mà, năm nay, giá kiệu rớt dần đều từ đầu mùa khiến chị lo thất thu, không có tiền mua sắm Tết. "Đầu mùa giá gần 40 nghìn đồng/kg nhưng nay xuống chỉ còn 30 nghìn đồng/kg, thậm chí, kiệu nhỏ chỉ có 20 nghìn đồng/kg. "Bán với giá đó thì không gỡ lại vốn. Chưa kể công đầu tư, chăm bón thời gian qua là công dã tràng. Mọi năm vụ kiệu Tết luôn mang đến nhiều hy vọng cho người dân khi dịp này nhu cầu sử dụng kiệu rất cao, nhà nào ít nhiều cũng có vài ba ký kiệu làm dưa món, bóp gỏi. Nhưng năm nay sao ảm đạm quá. Từ nay đến Tết nếu giá kiệu tiếp tục rớt thì đúng là một năm kinh tế buồn thật sự", chị Tám lo lắng.
Theo phản ánh của người dân Thăng Bình, người trồng kiệu năm nay liên tiếp đón nhận những điều không vui. Đầu mùa mới xuống giống thì gặp nắng hạn kéo dài khiến kiệu sinh trưởng kém. Đến khi kiệu lên khỏi mặt đất thì bão lũ, mưa bão dồn dập khiến nhiều diện tích kiệu trôi theo lũ dữ. Đầu tư 10 thì đến kỳ thu hoạch chỉ còn 6, 7 phần trăm. "Những diện tích kiệu ở trên vùng đất cao ráo thì mới may mắn sống sót. Còn những ở vùng thấp trũng thì coi như mất trắng'', chị Tám cho hay.
Không chỉ ở Bình Sa, xã Bình Phục và Bình Giang được xem là những vựa kiệu lớn nhất tỉnh Quảng Nam cũng chịu chung số phận. Đứng trên sào ruộng hơn 1 sào, ông Trần Quang Khởi, xã Bình Phục cho biết, thời điểm này ở những vụ trước thương lái đã đặt hàng gần hết thì năm nay sức mua lại nhỏ giọt. Giá thấp nên nhiều người chưa muốn bán. Họ cố gắng chờ đợi cận Tết, nhu cầu tăng cao để bán ra. Dù vậy, những người có gan mới dám làm điều đó bởi chẳng khác gì ôm bom vào mình. Giá không lên mà còn rớt nữa thì còn cách ngậm đắng. "Gia đình tôi trồng hơn 1 sào. Ngoài để sử dụng, phần lớn bán ra để mua sắm nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cho những ngày đầu năm mới. Thế nhưng năm nay gia đình chưa mua sắm gì cả, chờ bán xong vụ kiệu mới có tiền mua sắm. Gia đình cũng lo lắng lắm nhưng chẳng biết làm gì hơn ngoài mỏi mắt đợi chờ", ông Khởi thở dài.
Theo báo cáo của các địa phương, năm nay, do thiên tai bão lũ dồn dập nên nhiều diện tích kiệu của người dân bị hư hại, ngập úng, thối rễ. Có khoảng 70% kiệu có thể thu hoạch đúng thời vụ nhưng chất lượng cũng giảm sút khi củ kiệu không cao bằng mọi năm. Kiệu do người dân Thăng Bình trồng chủ yếu cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn tỉnh và khu vực Đà Nẵng.
"Mong sao từ nay đến Tết, thương lái sẽ tìm đến các ruộng kiệu thu mua nhiều hơn, giá cả cũng cao hơn để không chỉ gỡ vốn, người dân còn có đồng ra đồng vào đặng để mua sắm Tết. Một năm có quá nhiều biến cố, nếu vụ kiệu này lại thất thu nữa thì xác định mất Tết", ông Khởi nói.
THÀNH DANH