Thất vọng với shophouse

Thứ hai, 08/05/2023 08:51
Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, phân khúc bất động sản nhà phố thương mại hay còn gọi là shophouse trên địa bàn TP Đà Nẵng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của các chủ đầu tư dự án bất động sản lẫn những nhà đầu tư, khách hàng khi đầu tư, kinh doanh phân khúc này.
Một căn shophouse tại Khu đô thị biển Phương Trang treo bảng cho thuê đã lâu nhưng chưa có khách thuê.
Một dãy shophouse ở Khu đô thị Bàu Tràm đóng cửa, để hoang phế từ vài năm nay.
Một căn shophouse tại Khu đô thị biển Phương Trang treo bảng cho thuê đã lâu nhưng chưa có khách thuê.

Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng, phân khúc bất động sản shophouse đang mang lại thất vọng cho họ bởi sự ế ẩm, rớt giá, thanh khoản giao dịch mua bán kém…

Với nhiều ưu điểm như vừa để ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng để làm văn phòng, cửa hàng, v.v… thu hút sự quan tâm rất lớn của khách hàng nên ở giai đoạn trước dịch COVID-19, các chủ đầu tư dự án bất động sản tại TP Đà Nẵng đua nhau đầu tư xây dựng shophouse. Theo đó, shophouse thi nhau “nở rộ”, mọc lên tại các dự án bất động sản như: Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Khu đô thị sinh thái Golden Hills City, Khu đô thị Tuyên Sơn, Khu đô thị biển Phương Trang, Khu đô thị Xanh Dragon City Park, Khu đô thị Bàu Tràm… Tình trạng giao dịch mua đi bán lại shophouse vào thời điểm đó sôi động do nguồn cung ít nhưng nhu cầu nhiều và cứ thế giá cả shophouse tăng lên mỗi ngày. Nhưng rồi dưới tác động của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 đến nay khiến cho phân khúc này trên thị trường bất động sản Đà Nẵng rơi vào tình cảnh thê thảm là “bán không được mà cho thuê cũng không xong”.

Dù đang nắm trong tay 2 căn shophouse ở Dự án Khu đô thị Bàu Tràm có giá trị hơn 5 tỷ đồng/căn nhưng anh Trần Thanh Dũng, ở Q.Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết bản thân anh trong thời gian qua phải chạy vay từng tháng để xoay sở cuộc sống qua ngày do kinh doanh khó khăn. Được biết, thời điểm đầu năm 2019, anh Dũng đầu tư 1 căn shophouse tại đây và lãi hơn 30% sau khi sang nhượng lại. Tự tin với thành công đó, cuối năm 2019, anh vay vốn ngân hàng đầu tư tiếp 2 căn shophouse cũng tại dự án trên vì anh cho rằng tình trạng xấu nhất là nhà đất “đóng băng” không mua bán được thì có thể cho thuê lấy tiền trả lãi ngân hàng. Thế nhưng, đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 ập đến, kéo theo thị trường bất động sản sụt giảm, ảm đạm kéo dài nên anh Dũng rao bán mãi vẫn không tìm được người mua. Để cầm cự, anh rao bán bớt 1 căn với giá vốn nhưng vẫn không tìm được người mua, thậm chí bán cắt lỗ từ 10% - 20% nhưng vẫn không được.

Bán không xong, anh Dũng bèn chào cho thuê shophouse giá 15 triệu đồng/căn/tháng vẫn không có khách, chấp nhận giảm giá thuê xuống còn 10 triệu đồng/căn/tháng nhưng cũng không có ai hỏi han. “Tài sản của tôi giờ thật sự là bất động, kinh tế khó khăn cần xoay vốn mà căn shophouse mua 5 tỷ từ năm 2019 giờ bán ra lỗ từ 10% - 20% lại không thể ra hàng. Nếu khoản tiền trên đừng mua shophouse mà gửi gửi ngân hàng, sau hơn 3 năm, tôi đã thu về lợi nhuận gần 40%. Bây giờ tôi mới thấy kênh gửi tiết kiệm ngân hàng tuy lợi nhuận thấp nhưng là kênh an toàn nhất”, anh Dũng than thở. Cùng tình trạng bán không xong cho thuê không được dù chọn đầu tư shophouse ở vị trí đẹp trên trục đường Nguyễn Sinh Sắc ngay trung tâm Q.Liên Chiểu, nằm sát biển ở Dự án Khu đô thị biển Phương Trang như trường hợp của chị Nguyễn Thị H., ở Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng). Chị H. chia sẻ thêm, dù triển khai từ năm 2011 nhưng cho đến giờ, lượng dân cư vào sinh sống tại dự án này vẫn còn thấp, các hạng mục công trình thương mại, vui chơi, giải trí mà chủ đầu tư hứa hẹn gần như chưa triển khai. Điều này khiến các shophouse tại dự án này mở cửa kinh doanh rất thấp, hơn 70% còn lại cửa đóng then cài.

Lý giải nguyên nhân khiến phân khúc shophouse trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa mang lại lợi nhuận như kỳ vọng cho các chủ đầu tư dự án bất động sản lẫn nhà đầu tư, khách hàng, anh Phan Tấn Thắng, chủ một doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Q.Liên Chiểu cho rằng, bên cạnh sự ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản “đóng băng” thì một dự án shophouse phải hội tụ rất nhiều yếu tố, đặc biệt phải tính đến vấn đề nhân khẩu thu hút vào dự án, tính toán chi tiết hành vi người dùng, số lượng người qua lại để hoạt động kinh doanh, mua sắm có thể tạo ra dòng tiền hàng ngày cho phân khúc này. Có như vậy, shophouse mới có thể mang lại hiệu quả về mặt kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo một chuyên gia tư vấn trên lĩnh vực bất động sản, phân khúc shophouse mất dần sự quan tâm của giới đầu tư còn xuất phát từ sự thay đổi lớn về phương thức mua sắm, giải trí của người dân. Hiện nay, người tiêu dùng đã sử dụng phương thức mua hàng online nhiều hơn, cùng với sự di dân về các khu đô thị vệ tinh, đã khiến các phố tập trung buôn bán nói chung, khu shophouse nói riêng không còn hiệu quả như trước, từ đó làm giảm đáng kể về mặt giá trị lẫn tính thanh khoản giao dịch của shophouse. Ngoài ra, tại một số dự án shophouse, đất xây dựng là loại đất dịch vụ, thương mại có thời gian thuê đất từ 50 - 70 năm, chứ không phải đất ở lâu dài, nên người mua shophouse cũng thận trọng khi đầu tư vào phân khúc này.

PHÚ NAM