Thất bại lớn đầu tiên của Tổng thống Trump
(Cadn.com.vn) - Tổng thống Donald Trump hứng đòn pháp lý nghiêm trọng khi một tòa án phúc thẩm từ chối khôi phục sắc lệnh di trú mà nhà lãnh đạo này đã ban hành từ hôm 27-1, vốn quy định tạm thời cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ 7 quốc gia Hồi giáo.
Người tị nạn Syria vui mừng trên đường đến Mỹ khi lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump đang bị đình chỉ. Ảnh: AFP |
Ngày 9-2 (sáng 10-2, giờ Việt Nam), Tòa án phúc thẩm liên bang khu vực 9 tại San Francisco, với hội đồng gồm 3 thẩm phán, ra phán quyết bác yêu cầu của Nhà Trắng về việc tái ban hành sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump. Động thái này đồng nghĩa với việc phán quyết chặn sắc lệnh này của một tòa án cấp liên bang trước đó tiếp tục được giữ nguyên và đánh dấu thất bại lớn đầu tiên của tân tổng thống Trump.
Ngay sau động thái này, ông Trump phản ứng đầy mạnh mẽ trên Twitter: “Hẹn gặp các bạn ở tòa, an ninh đất nước chúng ta bị đe dọa”. Tổng thống Trump cũng lạc quan tuyên bố sẽ giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến pháp lý gay cấn này khi cho rằng, phán quyết của tòa lần này mang động cơ chính trị.
Để giành chiến thắng cuối cùng, Nhà Trắng cũng như Bộ Tư pháp sẽ phải đưa ra bằng chứng rằng, những người đến từ các quốc gia bị cấm chính là mối đe dọa lớn cho nước Mỹ. Trong phán quyết, Tòa phúc thẩm cho biết, chính phủ thất bại trong việc chứng minh những công dân từ 7 quốc gia trên có nguy cơ tấn công khủng bố tại Mỹ.
Nhưng trên thực tế, Tòa phúc thẩm lần này chỉ đưa ra phán quyết về một vấn đề: khôi phục hay tiếp tục chặn sắc lệnh của Tổng thống Trump theo phán quyết của thẩm phán cấp liên bang James Robart đưa ra hôm 3-2. Về số phận “đi hay ở” của sắc lệnh di trú, Tòa phúc thẩm cần xem xét thêm các chi tiết để ra quyết định cuối cùng.
Bộ Tư pháp tuyên bố đang xem xét quyết định mới nhất của Tòa phúc thẩm và khẳng định cân nhắc các lựa chọn để có phương án cuối cùng. Giới quan sát cho rằng, Bộ này có thể đề nghị tòa xem xét lại phán quyết. Ngoài ra, chính phủ ông Trump có thể yêu cầu Tòa phúc thẩm mở rộng danh sách hội thẩm để nghiên cứu về quyết định của tòa. Chính phủ có 14 ngày để thực hiện yêu cầu này.
Bởi vấn đề đặt ra cho chính quyền ông Trump là 2 trong số 3 vị thẩm phán của hội đồng xét xử lần này của Tòa phúc thẩm được các cựu tổng thống của đảng Dân chủ Jimmy Carter và Barack Obama chỉ định, và người còn lại được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush. Và cuối cùng, Nhà Trắng cũng có thể trực tiếp kháng cáo lên Tòa án tối cao Mỹ, nơi có quyền lực đưa ra quyết định tối cao, chấm dứt cuộc chiến này.
Kiềm chế nhập cảnh vào Mỹ chính là biện pháp an ninh quốc gia nằm ở trung tâm chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016. Người Mỹ ủng hộ chính sách đảm bảo an ninh hơn nữa cho đất nước. Tuy nhiên, sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump ban hành đã gây ra quá nhiều tranh cãi và làm bùng nổ làn sóng biểu tình khắp nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Trong khi Tòa phúc thẩm cho biết chưa thể quyết định số phận của sắc lệnh này, đã có những bằng chứng về “ý định của Tổng thống Trump” trong nỗ lực thực hiện một “lệnh cấm người Hồi giáo”.
Rõ ràng, Tổng thống Trump, dù mới nhậm chức chưa đầy 1 tháng, nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đang đi những bước chân chập chững trên sân khấu chính trị. Và chặng đường chông gai đang còn dài hơn nữa.
Khả Anh